Để tối ưu hóa việc ôn tập môn Vật lý và đạt điểm cao trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới, TS Nguyễn Thành Nam, giảng viên Học viện Kỹ thuật quân sự tiết lộ chiến thuật ôn thi cấp tốc, giúp các thí sinh "vượt vũ môn".
Trong chương trình Chinh phục kỳ thi THPT 2017, thầy Nam chia sẻ rằng để ôn thi cấp tốc hiệu quả, các sĩ tử cần nắm chắc 3 nguyên lý.
Thứ nhất, phần dễ quan trọng hơn phần khó. Phần dễ chiếm tỷ trọng lớn và thường chỉ mất khoảng 15 giây để giải xong. Ở phần này, học sinh thường nắm vững kiến thức hơn nên dễ dàng đạt điểm tối đa.
Thứ hai, mỗi người sẽ có một lượng kiến thức phù hợp với bản thân mình. Nếu học đủ lượng kiến thức đó, điểm số của các em sẽ được tối ưu. Nếu học ít kiến thức đó hơn, điểm số sẽ thấp hơn.
Việc nắm vững kiến thức lý thuyết là rất quan trọng vì câu hỏi lý thuyết chiếm tỷ lệ khá cao trong đề thi, lại là những câu dễ làm nhất và có thể làm nhanh.
Tuy nhiên, nếu các sĩ tử cố gắng "nhồi nhét" một lượng kiến thức quá lớn, vượt quá lượng kiến thức tối ưu, điểm số cũng sẽ tụt xuống. Làm sao tìm được lượng kiến thức phù hợp với mình là điều quan trọng nhất.
TS Nguyễn Thành Nam, giảng viên môn Vật lý, chia sẻ cách ôn thi cấp tốc vô cùng hữu ích đến các sĩ tử.
Ảnh cắt từ clip. |
Thứ ba, kỹ năng là yếu tố quan trọng không thua kém kiến thức. Nếu có một lượng kiến thức đủ nhưng không kịp xử lý 40 câu hỏi trong vòng 50 phút thì kết quả vẫn thấp.
Kỹ năng xử lý câu hỏi rất quan trọng, bao gồm nhận diện, xử lý và tính toán. Vì thời gian còn rất ít, các em nên tập trung hoàn thiện kỹ năng tính toán. Trong quá trình làm đề thi thử, mỗi phép tính, học sinh chỉ nên bấm máy tính một lần rồi lấy kết quả, không bấm lần thứ hai.
Theo thầy Nam, không có chiến thuật làm bài thi tối ưu cho mọi đối tượng, vì phụ thuộc vào năng lực và mục tiêu điểm số.
Người học giỏi muốn làm toàn bộ 40 câu thì có thể phân phối thời gian làm bài như sau: 10 phút cho 20 câu lý thuyết, 10 phút tiếp theo cho 10 câu bài tập nhận biết và thông hiểu, 10 phút nữa cho 5 câu vận dụng và 20 phút cuối cùng cho 5 câu hỏi vận dụng cao.
Tuy nhiên, nếu mục tiêu không phải là điểm 10, học sinh có thể sử dụng phép tính ở trên để xác định số câu cần làm, rồi tự tìm cách phân phối thời gian hợp lý cho bản thân trong quá trình luyện đề thi thử.