Tháng 12/2020, nhà thiết kế Aoki cho ra mắt suit mặc ở nhà. Bộ đồ có vẻ ngoài trang trọng, phù hợp với các cuộc họp online. Bên cạnh đó, nó mang phom dáng, chất liệu tạo cảm giác thoải mái cho người mặc.
Khoảng thời gian giãn cách xã hội khiến thời trang nam có nhiều thay đổi rõ rệt. Phái mạnh ưa chuộng những bộ đồ tạo cảm giác thoải mái.
Các bộ vest, áo sơ mi trang trọng được thay thế bằng quần thể thao và đồ ngủ. Làm việc tại nhà đang thay đổi thói quen ăn mặc của mọi người. Cuộc sống dần quay trở lại bình thường nhưng trang phục công sở vẫn mang hơi hướm thoải mái, bớt cứng nhắc.
Thời trang công sở nam có sự thay đổi rõ rệt sau dịch. Ảnh: SCMP. |
Sau dịch, đàn ông thích mặc thoải mái
Stylist Sascha Lilic cho hay: "Khi làm việc tại nhà, mọi người có thói quen chỉn chu trang phục từ thắt lưng trở lên để có thể tham gia các buổi họp online".
Nhiều người trở lại văn phòng với phong cách hoàn toàn mới. Nhà báo Deanna Narveson (làm việc tại tờ Baton Rouge)cho biết: "Tôi thấy đồng nghiệp chỉ đi mỗi đôi tất khi họ bước qua sảnh công ty. Sau đợt dịch, tôi ăn mặc thoải mái hơn nhưng không tự nhiên đến mức 'trần như nhộng' như cảnh bắt gặp tại văn phòng".
"Quần đùi và áo phông xuất hiện tại tòa nhà Pentagon thật sự là điều mới mẻ", ông Matt Triner - người đứng đầu công ty tư vấn về công nghệ thông tin Hunter Strategy - cho biết.
Việc nới lỏng quy định trang phục tại nơi làm việc vốn đã xuất hiện trước mùa dịch. Tiên phong là các công ty về công nghệ và thế hệ khởi nghiệp trẻ.
Thậm chí, trào lưu này còn xuất hiện tại một số ngân hàng lớn. Người đại diện Goldman Sachs (công ty quản lý đầu tư) cho hay: "Gần 2 năm nay, chúng tôi có những chính sách linh hoạt trong trang phục. Khuyến khích mọi người tự quyết định quần áo phù hợp để đi làm".
"Cơn ác mộng" với thương hiệu thời trang nam
Tuy nhiên, trào lưu này đang trở thành "cơn ác mộng" cho các thương hiệu thời trang nam nổi tiếng như Brooks Brothers và công ty mẹ của Men's Wearhouse. Cả hai đã tuyên bố phá sản vào năm ngoái.
David Hart - nhà thiết kế người Mỹ, chuyên gia trong lĩnh vực may mặc nam giới - đã phải chấp nhận "lùi một bước" để đầu tư cho hàng dệt kim, khẩu trang, áo len và áo polo với mức giá thấp hơn.
Stylist Sascha Lilic dự đoán trào lưu này sẽ trở thành "bước đi lâu dài" trong thói quen lựa chọn trang phục đi làm, đặc biệt là ở nam giới.
David Hart nói: "Trang phục sẽ trở nên dễ mặc và thân thiện hơn. Vẫn là suit nhưng có phom dáng cách điệu và thay đổi chất liệu co giãn. Áo sơ mi cổ rộng trở thành món đồ được ưa chuộng".
Các thiết kế có chất liệu cotton, linen được ưu ái. Ảnh: SCMP. |
Sự thay đổi của các nhãn hàng có thể dễ dàng nhận ra, nhất là khi những mặt hàng có chất liệu cotton, linen hoặc áo polo và giày thể thao được đẩy mạnh trong thị trường. Tuy nhiên, mọi người vẫn nên duy trì sự chỉn chu để phù hợp với môi trường làm việc công sở.
"Trang phục giúp bạn thể hiện cá tính riêng nhưng không đến mức loại bỏ hẳn phong cách thanh lịch nơi công sở. Mọi người dường như trở nên quá thoải mái khi đi làm", David Hart tâm sự.
Ông tin rằng: "Sẽ có động lực để phái mạnh mặc suit trở lại sau đại dịch. Tôi nghĩ rằng mọi người hiện nay bắt đầu trưng diện cho chính mình chứ không phải vì quy tắc công sở".