"Đang yên đang lành, tự dưng Tết" - câu nói đùa vui được nhiều bạn trẻ chia sẻ trên mạng xã hội những ngày cuối năm âm lịch, ám chỉ khoảng thời gian "sấp mặt" vì dọn nhà, sắm Tết, quà cáp biếu tặng đang đến gần.
Có thể đối với một số bạn trẻ sống cùng gia đình, Tết là bận bịu, là tốn kém hay là khoảng thời gian tranh thủ "đi trốn", nghỉ ngơi sau một năm làm lụng vất vả nhưng đối với những đứa con xa quê, Tết là là lý do "chính đáng" nhất để có thể gác lại công việc, bộn bề cuộc sống, trở về bên những người thân yêu.
'Làm gì thì làm, Tết nhớ về với bố mẹ nhé con'
"Dạ dạ, con biết rồi mẹ, con đặt được xe về Tết rồi, 26 âm con về nhé. Con mua ít bánh kẹo Tết rồi. Ở nhà chuẩn bị được nhiều chưa mẹ?"...
24 tháng Chạp, Đào Phương (23 tuổi) đếm từng ngày để được về quê ăn Tết cùng gia đình. Cô vừa gọi điện báo về để mẹ yên tâm.
Phương quê Yên Thành, Nghệ An, hiện làm việc tại Hà Nội. Khoảng cách địa lý hơn 300 km khiến cô gái 23 tuổi một năm chỉ về nhà được đôi ba lần kể từ ngày ra thủ đô học đại học, và Tết Nguyên đán là một trong những dịp hiếm hoi đó.
Năm nay, Phương và cô bạn thân cùng quê đã chuẩn bị mua vé tàu từ đầu tháng 1 để "chắc ăn", sợ những ngày sát Tết mới mua lại hết vé. Bằng sự cẩn thận đó, đôi bạn sớm có được chỗ trên chuyến tàu về ngày 31/1 (26 tháng Chạp).
Cách đây mấy hôm, Phương tranh thủ ra siêu thị gần chỗ trọ để sắm quà Tết cho gia đình, gửi về nhà bằng xe khách. Cô bạn bảo làm như vậy để tới hôm về đỡ phải tay xách nách mang hay thất lạc đồ.
Dù đi xa tới đâu, cứ tới mùa lễ hội, đoàn viên, những người con tha phương lại mong mỏi được về nhà sum vầy cùng gia đình. |
"Biết là giờ cuộc sống hiện đại, 'bắn' tiền qua tài khoản ngân hàng để cha mẹ tự mua đồ tiện hơn nhiều nhưng mình không muốn vậy. Vì có thể mua cho người thân món quà bằng những đồng tiền đầu tiên kiếm được khiến mình có đôi chút cảm giác tự hào", Phương nói, trên môi không kìm được mà nở nụ cười.
Dù những món đồ, mà theo lời Phương là "quà thủ đô" này chẳng phải gì quá cao sang, chỉ là đôi túi bánh, hộp mứt Tết và dăm gói ô mai mà cô cẩn thận tự tay chọn. Tuy nhiên, cả Phương và cha mẹ đều hiểu điều đắt giá và đáng quý nhất chính là tấm lòng của cô con gái gửi đến bậc sinh thành.
Đối với Phương, Tết năm nay đặc biệt hơn một chút vì cô vừa tốt nghiệp đại học vào tháng 6/2018, chính thức bước chân lăn lộn với đời. Phương tâm sự bản thân may mắn hơn nhiều bạn cùng khóa vì có thể tìm được việc đúng chuyên ngành học sau khi ra trường, chưa quá ổn định nhưng có thể tự nuôi được bản thân.
"Làm gì thì làm, Tết nhớ về với bố mẹ. Không cần quà cáp, tiền bạc gì cả, chỉ cần chúng mày về với hai ông bà già này đón năm mới thôi", năm nào cũng vậy, cứ gần đến Tết là mẹ Phương lại nhắn nhủ với mấy đứa con xa nhà qua điện thoại.
Dù trong lòng còn nhiều bộn bề, Thùy Linh (22 tuổi, quê Lạng Sơn) cũng háo hức không kém khi được nghỉ về quê ăn Tết.
Đang là sinh viên năm cuối Đại học Nội Vụ (Hà Nội), ra Tết là Linh sẽ đi thực tập cuối khóa. Với ngành học Quản trị nhân lực, 9X khá khó khăn mới xin được vị trí thực tập ở một cơ quan tại Lạng Sơn, kịp hoàn thành lịch đăng ký cho trường trước khi về nghỉ Tết.
Niềm vui khi được trở về nhà chỉ đơn giản là ngồi quây quần bên gia đình, tận hưởng những khoảnh khắc bên nhau. |
Với số tiền lương 2 triệu đồng/tháng cho công việc làm phục vụ part-time ở quán cà phê và một ít tiết kiệm được trước đó, Linh dự định mua cho cha mẹ và em gái mỗi người một chiếc áo làm quà Tết.
"Quê mình ở khá gần, khoảng 150 km nên đặt xe đi lại cũng dễ hơn. Nhưng Tết mà, không tránh khỏi việc bị nhồi nhét hơn thường ngày", Linh tâm sự.
Đối với cô gái quê Lạng Sơn, niềm vui được về quê đón Tết tạm thời giúp cô quên đi niềm trăn trở, lo âu của những ngày cuối đời sinh viên.
Tết rồi mà, về nhà thôi!
Không chỉ Phương, Linh, chắc hẳn đứa con xa quê nào vào những ngày cuối năm đều mong được trở về đoàn tụ bên gia đình.
Ra đường, hàng quán lục đục đăng thông báo lịch nghỉ Tết, các shop thời trang bắt đầu "xả hàng" cuối năm, màu hồng của hoa đào, màu vàng của quất cảnh dần xuất hiện trên từng con phố vốn đã rực rỡ sắc màu càng khiến những người con ấy thêm nôn nao, mong ngóng.
Cuộc sống ngày càng hiện đại, người ta cứ nói Tết ngày càng "nhạt", không còn vui nhưng đâu để ý rằng chỉ cần ngày cuối năm có đầy đủ các thành viên trong gia đình, mạnh khỏe, cùng nhau làm bữa cơm tất niên cúng gia tiên, vừa ngồi trò chuyện về những điều đã qua trong năm, ấy đã là một cái Tết "đậm" chứ còn tìm đâu xa nữa?
Và đối với những đứa con xa nhà, dù đã cứng cáp, trưởng thành hay mới chập chững vào đời, được trở về dưới mái ấm gia đình những ngày này, còn gì an yên, hạnh phúc hơn?
"Tết năm nào đối với mình cũng rất ý nghĩa. Đi học, đi làm cả năm, chỉ có dịp này là được ở nhà lâu nhất và là dịp mình háo hức nhất khi trở về", Phương tâm sự.
Cô gái xứ Nghệ khoe năm ngoái mới học gói bánh tét nhưng đã làm rất ngon và đẹp mắt, năm nay được về sớm, cô dự định "thầu" luôn cả nồi bánh của gia đình.
Một năm có tới 365 ngày, đừng viện cớ này việc kia, hãy thu xếp để về bên cha mẹ, anh em, dưới mái nhà quen thuộc. Đi để trở về, bởi một năm, Tết chỉ có một lần thôi mà!
Tết chỉ đến mỗi năm một lần, hãy làm cho Tết trở thành quãng thời gian đáng nhớ với chương trình "Bên nhau nêm Tết đậm đà". Cuộc thi do báo điện tử Zing.vn tổ chức với sự đồng hành của Pepsi, diễn ra từ ngày 23/1 đến hết ngày 11/2. Người chơi tham gia sẽ có cơ hội nhận được 1.000 lì xì may mắn và giải thưởng tiền mặt 1 triệu đồng mỗi giải cho 5 bài thi xuất sắc nhất. Độc giả xem thêm thông tin về chương trình tại đây.