Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Năm học đổi mới của giáo dục TP.HCM

TP.HCM sẽ đổi mới mạnh mẽ, sâu sắc tư duy giáo dục. Trong đó, nổi bật là phối hợp thực hiện và thẩm định bộ sách giáo khoa phù hợp thực tiễn phát triển của thành phố.

Theo chỉ thị về nhiệm vụ giáo dục và đào tạo năm học 2017-2018 trên địa bàn TP.HCM của UBND TP, đây sẽ là năm học TP thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng.

Trong đó, điểm nhấn là thực hiện có hiệu quả, tiên phong, dẫn đầu cả nước về công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT gắn với nâng cao chất lượng của nguồn nhân lực nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ chất lượng của GD&ĐT trên địa bàn TP.

Để học sinh được hoạt động cả ngày trong trường

Theo ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, một trong những mục tiêu cũng như tâm tư, nguyện vọng của ngành GD&ĐT TP là phấn đấu để 100% học sinh (HS) được học 2 buổi/ngày, hoạt động cả ngày trong nhà trường.

Sở đã và đang tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành và chính quyền các quận, huyện rà soát quy hoạch giáo dục, đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường lớp nhằm thực hiện chỉ tiêu đến năm 2020 đạt 300 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học.

Cai cach giao duc TP.HCM anh 1
Một trong những đề xuất của TP.HCM là học theo tín chỉ, học sinh được lựa chọn môn học Ảnh: Tấn Thạnh / Người Lao Động.

Năm học 2017-2018, TP.HCM tăng cường đầu tư để xây dựng trường lớp, bảo đảm 100% HS sinh sống trên địa bàn (kể cả những người chưa có hộ khẩu, thuộc diện tạm trú) có đủ chỗ học.

Cũng theo ông Lê Hồng Sơn, 2017-2018 là năm học ngành GD&ĐT TP tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp giảng dạy và học tập. Chú trọng hướng dẫn HS phương pháp tự học, tự nghiên cứu, phương pháp làm việc theo nhóm, tự chinh phục kiến thức thay cho việc nhồi nhét kiến thức; tăng cường tổ chức cho HS tham gia các tiết học ngoài nhà trường nhằm gắn liền lý thuyết với thực tiễn; khuyến khích, hướng dẫn và tạo điều kiện để HS nghiên cứu khoa học, vận dụng kiến thức đã học vào thực tế cuộc sống.

Đồng thời, tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm giảm tải chương trình, khắc phục tình trạng quá tải, nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện theo lộ trình việc đổi mới phương thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, đạo đức theo hướng phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của người học, chuyển trọng tâm đánh giá nội dung học tập sang đánh giá phẩm chất và năng lực người học.

Mạnh dạn đề xuất nhiều chủ trương quan trọng

Năm học 2017-2018, ngành GD&ĐT TP.HCM gây chú ý khi tiếp tục những đề xuất, kiến nghị về cơ chế đặc thù cho GD&ĐT TP. Một trong những kiến nghị đó là chấp thuận cho TP thực hiện cơ chế đặc thù trong lĩnh vực GD&ĐT, được phép thực hiện chương trình giáo dục phù hợp với thực tiễn của địa phương nhưng vẫn tuân thủ chương trình khung của Bộ GD&ĐT.

Theo ông Lê Hồng Sơn, TP.HCM cũng sẽ đổi mới mạnh mẽ, sâu sắc tư duy giáo dục. Trong đó, nổi bật là phối hợp thực hiện và trình Bộ GD&ĐT thẩm định bộ sách giáo khoa phù hợp thực tiễn phát triển của TP dựa trên khung chương trình của Bộ GD&ĐT.

Một trong những đề xuất đặc biệt nhất là cuối tháng 12/2017, UBND TP.HCM đã có báo cáo gửi Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về việc thi hành Luật Giáo dục, đề xuất nhiều nội dung liên quan việc tạo cơ chế mở cho giáo dục TP.HCM. Nếu được thông qua, HS sẽ được học theo hình thức tín chỉ, được lựa chọn loại hình học tập...

Theo ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TP.HCM, những đề xuất trên nằm trong đề án phát triển giáo dục của TP từ nay đến năm 2030, nếu được phê duyệt sẽ bắt đầu có đề án chi tiết, cụ thể.

Ông Hoàng cũng cho rằng mục đích cao nhất của những đề xuất trên là vì HS. HS được lựa chọn loại hình học tập phù hợp, HS khuyết tật, vùng sâu, vùng xa cũng được chọn cách học thuận tiện nhất.

Tuy nhiên, ngành giáo dục TP cũng đã lường trước những khó khăn trong từng ý kiến đề xuất. Chẳng hạn, đề xuất cho HS tự do lựa chọn loại hình học tập đồng nghĩa với việc HS sẽ tốt nghiệp THPT trước thời gian quy định rất nhiều. Nhưng, luật hiện quy định từ 18 tuổi mới được công nhận tốt nghiệp. Vì vậy, việc khó nhất là phải điều chỉnh nhiều nội dung trong Luật Giáo dục.

Giao quyền tự chủ cho các trường

Theo Sở GD&ĐT TP.HCM, năm học 2017-2018 sẽ cho phép các trường chủ động thực hiện kế hoạch dạy học trên cơ sở bảo đảm chuẩn kiến thức kỹ năng và thời lượng dạy học; chủ động xây dựng các chủ đề tích hợp, liên môn và đa dạng hóa các hình thức kiểm tra, đánh giá. HS sẽ được học tập và hoạt động cả ngày trong trường.

8 đề xuất cải cách giáo dục của TP.HCM

Nhà giáo phải có chế độ đãi ngộ như quân đội, học tín chỉ từ THCS, tự công nhận tốt nghiệp... là những đề xuất cải cách giáo dục được kỳ vọng mang tính đột phá của TP.HCM.


https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/nam-hoc-doi-moi-cua-giao-duc-tp-hcm-20180220213226712.htm

Theo Đặng Trinh / Người Lao Động

Bạn có thể quan tâm