Những đề xuất về giáo dục của TP.HCM được kỳ vọng mang tính đột phá nhận được sự quan tâm của dư luận. Theo đó, hàng loạt các vấn đề như: Rút ngắn thời gian học, đào tạo theo hình thức tín chỉ, học trực tuyến, tự công nhận tốt nghiệp, tự biên soạn SGK, nâng cao chế độ lương cho giáo viên…
Ông Đỗ Minh Hoàng - Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TP.HCM - cho biết những đề xuất này nếu thực hiện có thể giúp học sinh ở bất cứ hoàn cảnh nào đều được tiếp cận giáo dục.
16 tuổi có thể vào đại học
Một trong những đề xuất của TP.HCM được dư luận quan tâm là hình thức giáo dục mới gần giống với đào tạo theo dạng tín chỉ, áp dụng từ THCS.
TP.HCM đề xuất học sinh học tín chỉ từ THCS. Ảnh: Tùng Tin. |
Theo lãnh đạo thành phố, việc áp dụng tín chỉ từ cấp THCS đến THPT, liên thông bậc đại học, sau đại học sẽ giúp học sinh làm quen phương thức học tín chỉ hiện đại, tiết kiệm thời gian cho những em có điều kiện học nhanh, học giỏi.
Đề án đặt ra hướng tiếp cận vấn đề là những kiến thức ở phổ thông không cần phải học lại ở đại học. Học sinh 16-17 tuổi, thậm chí ít tuổi hơn nữa, đã có thể vào đại học, không chờ đến đủ 18 tuổi như quy định hiện nay. Trên thế giới, quy định này đã được nhiều nước áp dụng và thành công.
Đề án của thành phố dự tính mỗi năm học chỉ có 8 môn bắt buộc, các môn tự chọn còn lại có thể hoàn thành trong 1-2 năm.
Ông Đào Tuấn Đạt - Chủ tịch Hội đồng chuyên môn trường THPT Anhxtanh Hà Nội, giảng viên ĐH Bách Khoa - cho rằng việc học theo tín chỉ sẽ giải quyết được nhiều vấn đề. Quy định hiện nay khiến học sinh giỏi phải đi chậm lại để chờ học sinh yếu. Người yếu níu chân người giỏi.
Việc học tín chỉ sẽ giải quyết bài toán môn học tự chọn theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Được như vậy sẽ giúp rút ngắn thời gian đào tạo lại, tạo sự uyển chuyển, linh hoạt trong lớp học. Cách học này cũng tạo điều kiện cho học sinh có thời gian, phù hợp việc thi chứng chỉ vào trường quốc tế.
Tuy nhiên, thầy giáo Nguyễn Hà Thành (quận 12, TP.HCM) lại tỏ ra lo lắng với đề xuất này. Theo thầy Thành, ở bậc THCS, khi các em mới 12 tuổi, việc đăng ký, lựa chọn tín chỉ phù hợp với học sinh không dễ dàng. Tuổi nhỏ, nhiều em chưa có tính tự chủ cao, cũng như chưa tự giác sắp xếp lộ trình học tập.
“Nếu phụ thuộc cha mẹ quá nhiều, học sinh có thể bị quá tải về học tập. Thời gian học tập linh hoạt thay vì sáng đi chiều về cũng gây khó khăn cho cha mẹ khi đón đưa”, thầy Thành nói.
Cũng theo ông Thành, khi học tín chỉ, các tổ chức, mối quan hệ giữa các thành viên trong lớp, với giáo viên chủ nhiệm, cũng thay đổi, liệu lứa tuổi THCS có phù hợp?
Cần chuẩn bị kỹ lưỡng
TS Lê Viết Khuyến - nguyên Vụ phó Vụ giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, cho rằng TP.HCM đề xuất học tín chỉ từ THCS là có khả thi. Một số đề xuất khác như rút ngắn thời gian năm học, thay đổi cấu trúc chương trình là… hơi quá.
“Nước ta chỉ có một hệ thống giáo dục. Vì vậy, những đề xuất mà tôi nói hơi quá ở trên vì đã vượt xa khuôn khổ hệ thống giáo dục quốc gia”, TS Khuyến nêu quan điểm.
Theo nguyên Vụ phó Vụ giáo dục Đại học, nếu học theo tín chỉ, học sinh có thể học nhanh - chậm khác nhau. Cớ sao phải giảm số năm học để riêng TP.HCM lại khác biệt và đi chệch hướng?
TP.HCM là thành phố rất năng động nhưng để thực hiện được hệ thống đào tạo tín chỉ là phương thức không hề đơn giản, cần có sự nghiên cứu chu đáo.
Không ít trường đại học triển khai đào tạo tín chỉ từ nhiều năm nhưng chỉ một số ít trường làm tập trung. Nếu làm theo kiểu nửa vời khi chưa nghiên cứu kỹ, chưa chuẩn bị đủ điều kiện, hình thức này có thể dẫn tới “lợi bất cập hại”.
Giáo dục nước ta không nên bê nguyên bất cứ mẫu đào tạo nào từ nước ngoài về. Nếu áp dụng máy móc, chúng ta sẽ thất bại.
TS Lê Viết Khuyến nhấn mạnh để tổ chức học theo tín chỉ thành công phải cần có những điều kiện phù hợp, giám sát, nghiên cứu thấu đáo, có chuyên gia tư vấn và không nên làm ào ào.
Đây là hình thức đào tạo đáng lưu tâm không chỉ cho các quốc gia mạnh mà còn cả những nước đang phát triển. Ở Việt Nam, bất cứ tỉnh thành nào có đủ điều kiện cũng đều nên thực hiện và nhân rộng mô hình này.