Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Năm học mới vẫn nỗi lo lạm thu

Lễ khai giảng năm học mới sẽ hướng đến bảo vệ môi trường và lấy học sinh làm trung tâm. Các trường tiếp tục quán triệt khoản thu chi, cấm lạm thu nhưng vẫn có nơi lách luật.

Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, lễ khai giảng năm học 2019-2020 của tất cả trường học sẽ diễn ra vào sáng 5/9. Theo đó, buổi lễ gồm 2 phần lễ và hội. Trong phần lễ, học sinh được chào cờ, hát Quốc ca, nghe đọc thư của Chủ tịch nước. Ở phần hội, nhà trường tuỳ điều kiện để tổ chức các hoạt động vui chơi cho học sinh tham gia.

Lễ khai giảng vì môi trường

Sở GD&ĐT TP.HCM quy định lễ khai giảng năm học mới gồm 3 không: “Không phát băng hát Quốc ca; không mời lãnh đạo phát biểu và nhà trường không đọc báo cáo thành tích”.

Nam hoc moi anh 1
Giáo viên và học sinh trường Tiểu học Kim Liên (Hà Nội) trong ngày hội đón học sinh lớp 1. Ảnh: Tiền Phong.

Bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng, cho biết sở quy định lễ khai giảng của các trường tổ chức ngắn gọn trong vòng 45 phút, không có phần phát biểu của lãnh đạo và yêu cầu các trường không thả bóng bay để bảo vệ môi trường. Đà Nẵng cũng yêu cầu hiệu trưởng các trường tập trung nội dung chào đón học sinh đầu cấp, không dài dòng đọc báo cáo thành tích.

Thầy Nguyễn Xuân Khang, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường THCS - THPT Marie Curie, Hà Nội, thông tin: “Năm nay, trường sẽ tổ chức lễ khai giảng đặc biệt, hưởng ứng bảo vệ môi trường. Bên cạnh không thả bóng bay, nhà trường cũng sẽ kêu gọi học sinh, phụ huynh không sử dụng chai nhựa dùng một lần, túi bóng… trong sinh hoạt.

Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THCS - THPT Lê Quý Đôn, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), chia sẻ trong lễ khai giảng trường vận động 1.050 học sinh đi học mang theo bình nước bằng inox hoặc bình nhựa sử dụng lâu dài, tuyệt đối không sử dụng chai nhựa một lần. Thầy Bình cho biết trước đó, thầy đã đề nghị giáo viên không sử dụng túi nylon và chai nhựa một lần.

Theo bà Nguyễn Thị Xuân Mai, Hiệu trưởng trường Tiểu học Kim Liên, quận Đống Đa (Hà Nội), trường có hơn 3.000 học sinh nên để tổ chức lễ khai giảng long trọng, ngắn gọn nhà trường dành một buổi riêng chào đón học sinh đầu cấp. Hơn 600 học sinh lớp 1 được cha mẹ đưa đến trường trong bộ đồng phục mới. Hiệu trưởng lần lượt giới thiệu với các em về thầy cô giáo; lớp học; thư viện…. Ngoài ra, có cả màn phát kẹo cho tân học sinh bởi các chú gấu, pokemon ngộ nghĩnh.

7 khoản không được thu

Đầu năm học 2019-2020, UBND Hà Nội có văn bản “cấm” các trường lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản ngoài quy định.

Theo đó, Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ được thu các khoản phục vụ trực tiếp cho các hoạt động của ban, không được thu 7 khoản gồm mua sắm cơ sở vật chất; đảm bảo an ninh nhà trường; vệ sinh lớp học; vệ sinh trường học; khen thưởng giáo viên; cán bộ quản lý; hỗ trợ các hoạt động giáo dục; nâng cấp, xây mới các công trình nhà trường…

Quy định là vậy, nhưng trên thực tế, ngay đầu năm học, một số phụ huynh vẫn phản ánh, các trường có cách “lách” quy định để huy động đóng góp của phụ huynh.

Chị Nguyễn Hương Giang có con vào lớp 1 trái tuyến một trường trên địa bàn quận Ba Đình, Hà Nội, cho biết khi xuống phòng làm thủ tục, nhân viên phòng kế toán đưa phiếu nộp tiền quỹ tự nguyện với mức 4 triệu đồng. Chị Giang cho rằng các khoản thu mang tính chất tự nguyện nên đóng bao nhiêu tuỳ tâm chứ nhà trường đưa phiếu đề là “tự nguyện” nhưng nói rõ mức thu như vậy là chưa hợp lý.

Anh Trần Văn Hoàng, có con học lớp 1 ở trường tiểu học ở quận Hoàng Mai cho biết, sau buổi họp phụ huynh đầu năm, giáo viên thông báo, điều kiện học tập của cô và trò rất cần máy chiếu, một cây nước nóng, 2 điều hoà… Cô giáo cũng thông báo những năm trước, lớp học nào cũng có nhưng hết năm học, phụ huynh lại tháo mang lên lớp trên, do đó cô lại phải “đi xin” từ đầu. Đầu tiên, cô sẽ “xin” mạnh thường quân của lớp tài trợ, sau đó mới tính phương án khác.

Vẫn theo lời cô giáo, các thiết bị lớp cần gồm máy chiếu, điều hoà, cây nước, tủ đựng chăn gối có giá khoảng 50 triệu đồng, tuy nhiên trường “cấm” phụ huynh đóng góp để mua dưới mọi hình thức. Do đó, cô nhờ phụ huynh nghĩ phương án khác. Kết thúc buổi họp phụ huynh, Ban đại diện phụ huynh lớp đã phải tổ chức buổi họp riêng không có giáo viên chủ nhiệm bàn phương án cả lớp sẽ góp tiền mua, sau đó giao cho một người đứng ra tặng lớp.

“Trời nắng như thế này, phụ huynh không nỡ để con học trong phòng không điều hoà, mồ hôi nhễ nhại. Vì thế, quy định là cấm thì phải nghĩ cách để lách thôi”, phụ huynh này nói.

Hà Nội không để lạm thu dưới danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh

Trường học vi phạm công tác thu chi sẽ bị xử lý nghiêm, đồng thời phải hoàn trả những khoản thu sai cho phụ huynh.


https://www.tienphong.vn/giao-duc/nam-hoc-moi-van-noi-lo-lam-thu-1459612.tpo

Theo Nguyễn Hà / Tiền Phong​

Bạn có thể quan tâm