Đây là nơi các em sẽ phải gắn bó cả tuổi thơ, phải khổ luyện để thành tài trong sự nghiệp của một vận động viên Thể dục dụng cụ.
Nếu như sau ngày khai giảng năm học mới, các bậc phụ huynh chỉ mong cho con em được học, được chơi, thì với những VĐV nhí - có những em còn chưa đủ tuổi vào lớp 1 - có nhiệm vụ nhiều hơn thế: Các em cũng được học văn hóa, nhưng thay vì chơi là những bài tập có thể gây đau đớn đến ứa nước mắt. Đó là một phần của quá trình huấn luyện - đào tạo: Khổ luyện để thành tài.Các học sinh - vận động viên nhí sáng học văn hóa, chiều khổ luyện. Ảnh: Đ.H. |
Khổ luyện từ lúc… tè dầm
Tôi đã bị ấn tượng ngay từ cảm giác ban đầu, khi bước qua cánh cửa vào căn nhà lớn, nơi các em nhỏ đang tập luyện. Đó là cả một thế giới tuổi thơ thực sự, thế giới của những VĐV nhí đang khổ luyện để thành tài.
Giữa một căn nhà lớn rộng chừng 300m2 với ngổn ngang những dụng cụ tập luyện dành cho môn TDDC - những xà, đệm, cầu…, các em nhỏ lọt thỏm trong cái không gian rộng lớn ấy cùng với những chiếc quạt chạy vù vù giữa cái nóng nực của Hà Nội. Đây là nơi các em sẽ phải gắn bó cả tuổi thơ vào sự nghiệp của một VĐV TDDC.
Và, cái sự khác biệt ở thế giới tuổi thơ ấy chính là từ cái không gian ở ngôi nhà chung này - nơi mà mọi thứ đều phải đi vào khuôn khổ. Nó khác với đu quay và cầu trượt trong công viên và trường mầm non, khác với sự hồn nhiên của một đứa trẻ thông thường mang tâm lý thích thì chơi, chán thì nghỉ. Các em phải “chơi” một cách bài bản, có giáo án và phải thực sự nỗ lực với tinh thần quyết tâm mới có thể “nuốt” trọn những bài tập ngay từ tấm bé.
Một nhóm 10 em nhỏ nghiêm túc và tự giác luyện tập trong không khí trật tự để “nuốt” trọn những bài tập của những VĐV thực thụ. Nó khác với cái không khí vui nhộn và hồn nhiên của các em nhỏ trong độ tuổi này bên ngoài. Các em còn quá nhỏ, nhưng tác phong luyện tập rất nền nếp và những động tác rất chuyên nghiệp. Từ động tác uốn dẻo đến nhào lộn đều được các em thực hiện rất bài bản. Ngân Thương cho biết, rất nhiều em mới được tuyển vào và thời gian tập luyện chỉ được tính bằng tháng.
Ngoài luyện tập, các em được học văn hóa vào buổi sáng. Với những dịp nghỉ hè, thời gian sẽ kéo dài cả ngày. Trung bình, 1 ngày các em luyện tập trong vòng 4 tiếng. Theo các HLV, năm học mới với những VĐV nhí cũng không có gì quá đặc biệt, bởi các em sẽ được học ngay trong trung tâm.
Bài học đầu tiên: Tự lập
Tất cả các em nhỏ khi được tuyển vào đào tạo tại trung tâm đều ở nội trú và mỗi tuần, các em chỉ được về với gia đình một lần. Cuộc sống xa gia đình nên mọi thứ đều phải tự lập ngay từ nhỏ. Ở cái tuổi bao trẻ em khác được sống trong vòng tay yêu thương của bố mẹ thì các em ở trung tâm phải lớn hơn cái tuổi đang mang và tự lập hơn khi không có người thân bên cạnh.
Ở cái tuổi vào lớp 1 ấy, các em đã được hình thành ý thức tự chăm lo cho bản thân. Những đứa trẻ 6 tuổi phải tự giặt quần áo và gập chăn màn khi thức dậy mỗi buổi sớm là điều trở thành bình thường. Tự lập là bài học đầu đời mà mỗi VĐV nhí ở đây đều được học.
Trong mỗi buổi tập, các em cũng được rèn luyện ý thức tự giác và tự túc. Dụng cụ tập, ngoài các cột, xà, cầu… - những thứ nằm cố định ra, thì những tấm đệm lớn luôn được di chuyển theo những bài tập khác nhau. Hai cậu bé, có lúc là 3-4 cô bé và một chiếc đệm lớn, chiếc đệm mà chắc chắn một gã thanh niên như tôi sẽ cần thêm một người nữa trợ giúp mới có thể bê bổng để chuyển sang nơi khác. Thế mà nó được xử lý “ngon lành” bởi hai cậu bé mới chỉ 6 tuổi bằng cách vần. Và cái hành động ấy được làm thành thục và quen thuộc giống như chuyện ăn cơm hằng ngày. Đó là hình ảnh gây ấn tượng mạnh. Đó là ý thức tự giác của các em, hay nói đúng hơn là ý thức tự thu xếp của các VĐV cho phù hợp với bài tập khi được HLV yêu cầu - điều xưa nay tôi chỉ thấy ở những VĐV đã lên chuyên nghiệp.
Có một điều dễ nhận thấy, đối với những đứa trẻ ở đây đó là khả năng đọc suy nghĩ và phản ứng rất nhanh. Trong mỗi bài tập, vì đã quá quen với HLV và cũng vì một sự nhạy bén nhất định đối với bộ môn này mà những đứa trẻ, chỉ cần thấy biểu hiện cơ mặt và sắc thái của huấn luận viên thôi, là đã nhận ra vấn đề trong bài tập. Trong buổi huấn luyện, Ngân Thương chỉ cần chớp mắt hay cau mày, các em cũng nhận ra mình làm sai động tác gì và cũng chừng ấy là các em đủ hiểu mình nên làm thế nào cho đúng. Đó cũng chính là tố chất khiến VĐV bộ môn TDDC đặc biệt hơn so với các môn khác.
HLV Đỗ Thùy Giang - Phó bộ môn TDDC của trung tâm - cho biết: “Đối với bộ môn TDDC, tư duy của những đứa trẻ phải hơn những người bình thường. Phản xạ thần kinh nhanh nhạy là điều rất quan trọng. Những đứa trẻ trong thời gian ngắn nhất, cái xúc tác thần kinh càng nhiều thì có nghĩa là độ linh hoạt càng cao và khả năng điều khiển cơ thể khi biểu diễn càng đẹp. Thành công hay không của VĐV ở bộ môn này là ở chỗ đó. Những VĐV đạt thành tích cao như Ngân Thương hay Hà Thanh có loại hình thần kinh khác thường. Đó là những người chăm chỉ không chỉ ở cơ bắp mà cả tinh thần”.
Chính bài học đầu tiên là tự lập ấy đã khiến các em phải lớn hơn tuổi đời và ngay cả tâm hồn các em cũng thuộc về một thế giới khác biệt. Thế nhưng, tuổi thơ của các em không hề bị mất đi như nhiều người nghĩ. Mỗi người có con đường đi khác nhau thì sẽ có những thế giới riêng khác nhau. Các em nhỏ ở trung tâm cũng vậy. Những tiếng cười trẻ thơ vẫn tràn đầy phía sau những buổi tập.