Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Năm nay, 6 người nhà tôi đón Tết ở 4 nước'

Tuy không thể về quê đón năm mới cùng gia đình, nhiều người Việt sinh sống ở nước ngoài vẫn giữ gìn nét văn hóa truyền thống của dân tộc trong ngày Tết cổ truyền.

Với những người con xa quê, việc trở về với gia đình những ngày cuối năm để chuẩn bị đón Tết có lẽ là điều đáng mong chờ nhất. Thế nhưng, khoảng cách địa lý, công việc bộn bề và đặc biệt dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều người Việt sống ở nước ngoài không thể về quê trong dịp Tết Tân Sửu 2021.

Tuy vậy, ở nơi xứ người bằng những tình cảm tốt đẹp hướng về quê hương, đất nước, mỗi kiều bào đều chủ động tâm thế đón Tết cổ truyền theo phong tục, tập quán của người Việt nhưng vẫn đảm bảo an toàn, phòng ngừa dịch bệnh.

Trò chuyện với Zing, những người Việt xa quê sắp đón năm mới ở xứ người chia sẻ nhiều cảm xúc khó tả về một cái Tết khác biệt.

Huỳnh Ngọc Hoàng Lan (Paris, Pháp)

Tết Tân Sửu là cái Tết vô cùng đặc biệt đối với gia đình Lan khi các thành viên phải đón năm mới ở 4 quốc gia. Vợ chồng Lan hiện sống tại Paris (Pháp). Bố cô đang làm việc ở Thái Lan. Em trai Lan ở Singapore. Trong khi đó, mẹ và em gái sống tại TP.HCM, còn gia đình chồng Lan ăn Tết Hà Nội.

Vì dịch Covid-19, mọi người không thể cùng bay về quê đón Tết như mọi năm.

“Đành ai ở đâu thì ăn Tết ở đấy vậy. Tuy rất nhớ những cái Tết bên nhau nhưng đây là thời điểm cả thế giới cùng chống dịch, đâu phải mỗi mình phải xa gia đình. Đành hẹn gặp nhau vào một dịp khác khi dịch đã qua, niềm vui trọn vẹn hơn”.

nguoi viet o nuoc ngoai don tet anh 1

Gia đình 6 người của Lan ăn Tết ở 4 quốc gia. Bức ảnh ghép giúp các thành viên cùng đón Tết Tân Sửu.

Thời gian gần đây, Lan thường gọi điện động viên mẹ vì đây là năm đầu tiên mẹ cô phải ăn Tết một mình với em gái. Bố mẹ chồng cô cũng thường nhắn tin hỏi han hai vợ chồng. Mọi người cũng chỉ còn biết nhắn nhau cố gắng giữ gìn sức khỏe.

Nhiều năm nay, gia đình Lan vẫn có thông lệ sáng mùng 1 mọi người đều mặc đồ cùng màu và chụp một bức ảnh thật đẹp bên nhau. Năm nay, tất cả ở xa nên mọi người đã ghép tấm ảnh có đủ mặt các thành viên như một cách để tự động viên mình.

“Ở đâu cũng được, miễn an toàn và mạnh khỏe là đã vui lắm rồi. Tuy xa mà gần”, Lan nói với Zing.

Lan vừa sang Pháp vào cuối năm ngoái. Còn chồng cô đã ở Pháp 10 năm. Năm ngoái cả hai vợ chồng Lan đều ăn Tết ở Việt Nam, còn năm nay là lần đầu ăn Tết cùng nhau ở nước ngoài.

“Vì sống xa quê, xa gia đình nên bọn mình cũng cố gắng chuẩn bị một chút cho có không khí. Trước ngày 30, hai vợ chồng mua bánh chưng, trái cây và hoa để trang trí nhà cửa; mua gà, xôi để cúng giao thừa; một ít bánh kẹo để mời bạn bè đến nhà chơi”.

Tất cả nguyên liệu, đồ dùng cần thiết đều được Lan mua từ chợ người Việt tại Paris. Tuy không đầy đủ như ở Việt Nam, song khu chợ những ngày này cũng rất rộn ràng không khí Tết.

Hiện tại ở Pháp đang có lệnh giới nghiêm sau 18h, nên trong một ngày không thể sắp xếp quá nhiều hoạt động. Vợ chồng Lan phải mua sắm dần trước Tết. Cô dự định mùng 1 cùng gia đình online chúc Tết người thân, mùng 2 gặp gỡ ăn Tết với 1-2 người bạn gần nhà và mùng 3 đi lễ chùa.

“Mọi năm ở Pháp, thường sẽ có rất nhiều hoạt động với sự tham gia của cộng đồng người Việt và quốc tế như ẩm thực, múa lân, biểu diễn ca nhạc... Tuy nhiên năm nay, để đảm bảo an toàn thì các hoạt động này đã bị hủy. Gia đình mình cũng không tụ tập ăn uống nhiều mà chủ yếu là gọi điện về cho người thân”.

Phạm Dương (Fukuoka, Nhật Bản)

Vừa tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Hà Nội vào năm 2016, tháng 3/2017, Dương sang Fukuoka (Nhật Bản) học tiếp cao học đến năm 2019 rồi ở lại làm việc luôn.

Hơn 3 năm học, làm việc xa nhà cũng là từng ấy cái Tết Dương không ở gần gia đình. Chưa vướng bận chuyện gia đình, có năm, anh đón Tết bên bạn bè, cùng gói bánh chưng, có năm lại rủ đồng nghiệp tụ tập hay lên đường đi du lịch. Thông thường, Dương chỉ về nhà vào dịp hè hoặc nhân tiện đi công tác.

“Mình là người thích trải nghiệm, may mắn là bố mẹ cũng ủng hộ mình khám phá, đi được nhiều nơi”.

Bình thường, công việc của Dương đòi hỏi di chuyển nhiều, có lúc một tuần phải 2, 3 lần đến thành phố khác gặp khách hàng. Từ lúc bùng dịch Covid-19, Dương giải quyết phần lớn công việc online.

nguoi viet o nuoc ngoai don tet anh 2

Dương cùng nhóm bạn ở Nhật Bản xem Táo Quân, cùng nhau đón Tết khi còn là sinh viên.

Năm nay, hành trình trải nghiệm Tết xa nhà của Dương sẽ tiếp tục và chắc chắn các lựa chọn không thể phong phú như mọi năm.

“Năm nay, Tết lại là ngày lịch đỏ ở Nhật, nghĩa là được nghỉ, mình dự định đón năm mới đơn giản bên đồng nghiệp. Ngoài bánh chưng, giò đi mua, chắc mình chỉ cần làm thêm nem, gỏi là được”, Dương chia sẻ.

“Tất nhiên, bọn mình vẫn hạn chế tụ tập đông người để phòng dịch. Nhật Bản hiện cũng áp dụng giờ giới nghiêm, sau 20h là các nhà hàng, quán bar đóng cửa”.

Ở Việt Nam, bố mẹ cũng thường xuyên gọi điện hỏi thăm, nhắc Dương nhớ tự bảo vệ sức khỏe. Hai người an tâm hơn khi nghe con trai kể đang làm việc tại nhà.

“Sang năm, mình sẽ theo văn phòng về Việt Nam làm việc. Đây có lẽ cũng sẽ là cái Tết cuối cùng mình ăn ở xứ người, một cái Tết thật đáng nhớ theo nhiều nghĩa”.

Nguyễn Hoàng (Bangkok, Thái Lan)

Sang Thái Lan làm việc từ năm 2018, Tết Nguyên đán Tân Sửu sẽ là cái Tết đầu tiên Hoàng không ở TP.HCM.

“Mình ‘xác định’ không thể đón Tết cùng gia đình từ tháng 10/2020 khi thấy lịch bay đột nhiên bị hủy và không có dấu hiệu bổ sung chuyến trở lại”.

Lần đầu tiên ăn Tết xa bố mẹ, cô gái 26 tuổi không tránh khỏi buồn, hụt hẫng. Nhìn bạn bè ở Việt Nam đăng ảnh dọn dẹp nhà cửa, gói bánh chưng, Hoàng vừa háo hức lây nhưng cũng vừa tủi thân.

“Mình nghĩ ban đầu bố mẹ hơi giận vì con gái không về được song nhanh chóng hiểu và thông cảm trước tình hình dịch hiện nay. Họ dặn mình tránh đến nơi đông người, cố gắng giữ sức khỏe vì dịch Covid-19 tại Thái Lan cũng khá phức tạp, chi phí chữa bệnh lại đắt đỏ và mình không có người thân bên này”.

Cô gái 26 tuổi vẫn dự định đi chùa vào mùng 1, mùng 2 Tết để cầu mong điều bình an cho bản thân, gia đình và bạn bè trong dịp năm mới.

Ngoài ra, Hoàng sẽ cùng vài người bạn thân đón giao thừa, đặt mua bánh chưng, củ kiệu và chuẩn bị một nồi thịt kho tàu giống mẹ hay làm ở nhà.

“Dù ở đâu, mình vẫn muốn giữ gìn nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Năm mới là dịp để sum vầy mà. Mong trong năm 2021, các nước sẽ hoàn toàn kiểm soát được dịch bệnh. Khi đó, dù ở xa mấy mình cũng sẽ về nhà đón Tết”.

Lê Ngô Thảo My (Rotterdam, Hà Lan)

“Dịch ở Hà Lan đang ‘căng’ lắm, mỗi ngày mấy nghìn ca nhiễm đều đều. Ngoài phong tỏa thì chính phủ còn quy định giờ giới nghiêm nữa”, Thảo My nói.

Sang Hà Lan được 2 năm thì gần một năm qua, My phải làm việc từ nhà do dịch Covid-19.

Tết năm 2019, My không về đón Tết được vì bận lịch học và thi cử. Năm ngoái, cô lại lỡ hẹn với gia đình vì vướng mùa xin việc làm. Đến năm nay, khi không còn đi học, công việc cũng dần ổn định thì dịch bệnh lại ập tới.

3 năm ăn Tết xa nhà song My chia sẻ ít ra năm nay cô sẽ bớt cô đơn hơn 2 lần trước. Một phần vì quen nhiều bạn hơn, một phần vì đã đi làm, cô có đủ tiền và chủ động thời gian để sắm sửa cho tươm tất.

“Vì ở chung với 4 bạn khác, mình cũng không lo Tết này quá buồn. Bọn mình đã mua một cây quất nhỏ về trưng cho có không khí, sát Tết sẽ đặt mua thêm bánh chưng, mứt rồi nấu thịt kho, làm nem là đủ bộ”, My kể.

Đúng đêm giao thừa ở Việt Nam, 5 cô gái sẽ cùng ăn uống, gọi video về chúc Tết gia đình. Cả bọn tự hứa với lòng nếu năm sau dịch bệnh được kiểm soát, nhất định sẽ có mặt ở nhà bên cha mẹ.

“Mùa dịch, mình thấy mọi người biết trân trọng sức khỏe hơn, gần gũi gia đình và gắn kết với nhau hơn, nhất là khi cùng ở xứ người. Đối với mình, năm nay là Tết vui nhất trong 3 năm qua vì được ở bên những tâm hồn cùng ‘cô đơn’ tại Rotterdam”.

nguoi viet o nuoc ngoai don tet anh 7

My và nhóm bạn đón Tết Nguyên đán tại Hà Lan.

Mai Lấp Lánh (Kuala Lumpur, Malaysia)

Mai đã ở Malaysia tròn 9 năm. Năm nay là lần thứ 3 cô ăn Tết xa quê, nhưng lại là cái Tết đặc biệt nhất vì cả năm rồi Mai chưa về Việt Nam.

Những năm trước, gia đình cô đều sắp xếp thời gian về thăm người thân 1-2 tháng trước Tết, song dịch Covid-19 bùng phát khiến kế hoạch Tết Tân Sửu bị gián đoạn.

Gia đình chồng Mai ở Malaysia không có tập tục ăn Tết âm lịch song năm nào vợ chồng cô cũng chuẩn bị đón Tết cổ truyền rất tươm tất.

Gần một tháng trước Tết, Mai và một số bạn bè người Việt tại Kuala Lumpur cùng nhau chuẩn bị, đặt mua nhiều nguyên liệu, đồ trang trí ngày Tết. Không chỉ vậy, bố mẹ cô ở Việt Nam cũng gửi nhiều đồ ăn từ kẹo mứt cho đến mộc nhĩ, măng khô, miến… để con gái có một cái Tết đầy đủ ở nước ngoài.

Mai cho biết mọi năm cộng đồng người Việt ở Malaysia tổ chức một số hoạt động đón Tết chung. Tuy nhiên, năm nay nhiều hoạt động bị hủy, mỗi nhà tự sắm Tết, trang trí nhà cửa, gói bánh.

Vì lệnh phong tỏa của chính phủ, việc thăm hỏi chúc Tết bị hạn chế, tụ tập ăn uống cũng không được phép. Nhiều gia đình vì vậy chỉ chuẩn bị đồ ăn vừa đủ chứ không nấu nhiều và bày vẽ như mọi năm.

“Tết năm nay mình mới ngâm măng chua, mua gà, cành đào, chậu hoa, bánh trái và dự định nấu những món cơ bản nhất thôi. So với Tết mọi năm thì năm nay nhà mình ăn Tết rất đơn giản”.

Ăn Tết ở nước ngoài chắc chắn không thể nào đầy đủ và vui như ở Việt Nam. Thế nhưng, Mai vẫn muốn tái hiện những nét đặc trưng nhất của Tết cổ truyền trong gian nhà nhỏ của mình.

“Mình làm như vậy thứ nhất là để nhớ về gia đình, hướng về quê hương. Thứ hai là hiện tại con trai mình đã lên 4 tuổi và bắt đầu tò mò về ngày Tết của Việt Nam. Đây là năm đầu tiên cu cậu hỏi Tết là gì nên mình muốn cho con trải nghiệm không khí đón Tết thực sự”, Mai chia sẻ.

Cậu sinh viên ở lại TP.HCM làm xuyên Tết vì lương nhân 3

Tết là thời gian hiếm hoi để mọi người đoàn tụ bên gia đình, riêng Thạch Hạnh (sinh năm 2002) chọn ở lại TP.HCM làm việc để kiếm thêm thu nhập.

Ánh Hoàng - Huệ Lâm

Ảnh: NVCC

Bạn có thể quan tâm