Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Năm Ngọ nói chuyện mã lực xe hơi

Nói tới sức mạnh của xe hơi, mã lực là điều được nhắc tới đầu tiên nhưng không phải ai cũng hiểu mã lực có ý nghĩa như thế nào?

Trên thực tế, khả năng vận hành của xe được thể hiện qua hàng loạt thông số nhưng phần lớn người sử dụng đều chỉ chú ý tới công suất bởi nó đặc trưng độ nhanh của chiếc xe. Bên cạnh đó, dù có nhiều phương pháp xác định công suất khác nhau nhưng phần lớn các nhà sản xuất đều quy thành mã lực để khách hàng dễ hình dung.

Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu ý nghĩa thật sự cũng như nguồn gốc của thuật ngữ này. Khái niệm "mã lực" mà tên tiếng Anh là “horse power” (thường được viết tắt là hp) được Jame Watt đưa ra đầu tiên vào năm 1782. Jame Watt là nhà phát minh người Scotland, người đã có những cải tiến lớn cho máy hơi nước - nền tảng cho cuộc Cách mạng công nghiệp Anh và thế giới.

Lúc mới đưa ra khái niệm mã lực và đơn vị SI của năng lượng watt được đặt theo tên ông, Jame Watt chưa phân chia các loại mã lực khác nhau. Tuy nhiên, sau đó, các nhà khoa học đã đưa ra nhiều loại mã lực và đặt tên cho cách gọi của Jame Watt là mã lực cơ học (mechanical horsepower). Một mã lực cơ học có giá trị chính xác 745,69987158227022 W và có thể hiểu nôm na là công mà một chú ngựa bỏ ra để kéo 33.000 pound (1 pound = 454 gram) lên 1 foot (30,48 cm) trong thời gian 1 phút (minute).

Cho tới nay, giới khoa học thường nói tới 4 loại mã lực khác nhau gồm: Mã lực cơ học (trùng với định nghĩa của Jame Watt), mã lực theo hệ mét (metric horsepower), mã lực điện (electrical horsepower, sử dụng cho ngành điện) và mã lực nồi hơi (boiler horsepower). Còn đối với ngành công nghiệp xe hơi, hai thuật ngữ thường được sử dụng nhất là mã lực cơ học (mechanical horsepower) và mã lực theo hệ mét.

Vì những mục đích nhất định, cách tính công suất và sử dụng khái niệm mã lực của các hãng xe được điều chỉnh khác nhau khá nhiều.

Mã lực theo hệ mét được khai sinh tại Đức trong thế kỷ 19 và sau đó mở rộng sang nhiều nước châu Âu và châu Á. Khi du nhập sang các nước khác, mã lực hệ mét được ký hiệu khác nhau như: “PS” ở Đức, “CV” ở Pháp, “PK” ở Hà Lan. Về cơ bản, các đơn vị này xấp xỉ bằng mã lực cơ học (vào khoảng 98,6%) vì chúng được đo bằng các đơn vị khác nhau.

Ban đầu, giá trị công suất trên xe hơi được đa số các nhà sản xuất sử dụng là "hp" theo một tiêu chuẩn và cách tính chung như sau: động cơ sẽ được vận hành và đo bằng lực kế mà không có hệ thống xả, hệ thống kiểm soát khí thải và thậm chí cả bơm nước. Đây là cách tính sức mạnh cực đại của động cơ trên lý thuyết mà không có các chi tiết phụ trợ để cấu thành lên một chiếc xe. Công suất lý thuyết này thường khác xa với công suất vận hành thực tế.

Tuy nhiên, sau đó để giảm sự khác biệt giữa công suất lý thuyết và công suất vận hành thực tế, các tiêu chuẩn tính toán được thay đổi và công suất động cơ được đo với tất cả các chi tiết, phụ kiện, hệ thống xả và các trang thiết bị tiêu chuẩn theo xe.

Về lý thuyết, các cách tính công suất động cơ không có quá nhiều sự khác biệt nhưng để phục vụ mục đích riêng của từng hãng xe, điều này đã được điều chỉnh một cách đáng kể. Một số nhà sản xuất tìm cách đưa ra những con số cao hơn thực tế để “ve vuốt” các khách hàng ưa những chiếc xe công suất lớn. Ngược lại, một số khác lại hạ thấp công suất để tránh tỷ lệ bảo hiểm cao cho xe công suất lớn.

Hiện nay, ngoài ký hiệu thường thấy là hp, một số nơi còn sử dụng ký hiệu bhp (nghĩa là brake horsepower) để chỉ công suất động cơ. Thuật ngữ bhp xuất phát từ tên gọi của loại lực kế sử dụng lực hãm (phanh) để đo công suất động cơ. Loại lực kế này được gắn vào đầu trục cơ sau đó sẽ hãm vòng quay của trục cơ để đo lực xoắn của trục cơ trong một khoảng thời gian nhất định. Thuật ngữ bhp thường được dùng tại Anh còn thuật ngữ hp phổ biến tại Bắc Mỹ.

Dù nâng lên hay hạ xuống, việc xác định công suất theo mã lực cũng rất phức tạp và tốn kém. Bên cạnh đó, công suất động cơ mà các nhà sản xuất ghi trong bảng thông số kỹ thuật xe là công suất cực đại, nghĩa là công suất lớn nhất mà chiếc xe có thể đạt được tại vòng tua nhất định.

Công suất này thể hiện cho khả năng đạt vận tốc tối đa của chiếc xe nhưng nó không đại diện cho khả năng tăng tốc của xe. Vì vậy, xe có công suất cao chưa chắc đã có gia tốc tốt mà điều này còn phụ thuộc vào mô-men xoắn và vòng tua máy. Chính vì thế, những con số chỉ là để tham khảo, cảm nhận thực tế mới là quan trọng và cuộc chiến về sức mạnh động cơ giữa các hãng xe sẽ còn tiếp diễn với nhiều tranh cãi.

http://vtc.vn/oto-xe-may/nam-ngo-noi-chuyen-ma-luc-xe-hoi-573109.html

Theo VTC News

Bạn có thể quan tâm