Một tháng qua, Trần Văn Phúc (39 tuổi, ở Hà Đông, Hà Nội), phóng viên một tờ báo tại Hà Nội đang phải điều trị tại Trung tâm nghiên cứu Cai nghiện, Bệnh viện Châm cứu Trung ương.
Theo bác sĩ Nguyễn Tùng Anh, bệnh nhân Phúc nhập viện ngày 2/6 trong tình trạng suy nhược thần kinh nặng do nghiện rượu. Bên cạnh những rối loạn thần kinh, các chỉ số cơ thể đều tăng theo chiều hướng xấu. Cụ thể, chỉ số men gan, mỡ máu tăng gấp hàng chục lần so với người bình thường. Lúc mới vào viện, bệnh nhân có các biểu hiện hoảng loạn, bất ổn.
Bà Nguyễn Thị Tình (mẹ bệnh nhân) cho biết anh Phúc vốn là một phóng viên tại một cơ quan nhà nước với công việc ổn định. Do đặc trưng công việc thường xuyên phải đi công tác, việc “chén anh chén chú” dần trở thành phổ biến với con trai bà.
Bệnh nhân nghiện rượu được châm cứu, kết hợp thủy châm để cắt cơn hàng ngày. Ảnh: HQ. |
Bà cho biết con trai bà uống rượu với mức độ tăng dần, đến nay đã hơn 10 năm. Cách đây 3 năm, anh gặp chuyện buồn nên thường xuyên tìm đến rượu để giải sầu. Gần đây, anh Phúc thường xuyên run tay, không thể cầm vững máy ảnh, máy quay phim khi tác nghiệp khiến công việc gặp nhiều khó khăn. Nhận thấy những bất ổn về tâm lý của con trai, bà quyết định đưa anh đến trung tâm cai nghiện.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Thủy, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu Cai nghiện, cho biết bệnh nhân Phúc là một trong số nhiều người nghiện rượu điều trị nội trú tại viện.
Theo bác sĩ Thủy, chứng nghiện rượu có thể bắt đầu ngay khi uống đều đặn một lượng nhỏ, không phải lúc nào người nghiện cũng ở trong trạng thái say. Bệnh diễn tiến tương đối chậm và khó nhận biết nên người dân thường chủ quan và không ý thức được sự nghiêm trọng.
Ở giai đoạn nguy kịch, người nghiện rượu mất khả năng tự chủ. Hậu quả đối với cơ thể bắt đầu xuất hiện như run tay, đổ mồ hôi và rối loạn tình dục (liệt dương).
Để điều trị cho bệnh nhân Phúc, hiện tại bác sĩ kết hợp các biện pháp điện châm và thủy châm. Một đợt điều trị thông thường kéo dài 20 ngày.
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi