Trong cuộc thi thiết kế không gian toàn cầu do NASA tổ chức, Riyasdeen Samsudeen đánh bại hơn 1.000 thí sinh đến từ 73 quốc gia để trở thành người chiến thắng.
Nam sinh đã thiết kế vệ tinh cỡ femto có tên Vision Sat V1 và V2, mỗi sản phẩm có trọng lượng 33 mg, chiều dài 33 mm, theo India Today.
Vệ tinh do Riyasdeen thiết kế có kích thước nhỏ gọn. Ảnh: NewsBharati. |
Các vệ tinh hình khối mang theo 11 cảm biến để sử dụng trong nghiên cứu môi trường vi trọng lực. Vision Sat V1 và V2 cũng có thể ghi lại khoảng 17 thông số.
Nhờ kích thước nhỏ, nhẹ, tiết kiệm chi phí, thiết kế của Riyasdeen Samsudeen được NASA đánh giá cao. Sản phẩm sẽ được sử dụng trong một dự án không gian diễn ra vào năm 2021.
Riyasdeen cho biết anh đã sử dụng nhựa nhiệt dẻo Polyethirimide và công nghệ in 3D để thay thế vàng và titan trong quá trình sản xuất các thành phần phức tạp của vệ tinh. Việc thay thế vật liệu đắt, hiếm bằng những vật liệu rẻ và có sẵn giúp bảo vệ môi trường và tiết kiệm chi phí.
Ông MK Stalin, lãnh đạo đảng Dravida Munnetra Kazhagam ở Ấn Độ, khen ngợi thành tích của nam sinh ngành Kỹ thuật cơ điện tử. Thiết kế của Riyasdeen đã làm rạng danh quốc gia.
Truyền thông quốc tế đưa tin, vệ tinh V1 do Riyasdeen thiết kế sẽ trở thành một phần của tên lửa SR-7 của NASA, dự kiến được phóng đi từ Virginia, Mỹ vào tháng 6/2021.
Tên lửa V2 sẽ tham gia vào sứ mệnh của khinh khí cầu NASA RB-6, dự kiến khởi hành vào tháng 8/2021.
Theo Business Standard, Riyasdeen sẽ được SASTRA-TBI, một tổ chức trong lĩnh vực in 3D và Internet vạn vật, hỗ trợ gần 7.000 USD để tiếp tục nghiên cứu và theo đuổi ước mơ khởi nghiệp.