Tại Trường Trung học Thực nghiệm huyện Vọng Mô, tỉnh Quý Châu (phía nam Trung Quốc), học sinh thường khích lệ nhau: "Anh Tường đến rồi, hãy nỗ lực lên nào!".
"Anh Tường" là cách các em gọi thân mật Lưu Tú Tường - Phó hiệu trưởng của trường. Mồ côi cha từ năm 4 tuổi, Tú Tường từng nhặt ve chai, làm thuê đủ đường để kiên trì theo đuổi việc học.
Câu chuyện cậu bé nghèo hiếu học, hiếu thảo với mẹ làm lay động hàng trăm triệu cộng đồng mạng Trung Quốc. Ảnh: The Paper. |
Sau khi thành đạt, chàng trai không nhận mức lương 75.000 USD (khoảng 1,9 tỷ đồng) ở thủ đô và trở về quê hương, dùng chính câu chuyện đời mình để truyền cảm hứng mạnh mẽ cho học sinh, theo Nhân dân Nhật báo.
"Bạn phàn nàn bản thân không có giày nhưng người khác còn không có chân để đi giày"
Khi Lưu Tú Tường 4 tuổi, cha anh qua đời vì bạo bệnh, sức khỏe mẹ kém dần và không thể tự chăm sóc bản thân.
Trước đây, gia đình anh có 6 người, nhưng anh chị dần bỏ nhà đi. Đến khi Tú Tường 10 tuổi, nhà chỉ còn lại anh và mẹ nương tựa vào nhau. Để kiếm sống, cậu bé Lưu bắt đầu nhặt rác, làm những việc lặt vặt và theo người lớn lên núi hái thảo mộc. Dù cuộc sống khó khăn, cậu không bao giờ bỏ học.
Lưu Tú Tường cùng mẹ. Ảnh: The Paper. |
Khi Tú Tường không có tiền đóng học phí, một thầy giáo đã ứng tiền và nói: "Em cứ đến học đi". Câu nói này mãi in đậm trong lòng Tú Tường và là chất dẫn cho quyết định sau này của cậu.
Lưu Tú Tường thi đỗ vào trường trung học cơ sở với số điểm cao thứ 3 trong huyện. Cậu bé tiếp tục nhặt rác sau giờ học, làm việc vặt và kiếm được hơn 20 nhân dân tệ (khoảng gần 80.000 đồng) mỗi tuần.
Để kiếm tiền đóng học phí cấp 3, chàng trai làm việc tại một trạm thủy điện. Sau khi trả học phí, anh không còn nhiều tiền và phải thuê một chuồng lợn bỏ hoang gần trường để làm chỗ ở cho 2 mẹ con. "Tôi từng đặc biệt sợ Tết Nguyên đán vì tôi không thể mua quần áo cho mẹ hay nấu những món ngon cho bà", Lưu Tú Tường nhớ lại.
Trong suốt 3 năm trung học, Lưu Tú Tường chỉ ngủ 3-4 tiếng mỗi ngày, tận dụng mọi thời gian để vừa học vừa kiếm tiền. Tuy nhiên, một tuần trước kỳ thi tuyển sinh đại học, anh đổ bệnh và thiếu 6 điểm.
Khi tuyệt vọng, Lưu Tú Tường từng nghĩ đến việc rời bỏ cuộc sống. Anh mở cuốn nhật ký cũ và đọc lại một câu viết vào 19/5/2002: "Khi bạn phàn nàn mình không có giày để mang, bạn nhìn lại và nhận ra người khác còn không có chân để đi giày".
"Khi đọc câu này, tôi cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Ít nhất là còn mẹ ở đây, tôi có một mái nhà và một người để quan tâm", Tú Tường nhớ lại.
Bỏ mức lương 1,9 tỷ đồng về quê cống hiến
Sau khi bán hết tài sản được chút tiền, Lưu Tú Tường đã đưa mẹ đến thành phố Hưng Nghĩa và làm việc tại một nhà tắm công cộng. Nhờ trò chuyện với khách hàng, Lưu nhận ra chỉ có học hành mới có thể thay đổi số phận nên đã nghỉ việc và ôn thi lại.
Sau một năm ôn luyện, Tú Tường trúng tuyển ngành Lịch sử học tại Đại học Lâm Nghi, tỉnh Sơn Đông. Do lịch học dày đặc, không thể chăm sóc người mẹ bị bệnh, Lưu thường đưa mẹ lên giảng đường. Từ đó, anh được báo chí quan tâm, đặt biệt danh "cậu con trai hiếu thảo".
Lưu Tú Tường hiện là phó hiệu trưởng tại ngôi trường ở quê, giúp đổi đời hàng nghìn học sinh nghèo. Ảnh: China Daily. |
Không muốn nhận sự thương hại, Lưu Tú Tường đã mua hết các tờ báo đăng câu chuyện của mình. Suốt thời gian học đại học, anh làm nhiều công việc bán thời gian để hỗ trợ mẹ.
Tốt nghiệp năm 2012, Lưu được mời làm nhân viên kinh doanh cho một công ty tại Bắc Kinh với mức lương 75.000 USD/năm (khoảng 1,9 tỷ đồng) nhưng anh từ chối, theo China Daily.
Anh quyết định về quê sau cuộc điện thoại từ người chị từng giúp đỡ mình. Cuộc gọi khiến anh nhận ra ước mơ quan trọng hơn tiền bạc và anh muốn tiếp thêm động lực cho những học sinh gặp khó khăn.
Lưu Tú Tường trở thành giáo viên lịch sử tại huyện nghèo Vọng Mô. Anh hỗ trợ nhiều học sinh. Anh lái xe máy khắp huyện để khuyến khích các em học tập, kể câu chuyện của mình qua loa âm thanh gắn trên xe. Trong 8 năm, anh đã làm hỏng 8 chiếc xe máy.
Từ năm 2012 đến nay, Lưu Tú Tường đã tài trợ cho hơn 1.900 học sinh, kết nối tài trợ 101 sinh viên trúng tuyển đại học vào năm 2020, với tổng số tiền hơn 2,9 triệu nhân dân tệ (khoảng hơn 10 tỷ đồng).
Tỷ lệ trúng tuyển đại học ở quê nhà cũng tăng mạnh từ 12,26% lên 63,44% trong 5 năm, nhờ sự thay đổi trong nhận thức của phụ huynh và học sinh. Thầy Lưu tin rằng sự thức tỉnh này chính là chìa khóa cho những thay đổi tích cực.
Tinh thần yêu thương, vị tha và cống hiến của thầy Lưu Tú Tường tiếp tục được cư dân mạng Trung Quốc tán dương và coi là tấm gương để học hỏi.
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0.
Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.
TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.