Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nam sinh đề nghị thi ĐH từ lớp 9: 'Không cố tình gây sốc'

Nguyễn Văn Dũng, nam sinh kiến nghị thi đại học từ lớp 9 thu hút sự chú ý của dư luận, cho rằng nhiều người chưa hiểu đúng quan điểm của bài viết này.

Bài viết bày tỏ quan điểm về việc nên cho học sinh thi đại học từ lớp 9, tăng thời lượng các môn xã hội của Nguyễn Văn Dũng, học sinh lớp 12A10, trường THPT Mê Linh (huyện Mê Linh, Hà Nội) đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của dư luận.

Nguyễn Văn Dũng.

Không những thế, quan điểm này còn tạo nên một cuộc tranh luận sôi nổi với nhiều ý kiến trái chiều. Để giải đáp các thắc mắc của nhiều độc giả, nam sinh này đã quyết định lên tiếng làm rõ ý kiến của mình.

Nam sinh đề nghị bỏ cấp 3, từ lớp 9 có thể thi đại học

Em Nguyễn Văn Dũng đã bày tỏ quan điểm Bộ GD-ĐT nên bỏ cấp ba và kỳ thi đại học sẽ diễn ra khi hoàn thành chương trình bậc THCS.

- Điều gì đã thôi thúc bạn viết nên quan điểm này?

- Với chính cảm nhận của bản thân sau 12 năm học, mình thấy chương trình còn nhiều bất cập, không thực tế. Bên cạnh đó, mình và các bạn cùng lớp thường xuyên nói chuyện về băn khoăn liệu tốt nghiệp đại học có xin được việc làm. Ngoài ra, mình thường xuyên đọc các bài phân tích về giáo dục nên cũng trăn trở và từ đó thôi thúc mình viết ra ý tưởng này.

Hy vọng bài viết này được Bộ GD-ĐT cân nhắc, cải cách lại nền giáo dục, giúp đất nước phát triển hơn. Mình tin nếu thầy cô và các bạn đọc kỹ và hiểu được quan điểm của bài viết sẽ ủng hộ bài viết.

“Cấp ba có thể giúp học sinh trưởng thành hơn, dần quen với nhịp sống mới và guồng quay xã hội. THCS mới chỉ là giai đoạn con người đang phát triển về thể chất và tinh thần nên chưa nhận thức được đâu sự lựa chọn đúng đắn.

Vì vậy, môi trường THPT sẽ giúp học sinh hình thành chính kiến, có lập trường vững chắc hơn về nghề nghiệp và định hướng tương lai”, độc giả Trung Liêu bình luận.

- Nhiều độc giả còn băn khoăn về việc có nên bỏ hoàn toàn cấp ba, hay giảm tải các môn tự nhiên. Bạn có giải thích gì thêm về những quan điểm này không?

- Trong bài viết, mình không quan niệm bỏ hoàn toàn cấp ba mà cho rằng bậc học này sẽ được liên kết với đại học. Khi đó, giáo viên THPT sẽ dạy theo chương trình cơ bản do Bộ GD-ĐT cung cấp trước khi chính thức bước và học chuyên ngành.

Chương trình này sẽ được xây dựng theo hướng rút ngắn thời gian xuống còn 1-2 năm, giảm áp lực, thiết thực và gắn liền với định hướng nghề nghiệp hơn.

Quan điểm của mình không phải bỏ hoàn toàn các môn tự nhiên mà cân đối lại kiến thức. Mình nhận thấy rằng các môn xã hội dường như đang dần bị lãng quên. Nhiều bạn học sinh không còn thích thú với những giờ học Văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân. Mặc dù những môn học này cũng rất quan trọng và cần thiết trong cuộc sống.

Vì vậy, điều mình mong muốn đó là những môn học này cũng được xã hội, các bạn học sinh coi trong như Toán, Lý, Hóa.

Nhiều người thắc mắc lớp 9 liệu có thể đi thi đại học. Theo quan điểm, kỳ thi này sẽ đánh giá dựa trên các môn Toán logic, Văn học và hiểu biết xã hội để phân loại học sinh như tuyển sinh cấp 3 nên hoàn toàn có thể thực hiện được.

Thực tế, mỗi con người khi lớn lên đã có sở thích của mình. Đặc biệt các bạn lớp 9 hầu hết đã có hoài bão riêng. Vì vậy, quan điểm nên thi đại học khi tốt nghiệp THCS là mong muốn các học sinh phải định hướng nghề nghiệp ngay từ lứa tuổi này.

"Mình không quan niệm bỏ hoàn toàn cấp ba mà bậc học này cần phải liên kết với chương trình đại học.

Hơn nữa, việc thi đại học từ lớp 9 là để các bạn có ý thức định hướng nghề nghiệp ngay từ lứa tuổi này", Nguyễn Văn Dũng chia sẻ.

- Bạn có muốn sửa đổi nội dung nào để bài viết trở lên hoàn hảo hơn?

- Mình đã đọc những ý kiến bình luận của mọi người và nhận thấy rằng nếu được viết lại mình sẽ thay đổi về việc môn Vật lý có liên quan đến ngành điện. Mỗi kiến thức trong tất cả các môn học đều có tầm quan trọng như nhau.

- Bài viết này thể hiện mong muốn của chính bạn thân bạn đối với nền giáo dục hay chỉ là phát ngôn gây sốc để được chú ý?

- Chưa bao giờ mình nghĩ viết ra điều này để phát ngôn gây sốc, thu hút sự chú ý của mọi người. Đó chỉ là mong muốn, tâm huyết của bản thân mình và hy vọng được đóng góp ý kiến về vấn đề đang được xã hội quan tâm.

- Bên cạnh ý kiến đồng tình, bài viết của bạn còn nhận được rất nhiều bình luận trái chiều, phản đối. Tâm trạng của bạn như thế nào khi đọc những chia sẻ này?

- Mình rất cám ơn những người đã đọc, hiểu và đồng cảm với quan điểm của mình. Điều đó giúp mình thêm tự tin và càng mong muốn bài viết sẽ được lãnh đạo Bộ GD-ĐT xem xét. Đối với những ý kiến phản bác, mình cảm thấy đó là điều bình thường và không hề thấy buồn chán.

- Phản ứng của bạn bè, bố mẹ, thầy cô khi đọc được bài viết của bạn?

- Bạn bè thì thấy bất ngờ thậm chí còn trêu đùa với mình. Còn bố mẹ rất ngạc nhiên vì mình không bao giờ viết lách.

- Là học sinh lớp 12, sắp đối diện với hai kỳ thi quan trọng tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ. Tâm trạng của bạn hiện nay như thế nào?

- Mình cảm thấy khá căng thăng vì thời gian học nhiều hơn. Bản thân mình một ngày chỉ ngủ 4-5 tiếng, nhiều bạn khác cũng vậy.

Những thay đổi của hai kỳ thi này cũng khiến mình và nhiều bạn lúng túng. Nhưng mình đồng tình với quan điểm thi tốt nghiệp 4 môn vì thuận lợi cho việc ôn tập. Mặc dù vậy, cách thức tổ chức ôn tập sao cho hợp lý, khi trong cùng một lớp, mỗi bạn có sự lựa chọn môn thi tốt nghiệp khác nhau là điều mình băn khoăn.

- Kết quả học tập của bạn như thế nào?

- Mình không giỏi các môn xã hội, chỉ là học sinh khá của lớp, nhưng thích đọc báo và tìm hiểu các vấn đề xã hội. Vì vậy, mình vẫn luôn hy vọng thời gian tới Bộ GD-ĐT sẽ tập trung coi trọng các môn xã hội hơn, không còn tư tưởng chính - phụ trong các trường học.

Hơn nữa, nếu muốn học sinh thực sự thích thú với các môn xã hội, giáo viên phải thay đổi phương pháp, bỏ cách dạy khuôn mẫu, thay vào đó là những kiến thức gần gũi, sinh động, thiết thực với đời sống.

Trước khi gửi bài viết này được đăng tải trên báo điện tử Zing.vn, Nguyễn Văn Dũng đã mạnh dạn gửi ý kiến của mình đến Bộ GD-ĐT, nhưng chưa nhận được phản hồi. 

Chiều 16/4, trong cuộc họp báo quý I của Bộ GD-ĐT, Ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Giáo dục Trung học cho biết: “Bộ luôn quan tâm và sẵn sàng lắng nghe ý kiến của tất cả học sinh, sinh viên trên cả nước. Những ý kiến này Bộ luôn nghiêm túc tiếp thu và hồi đáp. Có thể do số lượng thư quá nhiều nên văn phòng chưa thể kiểm tra hết, hoặc nhiều khi chúng tôi gửi phản hồi nhưng bị thất lạc”.

A.H

Bạn có thể quan tâm