Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nam sinh đốt sách sau môn thi Địa lý: Tôi rất hối hận

Clip hơn 4 phút quay cảnh nam sinh đốt sách giáo khoa lớp 12 sau khi kết thúc môn thi Địa lý ngày 3/7, khiến cư dân mạng bất bình. Thí sinh này đã xin lỗi về hành động phản cảm.

Trong clip, bạn nam mặc áo trắng vứt rất nhiều sách giáo khoa lớp 12 còn mới xuống đất, sau đó tưới cồn lên và châm lửa.

Xem những hình ảnh này, nhiều người tỏ thái độ bất bình với hành động của nam sinh. Nickname Nguyễn Kim Võ bức xúc viết: “Người không biết tôn trọng những gì đã giúp mình thì không đáng tin cậy".

Bạn Hoàng Phương đặt câu hỏi: Không còn cách nào để thể hiện sao? Sách vở là kiến thức, học xong nhớ được bao nhiêu mà đem đốt?

Lý giải hành động của mình, nhân vật trong clip tên Quang cho biết: “Kết thúc giờ thi môn Địa lý, vì quá phấn khích khi làm được bài và kết thúc kỳ thi, tôi đã có những hành động bộc phát, thiếu suy nghĩ”.

Thi xong dot sach anh 1
Sau khi thi xong, nam sinh mang sách giáo khoa và tài liệu ra đốt. Cư dân mạng cho rằng, đây là hành động phản cảm.

Quang tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia vừa qua tại một điểm thi ở Hà Nội. Nam sinh nói rất hối hận về hành động thiếu chín chắn của mình, đồng thời mong được cộng đồng mạng cảm thông, chia sẻ.

“Tôi đã không suy nghĩ khi làm điều đó và rất hối hận. Đây là bài học đắt giá đối với tôi", nam sinh nói.

Trước đó, đầu tháng 5/2016, mạng Facebook xôn xao việc cô gái trẻ đốt từ học bạ đến sách vở. Thông tin không rõ vì sao cô gái này đốt học bạ, nhưng đã gây ra luồng tranh luận về sự quan trọng của bằng cấp.

Một tài khoản Facebook khác là X.H đăng thông tin cử nhân của trường đại học có tiếng ở Hà Nội đốt bằng đại học với mong muốn… thức tỉnh cộng đồng. Nam sinh này cho biết, anh muốn đốt bằng đại học để chứng minh đây chỉ là tờ giấy. Học đại học không phải mục đích kiếm bằng mà là kiếm nghề. 

Tương tự, một cử nhân tiếng Anh bức xúc do sau 5 năm tốt nghiệp không có việc làm, nên cũng đốt toàn bộ bằng và các giấy tờ liên quan.

Những câu chuyện trên xuất hiện trên mạng xã hội và đều bị phản ứng gay gắt. 

Sau khi xem clip, cô Phan Ngọc Ánh, giáo viên Ngữ văn, trường THPT Lý Thái Tổ chia sẻ, cô cảm thấy rất buồn vì hành động tiêu cực, nhưng cũng không nên chỉ trách móc nam sinh.

 “Lỗi một phần thuộc về phía gia đình và nhà trường đã tạo quá nhiều áp lực lên thí sinh, khiến tinh thần một số bạn nặng nề, từ đó tìm tới cách giải phóng tâm lý cho mình một cách tiêu cực”.

Chia sẻ về những vụ đốt bằng hồi tháng 5, cô Nguyễn Bích Ngọc - giáo viên THCS Mạc Đĩnh Chi, Ba Đình, Hà Nội nêu quan điểm, bằng đại học không có giá trị với nhiều người. Tuy nhiên, những bạn trẻ trước khi đốt bằng đại học nên nghĩ lại xem mình đã làm được gì. Đừng đổ lỗi cho cha mẹ, xã hội. Đốt bằng chỉ là phản ứng tiêu cực, không giải quyết được điều gì cả.

* Tên nam sinh đã thay đổi.

'Đốt bằng đại học là tiêu cực, phản cảm'

Theo PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, bằng đại học không chỉ mang giá trị chứng nhận, mà là kết quả nhiều năm gây dựng của sinh viên, thầy cô và cả những giọt nước mắt, mồ hôi của bố mẹ.

Trần Quang Anh

Bạn có thể quan tâm