Nguyễn Minh Khoa là học sinh chuyên Toán, trường THPT chuyên Thăng Long (Đà Lạt, Lâm Đồng). Ngoài huy chương đồng, Minh Khoa còn nhận thêm giải Best in Financial Literacy (cá nhân xuất sắc trong phần thi Hiểu biết tài chính).
Trước khi đạt huy chương đồng IEO 2022, cậu cũng đoạt giải nhất kỳ thi Olympic Kinh tế Việt Nam (VEO), giành vòng nguyệt quế trong trận thi tuần 2 tháng 2 quý II Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 22; giải nhì cuộc thi Học sinh với Ý tưởng khởi nghiệp của tỉnh Lâm Đồng...
Olympic Kinh tế quốc tế là cuộc thi hàng năm dành cho học sinh trung học với 3 bài thi: Economics (Kinh tế học), Financial Literacy Game (Hiểu biết tài chính) và Business case (Kinh doanh). Trong đó, bài thi Kinh tế chiếm 100/ 200 điểm, bài thi Tài chính và Kinh doanh mỗi bài chiếm 50 điểm.
Để được tham dự IEO, các thí sinh Việt Nam phải trải qua 3 vòng thi bằng tiếng Anh, mỗi vòng sẽ loại dần theo điểm số. Nội dung thi xoay quanh vấn đề kinh tế, tài chính và kinh doanh. Sau khi được ban tổ chức chọn lọc và phỏng vấn, những thí sinh điểm cao nhất sẽ tiếp tục tham gia kỳ thi quốc tế. Tại IEO 2022, 40 quốc gia trên thế giới với khoảng 200 thí sinh đã tham gia theo hình thức trực tuyến.
Nguyễn Minh Khoa (17 tuổi) đạt huy chương đồng trong kỳ thi IEO 2022. Ảnh: VietNamNet. |
Bí quyết học tập
Minh Khoa kể rằng trước đây đã biết đến VEO 2021, cậu bị thu hút bởi nội dung kinh tế, khi biết được thông tin về cuộc thi trên kênh thông tin của trường, nam sinh đã đăng ký ngay.
Tuy nhiên, vì kiến thức của cuộc thi hoàn toàn nằm ngoài kiến thức trên lớp, em đã tự mày mò, nghiên cứu trên mạng về Kinh tế học trong khoảng 3 tháng với sự trợ giúp của các thầy cô.
“Đây là môn học em đam mê nên em học bằng sự yêu thích chứ không phải học chỉ để đi thi. Em tìm hiểu kiến thức Kinh tế học qua các nguồn mở từ các đại học lớn trên thế giới như Harvard, MIT... Em cũng thường học qua các video, bài giảng trên Khan Academy để làm bài kiểm tra và ôn luyện kiến thức vì trên trang này có rất nhiều tài liệu về kinh tế”, Khoa nói.
Theo Khoa, do kiến thức tài chính và kinh tế chưa phổ biến với học sinh THPT nên việc khó khăn nhất là tìm kiếm một người hướng dẫn, giải thích những nội dung khó hiểu trong quá trình tự học. Để giải quyết vấn đề này, nam sinh thường chia kiến thức thành phần nhỏ, lên kế hoạch ôn luyện, lập sơ đồ tư duy và đánh dấu mỗi nội dung hoàn thành. Trong giai đoạn ôn thi cao điểm, Minh Khoa chia một ngày của mình thành 3 ca học, mỗi ca 4-5 tiếng.
Để có thêm hứng thú với môn Kinh tế học, Minh Khoa tìm cách áp dụng kiến thức vào thực tế.
“Bình thường, khi xem thời sự, nhờ tìm hiểu về kinh tế học, em sẽ biết được những vấn đề trên thế giới sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam như thế nào, giá cả xung quanh em sẽ tăng ra sao, từ đó chờ đợi xem Nhà nước sẽ đề ra những chính sách gì”, nam sinh cho biết.
Minh Khoa kể cả kỳ thi VEO và IEO đều hoàn toàn bằng tiếng Anh nên em phải tự học các kiến thức kinh tế bằng các tài liệu nước ngoài. Do có định hướng du học, nam sinh cũng dành nhiều thời gian để trau dồi khả năng ngoại ngữ. Minh Khoa luyện thi IELTS, xem talkshow, video tiếng Anh trên Youtube, nhất là những nội dung liên quan đến kinh tế và tài chính.
“Em dần làm quen với các từ ngữ chuyên ngành, thời gian đầu có hơi khó khăn, nhưng em cũng nhanh chóng thích nghi và ngày càng nhanh nhạy hơn với các nội dung này”, Minh Khoa kể.
Bước vào cuộc thi
Với phần thi Kinh tế, nam sinh cũng luyện thêm đề thi năm trước, tham khảo các nguồn tài liệu miễn phí được đăng tải trên trang Olympic Kinh tế Việt Nam. Tại đây có các khóa học ôn thi online, trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng về kinh tế, tài chính.
Đối với phần thi Tài chính, Khoa cho biết thí sinh được tham gia một trò chơi đầu tư ảo có tên Financial Literacy Game (FLG) để tăng khối tài sản. Theo Khoa, để làm tốt phần thi này, thí sinh cần dành nhiều thời gian luyện tập mô phỏng trò chơi, tìm hiểu các kiến thức tài chính trên mạng, đọc số liệu và thông tin liên quan để cân nhắc hơn trong việc đầu tư.
“Phần thi không đơn thuần là đầu tư sinh lợi mà còn còn yêu cầu người chơi phải đảm bảo đáp ứng tốt các điều kiện sống, mua sắm hàng hóa, dịch vụ để cải thiện chất lượng cuộc sống, và chinh phục các ước mơ từ nhỏ đến lớn”, Khoa cho biết.
Ngoài ra, nam sinh cũng nhận được sự hỗ trợ từ các anh chị đoạt giải vào năm ngoái. “Em tìm hiểu về các giao diện, cách lựa chọn quyết định đầu tư, cân nhắc chi tiêu, hiểu trò chơi và đề ra chiến thuật”, Khoa nói.
Trong phần thi Kinh doanh, các thí sinh của đội được làm việc nhóm, cùng nhau giải quyết đề bài tìm hiểu về một công ty, sau đó đưa ra quyết định và thuyết trình.
Khoa tâm sự: “Phần thi kinh doanh, em chỉ có 24 giờ để hoàn thành. Thời gian ngắn nên chúng em làm việc rất tập trung trong suốt 21 tiếng liên tục, từ 7h sáng hôm trước đến 4h sáng hôm sau. Khi làm việc nhóm, các bạn hướng dẫn nhau rất tận tình, dù làm việc trực tuyến nhưng mọi người rất chuyên nghiệp, lên ý tưởng, xây dựng bài, tạo nên một chiến thuật để mang lại kết quả cao”.
Kết quả, Minh Khoa đoạt huy chương đồng kỳ thi IEO. Nam sinh có chút tiếc nuối vì gặp sự cố về đường truyền mạng nên mất khoảng một nửa thời gian làm bài và không hoàn thành tốt phần thi tự luận.
Trong tương lai, Minh Khoa muốn khởi nghiệp.
“Em muốn đi theo chuyên ngành Kinh doanh vì có nhiều cơ hội nhưng môi trường cạnh tranh rất cao. Em sẵn sàng dấn thân và thử thách, bắt đầu bằng việc nâng cao giá trị của bản thân mình”, Khoa nói.