Cơ hội duy nhất để Wataru (17 tuổi), một học sinh cấp 3 tại Nhật Bản, có thể hóa thân thành siêu anh hùng là khi cậu chú tâm vào trò chơi điện tử nhập vai online.
Tuy nhiên, sau khi chính phủ tỉnh Kagawa quyết định giới hạn lượng thời gian mà thanh niên Nhật Bản được phép sử dụng Internet, Wataru quyết định làm người hùng ngoài đời thật.
Nam sinh Nhật Bản Wataru (17 tuổi). Ảnh: Yukinao Kin. |
Cậu cho rằng chỉ có gia đình mới được quyết định xem con cái, cháu chắt của họ chơi game bao lâu là hợp lý.
Hiện Wataru tranh thủ được sự giúp đỡ của một loạt những luật sư hàng đầu xứ sở hoa anh đào để kiện chính phủ. Nếu thành công, chàng trai này sẽ trở thành một trong số những người hiếm hoi giành chiến thắng khi thách thức bộ luật của quốc gia.
“Tôi nghĩ rằng thay vì chờ đợi ai đó, tôi nên tự đứng lên hành động và tạo ra một tác động mạnh lên xã hội”, nam sinh chia sẻ.
Tháng 4 vừa qua, Kagawa trở thành tỉnh đầu tiên ở Nhật Bản ban hành quy định nghiêm ngặt nhằm giải quyết tình trạng nghiện chơi game online. Chính quyền yêu cầu phụ huynh không cho con chơi nhiều hơn 60 phút/ngày từ thứ 2 đến thứ 6, và 90 phút/ngày đối với cuối tuần.
Tỉnh Kagawa ra quy định giới hạn giờ chơi game của thanh thiếu niên dưới 20 tuổi. Ảnh: Getty Images. |
Quy định này áp dụng cho tất cả thanh thiếu niên dưới 20 tuổi. Mặc dù không có hình phạt cụ thể, các bạn trẻ buộc phải tuân theo chỉ thị mới do gặp áp lực nặng nề từ xã hội.
Có thể nói, đây là một quy định ngặt nghèo đối với quốc gia sản sinh ra tựa game Mario Bros và Pac-Man. Tuy nhiên, Nhật Bản cũng như các nước khác đang lo ngại về vấn đề nghiện trò chơi điện tử của giới trẻ hiện nay.
Theo nghiên cứu, chơi game online liên tục trong nhiều giờ sẽ dẫn đến tổn hại về sức khỏe cho thanh thiếu niên, cả về thể chất và tinh thần. Năm 2018, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bổ sung chứng “nghiện” game là một bệnh tâm thần.
Người đứng đầu trong việc đặt giờ giới nghiêm khi dùng Internet là Ichiro Oyama, nguyên chủ tịch tỉnh Kagawa và người đứng đầu nhóm chính trị với mục tiêu chống nghiện trò chơi điện tử.
Ông hy vọng quy định mới này sẽ được áp dụng trên toàn quốc. Hiện mới chỉ có thành phố Odate thuộc tỉnh Akita thực hiện, nhưng cũng chỉ được một thời gian do những rắc rối về mặt pháp lý.
“Nghiện” game là một bệnh tâm thần được WHO công nhận vào năm 2018. Ảnh: Getty Images. |
Theo Wataru và những người ủng hộ cậu, có nhiều cách tốt hơn để giải quyết vấn nạn nghiện trò chơi điện tử. Họ cho rằng hành động của chính quyền tỉnh Kagawa thiếu cơ sở khoa học, xâm phạm quyền cá nhân, can thiệp quá sâu vào cuộc sống gia đình.
Luật sư Tomoshi Sakka, người thay mặt Wataru thực hiện vụ kiện, dự đoán rằng sẽ mất một vài năm để xử lý. Nhưng nam sinh 17 tuổi quyết tâm chiến đấu đến cùng dù quá trình pháp lý có kéo dài bao lâu.
“Nếu tôi không làm, thì ai làm?”, cậu nói.