Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) vừa cho hay trung tâm đang điều trị cho 2 nam thanh niên nghiện bóng cười.
Gần nhất là sinh viên Lê Quang Liên (đã đổi tên, 21 tuổi, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng tổn thương thần kinh, tổn thương tủy sống, tê bì hai chân.
Khai thác tiền sử cho thấy nam sinh viên này bắt đầu hít bóng cách đây 2 năm do được bạn mời, sau đó chuyển sang chủ động hít vì nghiện.
Đặc biệt, Liên còn mua hẳn bình khí N2O 5 kg trị giá 1,1 triệu đồng về tự bơm. Mỗi bình như vậy bơm được 50 quả lớn hoặc hơn 100 quả nhỏ nên Liên có thể cùng bạn bè thoải mái hít bóng cười. 6 tháng trở lại đây, mỗi ngày, Liên đều hít khoảng 20 quả bóng cười.
Bóng cười được giới trẻ sử dụng khi đi bar, uống cà phê. Ảnh: Hàn Triệt. |
Bác sĩ Nguyên cho biết bóng cười thực chất là những trái bóng được bơm khí N2O. Sau khi hít khí này, cơ thể có cảm giác tê tê, phấn khích, cười ngả nghiêng. Khi vào cơ thể, nó gây ảnh hưởng trực tiếp tới hệ thần kinh và tim mạch. Việc cười quá mức, liên tục cũng đã có thể gây ngạt do thiếu oxy.
Người có bệnh đường hô hấp hít bóng cười rất nguy hiểm, có thể bị ngạt, suy hô hấp. Nguy cơ tử vong do biến chứng về tim mạch, rối loạn nhịp tim cũng là tác hại của loại khí này.
Những trường hợp tổn thương thần kinh do hít nhiều khí cười sẽ cần điều trị tại bệnh viện tối thiểu 1-2 tuần. Nhiều trường hợp phải hỗ trợ thở oxy, tiêm giải độc định kỳ để cải thiện tình trạng tổn thương trên não.
Bác sĩ Nguyên khuyến cáo bóng cười là nhóm chất gây nghiện, thuộc nhóm gây ảo giác có xu hướng tăng liều, người dùng có thể bị phụ thuộc, nghiện, tương tự heroin. Khi thiếu khí cười, người dùng dễ bị trầm cảm. Do đó, người dân không nên giải trí bằng bóng cười.