Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nam sinh suýt mất khả năng làm cha do tai nạn trong khi ngủ

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng tinh hoàn phù nề, tím sẫm, xoắn hai vòng do tai nạn trong lúc đang ngủ.

ThS.BS Nguyễn Hồ Vĩnh Phước, khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân TP.HCM, cho biết đơn vị này vừa phẫu thuật cấp cứu tháo xoắn tinh hoàn cho người bệnh 14 tuổi, ngụ TP.HCM, cứu tinh hoàn khỏi nguy cơ hoại tử.

Bệnh nhân cho biết rạng sáng cùng ngày nhập viện, em đột nhiên cảm thấy đau dữ dội vùng bìu trái khi đang ngủ. Cảm giác đau càng tăng khi nhận thấy tinh hoàn bên trái nằm cao hơn bình thường và kém di động so với tinh hoàn bên phải. Gia đình lập tức đưa em đến Bệnh viện Bình Dân.

Tại bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân gặp phải tình trạng xoắn tinh hoàn trái và lập tức phẫu thuật để tháo xoắn thừng tinh trái. Khi bộc lộ bìu trái, các bác sĩ phát hiện thừng tinh trái của người bệnh bị xoắn hai vòng với nút xoắn chặt khiến thừng tinh và tinh hoàn trái phù nề, đã chuyển màu tím sẫm.

thieu nien 14 tuoi xoan tinh hoan anh 1

Bác sĩ phẫu thuật nắn chỉnh và bảo tồn tinh hoàn cho thiếu niên 14 tuổi. Ảnh: BVCC.

Bác sĩ Phước cho biết may mắn là người bệnh đã được đưa đến bệnh viện kịp thời, chỉ trong vòng 4 giờ sau khi cơn đau xuất hiện nên tinh hoàn được bảo tồn. Sau phẫu thuật, thừng tinh và tinh hoàn trái của người bệnh trở lại hồng hào, bác sĩ cố định hai tinh hoàn để tránh nguy cơ xoắn tái phát và xoắn bên đối diện.

Theo báo cáo khoa học từ Bệnh viện Bình Dân, 80% người bệnh xoắn tinh hoàn đến khám khi tình trạng đau bìu đã khởi phát quá 24 giờ. Đa số bệnh nhân có dấu hiệu xoắn tinh hoàn đều không đến khám hoặc tự ý điều trị theo cách biện pháp được chia sẻ trên mạng.

Việc khám và điều trị muộn khiến tinh hoàn thiếu máu nuôi, mất tinh hoàn, sưng đau tinh hoàn, vô sinh thứ phát và gánh nặng tâm lý về sau.

Xoắn tinh hoàn là tình trạng thừng tinh tự xoắn quanh trục làm tắc nghẽn một phần hoặc toàn bộ mạch máu nuôi tinh hoàn. Xoắn tinh hoàn có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, thường gặp nhất từ 10-25 tuổi. Tỷ lệ xoắn tinh hoàn ở nam giới dưới 25 tuổi khoảng 1/4000. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây mất tinh hoàn ở nhóm tuổi thanh thiếu niên và trẻ sơ sinh.

Nam giới có thể xoắn tinh hoàn bất cứ lúc nào như khi đang ngủ, khởi phát tự nhiên hoặc trong lúc vận động thể lực, chơi thể thao, chấn thương bìu (6%).

Bác sĩ Phước khuyến cáo nam giới nếu đau đột ngột, dữ dội, sưng bìu, không thấy tinh hoàn nằm ở vị trí bình thường cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Trong thời gian 6 giờ trước tai nạn, khả năng bảo tồn tinh hoàn là trên 90%. Sau 24 giờ, tỷ lệ cứu tinh hoàn giảm dần. Sau một ngày, người bệnh gần như không giữ được tinh hoàn.

Những điều có thể bạn chưa biết về 'cậu nhỏ' Bạn có biết hút thuốc lá quá nhiều khiến dương vật ngắn đi khoảng 1 cm, bao quy đầu có thể trở thành da dự phòng cho bệnh nhân bỏng.

Kiểm tra sức khỏe trước khi cưới, chàng trai phát hiện bị vô sinh

Bị dị tật tinh hoàn, có nốt bất thường tại bộ phận sinh dục mà không hề hay biết, chàng trai 26 tuổi sắp kết hôn phải chịu nhiều cay đắng khi biết sự thật về mình.

Bích Huệ

Bạn có thể quan tâm