Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nam sinh viên liệt nửa người sau trận sốt cao

“Mẹ ơi! Mẹ đừng khóc” - Hạnh nói trong sự khó nhọc khi cơ thể đã liệt nửa người. Anh muốn đưa tay lau khô dòng nước mắt mặn chát chảy trên khuôn mặt của mẹ nhưng đành bất lực.

"Mẹ ơi!" - tiếng gọi yếu ớt của Nguyễn Đức Hạnh (sinh viên năm thứ 4, Đại học Mỏ Địa chất, Hà Nội) trên giường bệnh của khoa Gây mê Hồi sức tích cực Ngoại tim mạch, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E (Hà Nội) nghẹn lại và ngắt quãng khi nhìn thấy dòng nước mắt của người mẹ.

Hạnh cũng không kìm nổi cảm xúc, khóc nấc lên và lắp bắp: “Con thương bố mẹ và em”. Không khí trong phòng bệnh dường như trùng xuống khi chứng kiến hình ảnh hai mẹ con Hạnh.

Nhiem khuan huyet do tu cau anh 1
Bà Hoa đang chăm sóc con trai nửa tỉnh nửa mê. Ảnh: T.X.

Bà Nguyễn Thị Hoa, mẹ của bệnh nhân Hạnh buồn rầu, chia sẻ chàng sinh viên là con cả trong gia đình, sau anh còn có một người em đang học năm thứ nhất Đại học Quốc gia Hà Nội. Gia đình thuần nông thu nhập ít ỏi chỉ 4 triệu đồng/năm.

Ngoài giờ học, hai anh em Hạnh cùng đi làm thêm để phụ giúp bố mẹ. Để con có tiền ăn học, bà Hoa đi làm phụ hồ khắp nơi. Mỗi khi có thời gian rảnh, Hạnh lại đi làm cùng mẹ.

Tuy nhiên, giữa tháng 12, sau một đợt sốt cao không rõ nguyên nhân, các bác sĩ thông báo Hạnh bị nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu và hở van động mạch chủ nặng cần được phẫu thuật sớm.

Bà Hoa và chồng bỏ mọi việc ở quê lên với con nhưng lúc này, Hạnh đã rơi vào tình trạng rất nặng, liệt nửa người, nói khó.

ThS.BS Lê Tiến Dũng, Phó trưởng khoa Gây mê Hồi sức tích cực Ngoại tim mạch, cho hay bệnh nhân Hạnh được chuyển từ bệnh viện tuyến dưới lên trong tình trạng nguy hiểm, nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu, hở van động mạch chủ nặng, nhồi máu não và liệt nửa người phải. Thậm chí, bệnh nhân đối mặt với nguy cơ tử vong cao nếu không được phẫu thuật sớm.

Theo bác sĩ Dũng, việc điều trị cho bệnh nhân bị nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu vô cùng lâu dài và tốn kém. Vi khuẩn tụ cầu đa kháng (kháng nhiều loại kháng sinh) nên phác đồ điều trị cho bệnh nhân Hạnh là kháng sinh liều cao. Chi phí điều trị từ 6-8 triệu đồng/ngày.  Một đợt điều trị kháng sinh liều cao cho bệnh nhân từ 150-180 triệu đồng, chưa kể các chi phí khác như giường nằm hồi sức, vật tư y tế.

Nhiem khuan huyet do tu cau anh 2
Bệnh nhân cần được thay van ĐMC sớm, nếu không nguy cơ tử vong cao. Ảnh: T.X.

Bệnh nhân cần được thay van ĐMC sớm, nếu không sẽ bị suy tim cấp do hở van ĐMC nặng, nguy cơ tử vong cao. Do bệnh nhân Hạnh không có thẻ Bảo hiểm Y tế nên chi phí ca phẫu thuật khoảng 100 triệu đồng.

Đây là một số tiền quá lớn đối với gia đình bà Hoa. Nhìn đứa con từng khỏe mạnh, còn ít ngày có thể ra trường thực hiện ước mơ giờ nửa tỉnh nửa mê trên giường bệnh, bà không khỏi xót xa. Đã nhiều lần, người mẹ ấy khóc ngất vì thương con và vì sự bất lực của chính mình.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: Bà Nguyễn Thị Hoa (xã Nghĩa Thái, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định).

Số điện thoại: 01697221507

Số tài khoản: 21510002387722, chủ tài khoản: Vũ Văn Hồng (cha của bệnh nhân Hạnh), Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam - chi nhánh Cầu Giấy.

Thanh Xuân

Bạn có thể quan tâm