Thông tin do Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cung cấp sáng 1/4. Bệnh nhân P.T.V. (trú tại TP.HCM) nhập viện trong tình trạng đau ngực dữ dội.
Kết quả điện tâm đồ cho thấy anh T. bị nhồi máu cơ tim cấp, một nhánh lớn của động mạch vành đã bị tắc. Bệnh nhân được các bác sĩ nong và đặt stent động mạch vành.
Người này có thói quen hút thuốc lá từ 18 tuổi, mỗi ngày tiêu thụ 2-3 gói, liên tục hơn 10 năm nay.
Theo Giáo sư Trương Quang Bình, Phó giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện kịp thời, kết quả can thiệp tốt.
Bác sĩ này nhận định thói quen hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ, tác động và gây ra bệnh động mạch vành rất sớm ở anh T. Nếu không được can thiệp kịp thời, bệnh nhân có nguy cơ tử vong rất cao.
GS Bình khám và tư vấn cho bệnh nhân mắc bệnh mạch vành. Ảnh: Nam Phương. |
Tại Việt Nam, bệnh mạch vành thường gặp ở lứa tuổi trên 50 và đang có xu hướng gia tăng. Nguy hiểm hơn, nhiều người trẻ tuổi đã mắc bệnh vì không điều chỉnh và kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ.
Theo GS Bình, khoa học đã xác định được nhiều yếu tố nguy cơ của bệnh động mạch vành và phân loại chúng thành 2 nhóm:
- Yếu tố nguy cơ có thể điều chỉnh được gồm tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, thuốc lá, béo phì, thiếu vận động, chế độ ăn không tốt.
- Yếu tố nguy cơ không thể điều chỉnh được bao gồm giới tính, tuổi, gia đình có người bị mắc bệnh động mạch vành sớm.
GS Trương Quang Bình cho biết xác định sớm các yếu tố nguy cơ và các dấu hiệu của bệnh động mạch vành có ý nghĩa rất quan trọng trong điều trị, hạn chế biến chứng và giảm tỷ lệ tử vong do bệnh.
Người bệnh động mạch vành nên tuân thủ điều trị, duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt và tập luyện theo chỉ dẫn của bác sĩ. Bên cạnh đó, người bệnh tầm soát tim mạch 6 tháng/lần để kiểm soát bệnh tốt, phòng ngừa các biến cố có thể xảy ra.