Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nam thanh niên đỡ đẻ cho sản phụ nghèo khi Hà Nội giãn cách xã hội

Nhận tin báo về một sản phụ đang chuyển dạ, Bùi Đoàn Công nhanh chóng có mặt. Sau khi em bé ra đời, chàng trai đã giúp hai mẹ con nhập viện.

Chiều tối 24/7, trong căn phòng trọ cấp 4 lụp xụp tại phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), người phụ nữ 32 tuổi chuyển dạ nhưng không có người thân bên cạnh.

Đó là ngày đầu tiên Hà Nội áp dụng Chỉ thị 16. Một số người dân đứng gần muốn giúp đỡ chị nhưng ai cũng lúng túng, không biết phải xử trí ra sao.

nam thanh nien do de cho san phu anh 1

Công đã có mặt kịp thời để đỡ đẻ cho sản phụ. Ảnh: NVCC.

Lúc này, Bùi Đoàn Công (sinh năm 1994, nhân viên công tác xã hội của Tổ chức trẻ em đường phố Rồng Xanh) chạy xe máy đến.

Anh nhận tin báo từ một đồng nghiệp về tình hình của sản phụ.

Cảnh tượng đầu tiên anh nhìn thấy là người phụ nữ đang khuỵu xuống đau đớn, em bé đã lọt đầu ra ngoài.

"Tôi định gọi xe cấp cứu nhưng nghe tiếng em bé khóc. Tôi lao đến đỡ bé và ngay sau đó, chân bé đã ra hoàn toàn", Công chia sẻ với Zing.

Thấy Công bế em bé trên tay, những người dân xung quanh đã chạy lại đưa chăn ủ ấm và pha sữa cho sản phụ. Lúc này, Công đưa mắt nhìn căn phòng trọ dựng từ ván ép, 2 con gái của người phụ nữ đang đứng cạnh nhau, khuôn mặt tái mét.

Chàng trai gọi cho xe cấp cứu và nhờ một nữ đồng nghiệp của mình đến hỗ trợ. Sản phụ không có người thân nào khác, chị nhập viện cùng một tình nguyện viên và con gái lớn 13 tuổi.

Con gái nhỏ của chị được Công giúp bố trí nơi ở an toàn.

"Chị là một trong những gia đình gặp khó khăn do Covid-19 được chúng tôi hỗ trợ. Chồng chị đi tù. Ở quê, mẹ chị già yếu không thể giúp đỡ được nhiều. 4 tháng trước, chúng tôi biết đến hoàn cảnh của chị và từ đó hỗ trợ gạo, mỳ, thực phẩm và tiền nhà trọ hàng tháng", Công cho biết.

Sau khi vào viện, sản phụ và bé sơ sinh được chăm sóc tích cực, sức khoẻ 2 mẹ con đều tốt.

Theo quy định phòng, chống dịch Covid-19 từ bệnh viện, chỉ bé gái 13 tuổi được ở lại chăm sóc mẹ. Chiều 26/7, sản phụ và 2 con đã được xuất viện về nhà.

"Chúng tôi chi trả giúp chị toàn bộ viện phí. Trong tương lai, chúng tôi có kế hoạch giúp đỡ cho các bé nhà chị được đi học. Còn trong tình hình dịch bệnh trước mắt, chúng tôi hỗ trợ gia đình chị thực phẩm, chỗ ở để cả nhà có thể an toàn, khoẻ mạnh", Công nói.

nam thanh nien do de cho san phu anh 2

Sản phụ và con nhỏ khoẻ mạnh sau khi được chăm sóc y tế. Ảnh: Tổ chức Rồng Xanh.

Trước đó, vào tháng 2, Công cũng từng giúp đỡ một sản phụ khác sinh con. Cậu đã gặp chị và chồng phải ngủ ngoài đường giữa đêm khuya Hà Nội khi bụng bầu đã lớn. Công phối hợp cùng tổ chức thuê nhà trọ cho 2 vợ chồng họ và hỗ trợ họ các bữa ăn.

"Em bé của họ chào đời mười ngày sau đó, đến nay, bé rất khỏe mạnh", Công chia sẻ.

Hà Nội đang trong giai đoạn giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, cuộc sống của những người lao động nghèo lại càng trở nên vất vả hơn.

Trong những ngày ra đường tìm kiếm, hỗ trợ hoàn cảnh khó khăn, Công và đồng nghiệp tại Tổ chức Rồng Xanh đã thấy nhiều đứa trẻ phải lục thùng rác kiếm thức ăn và chờ ăn lại đồ ăn thừa.

Trong một tháng qua, tổ chức đã giúp đỡ cho 28 trẻ em nghèo tại Hà Nội, giúp các em có nơi ở và đồ ăn an toàn. Con số này tăng gấp đôi so với những tháng trước đó.

Khi đợt dịch thứ 4 bùng phát (từ ngày 29/4), Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 775 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2. Trong đó, các chùm lây nhiễm mới phát hiện từ ngày 5/7 đến nay đã có 506 trường hợp cho kết quả xét nghiệm dương tính với virus.

Từ 6h ngày 24/7, Hà Nội chính thức giãn cách xã hội trong 15 ngày theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình; khu phố cách ly với khu phố; thôn bản cách ly với thôn bản; xã, phường cách ly với xã, phường; quận, huyện cách ly với quận, huyện; thành phố cách ly với tỉnh; cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm an toàn phòng, chống dịch theo quy định...

Người đàn ông đi bộ 16 ngày từ Đắk Lắk về Bình Phước để tránh dịch

Vì không có tiền bắt xe từ Đắk Lắk về nhà chị gái ở Bình Phước, anh Trần Văn Khánh đi bộ hơn 180 km trong 16 ngày. Tới Đắk Nông, anh được nhiều người giúp đỡ.

Thục Hạnh

Bạn có thể quan tâm