Trao đổi với Zing chiều 3/7, đại tá, tiến sĩ, thầy thuốc ưu tú Trần Quốc Việt, Phó giám đốc Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng), cho hay bệnh nhân 20 tuổi ở TP.HCM, điều trị bạch hầu tại đơn vị này đã được xuất viện.
Hiện tại, sức khoẻ bệnh nhân ổn định, có thể sinh hoạt, học tập và công tác bình thường.
Khoa Truyền nhiễm - nơi cách ly, điều trị cho bệnh nhân. Ảnh: B.Huệ. |
Ngày 19/6, bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Quân y 175 sau 2 ngày sốt. Bác sĩ khoa Tai Mũi Họng phát hiện giả mạc trong thành họng. Nghi ngờ bệnh nhân mắc bạch hầu, các bác sĩ đã lập tức cách ly, thực hiện các biện pháp phòng dịch trong bệnh viện, phun khử khuẩn, cấp thuốc điều trị dự phòng cho những người tiếp xúc gần với bệnh nhân.
Mẫu bệnh phẩm được chạy xét nghiệm tại khoa Vi sinh, Bệnh viện Quân y 175 và Viện Pasteur TP.HCM cùng cho kết quả dương tính với virus gây bệnh bạch hầu.
Bệnh viện nhanh chóng khử khuẩn toàn bộ phòng khám bệnh, phòng khám tai mũi họng và khoa Truyền nhiễm. 16 người tiếp xúc gần nơi bệnh nhân sinh hoạt và 42 nhân viên y tế được lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả âm tính.
Để điều trị cho bệnh nhân, bệnh viện đã liên hệ với cơ sở y tế tại Hà Nội để chuyển huyết thanh kháng độc tốc bạch hầu vào TP.HCM sau một ngày.
TS Việt cho biết bạch hầu có thuốc điều trị dự phòng. Nếu điều trị sớm, bệnh nhân có thể hồi phục tốt. Nếu phát hiện muộn, bệnh nhân có thể gặp biến chứng tim, suy hô hấp, suy tim cấp.
Bạch hầu là bệnh nguy hiểm, có thể gây chết người và chưa được loại trừ ở nước ta. Người dân có thể phòng ngừa bằng cách tiêm vaccine cho trẻ đúng lịch. Người lớn có thể tiêm nhắc lại vaccine TD (uốn ván - bạch hầu) mỗi 5 năm 1 lần.