Trao đổi với Zing chiều 27/9, đại tá, BSCKSII Lê Quyết Thắng, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Quân y 211 (TP Pleiku, tỉnh Gia Lai), cho biết bệnh nhân N.V.H. (29 tuổi) - người từng mang theo rắn cạp nia cắn vào phòng cấp cứu - đã hồi phục hoàn toàn. Bệnh nhân này không cần tái khám do nọc độc đã được loại trừ.
Trước đó, bệnh nhân H. được chuyển đến Bệnh viện Quân y 211 trong tình trạng bị sụp mí, đồng tử giãn tối đa, đau họng, nói khó, há miệng hạn chế. Các bác sĩ nhanh chóng đặt nội khí quản, cho bệnh nhân thở máy và liên hệ xin hỗ trợ huyết thanh.
Tuy nhiên, trung tâm chống độc của các bệnh viện lớn ở Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng đều không có sẵn huyết thanh kháng độc tố rắn cạp nia. Trong khi đó, gia đình bệnh nhân nóng lòng xin chuyển lên tuyến trên.
Nam thanh niên bị rắn cạp nia cắn hồi phục sức khỏe sau 18 ngày điều trị. Ảnh: BSCC. |
Nhận thấy bệnh nhân sẽ gặp nguy hiểm trên đường di chuyển và đơn vị đã có kinh nghiệm điều trị, bác sĩ Thắng tư vấn gia đình cho H. ở lại.
Bác sĩ Thắng cho biết khi bị rắn cạp nia cắn, nếu không có huyết thanh, nọc độc sẽ mạnh hơn và có thể tấn công các hệ cơ quan trong cơ thể.
Bệnh nhân H. không có huyết thanh kháng nọc, tình trạng liệt toàn thân kéo dài lâu hơn, mạch nhanh 150-160 lần/phút dẫn đến rối loạn nhịp. Ngoài ra, bệnh nhân đứng trước nguy cơ rối loạn điện giải trầm trọng hơn do natri máu hạ thấp.
Do đó, các bác sĩ phải cho bệnh nhân thở máy lâu hơn, kết hợp thuốc làm giảm mạch nhanh, bổ sung điện giải bằng dung dịch mặn ưu trương và muối ăn bơm sonde dạ dày. Bên cạnh đó, các bác sĩ và điều dưỡng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc phải tăng cường chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân này để phòng ngừa biến chứng.
Dù không nắm được chính xác con số, bác sĩ Thắng cho rằng nồng độ nọc độc trong cơ thể bệnh nhân khá cao do con rắn cạp nia được mang vào khoa Cấp cứu có kích thước rất to.
Con rắn cạp nia được bệnh nhân H. mang vào phòng cấp cứu. Ảnh: BSCC. |
Theo bác sĩ Thắng, độc tính của rắn cạp nia rất cao và nguy hiểm. Các nạn nhân bị rắn cạp nia cắn ngoài cộng đồng không được cấp cứu kịp thời thường tử vong do rối loạn điện giải, tê liệt tim, cơ hô hấp.
Nếu không có huyết thanh và phải thở máy lâu dài, bệnh nhân cũng có thể gặp nguy hiểm do biến chứng viêm phổi, loét vùng tỳ đè.
Bệnh viện Quân y 211 thường xuyên tiếp nhận các trường hợp bị rắn độc cắn. Tuy nhiên, bệnh nhân bị rắn cạp nia cắn thường khá hiếm, phổ biến nhất là rắn lục.
Trong vòng 10 năm trở lại đây, đơn vị này chỉ tiếp nhận khoảng 5-7 ca bị rắn cạp nia cắn. Thời gian trước, khi các bác sĩ chưa có nhiều kinh nghiệm điều trị, một bệnh nhân bị rắn cạp nia cắn đã tử vong do rối loạn điện giải. Nhiều năm trở lại đây, hầu như bệnh nhân bị rắn độc cắn được cứu do các bác sĩ đã có nhiều kinh nghiệm.