Mới đây, các bác sĩ của khoa Ngoại thận - Tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang, đã tiếp nhận phải cắt bỏ một bên tinh hoàn cho bệnh nhân N.V.H. (nam, 17 tuổi, ngụ Hàm Yên, Tuyên Quang) do xoắn tinh hoàn nhưng phát hiện muộn.
Theo chia sẻ của gia đình, trước khi nhập viện khoảng 4 ngày, bệnh nhân xuất hiện tình trạng đau bìu bên trái. Thay vì đi khám, gia đình đã nghe truyền miệng và lấy thuốc nam với thành phần là thảo dược không rõ nguồn gốc về để đắp.
Tuy nhiên, tình trạng bệnh không đỡ, bìu trái ngày càng sưng đau hơn. Gia đình sau đó đã buộc phải đưa bệnh nhân đến bệnh viện địa phương để thăm khám và được chuyển tuyến đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang điều trị.
Nam thanh niên dần hồi phục sau ca phẫu thuật. Ảnh: BVCC. |
Thạc sĩ, bác sĩ Ma Ngọc Ba, Trưởng khoa Ngoại thận – Tiết niệu, cho biết bệnh nhân H. bị xoắn tinh hoàn trái, khi phẫu thuật vào kiểm tra thấy tinh hoàn trái đã chuyển màu tím đen và có dịch đen xung quanh.
Do đó, ê-kíp phẫu thuật đã cắt toàn bộ tinh hoàn bên trái và cố định tinh hoàn bên phải cho bệnh nhân.
Sau một ngày phẫu thuật, bệnh nhân đã ổn định, đỡ đau nhiều, tiếp tục được theo dõi và điều trị tích cực tại khoa Ngoại thận – Tiết niệu.
Qua đây, bác sĩ Ba khuyến cáo tất cả trường hợp xoắn tinh hoàn thường có biểu hiện đầu tiên là đau bụng cấp, đau bìu cấp, tinh hoàn bên bị xoắn treo cao.
"Xoắn tinh hoàn là cấp cứu ngoại khoa, cần can thiệp phẫu thuật, thời điểm vàng để phẫu thuật bảo tồn được tinh hoàn là trước 6 giờ kể từ khi phát hiện triệu chứng đầu tiên", vị chuyên gia cho hay.
BS Ba lưu ý nếu để tình trạng xoắn quá lâu, tinh hoàn có thể tổn thương vĩnh viễn, ảnh hưởng tới khả năng sinh sản hoặc phải cắt bỏ tinh hoàn.
Vì vậy, khi thấy dấu hiệu đau bìu cấp, gia đình cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và điều trị sớm, tránh tự điều trị tại nhà để tình trạng bệnh tiến triển nặng hơn, dẫn đến các biến chứng.