Quai bị là bệnh nhiễm trùng do virus dễ lây truyền qua tiếp xúc thông thường. Bệnh này chủ yếu ảnh hưởng các tuyến sản xuất nước bọt nằm gần tai. Quai bị có thể gây sưng ở một hoặc cả hai tuyến này.
Nguyên nhân
Theo Mayo Clinic, quai bị gây ra bởi loại virus xâm nhập vào cơ thể qua màng nhầy, là những vùng nằm bên trong miệng, mũi và cổ họng. Virus gây bệnh quai bị là paramyxovirus. Virus này dễ lây lan từ người này sang người khác qua nước bọt bị nhiễm bệnh.
Virus paramyxovirus có thể tồn tại trong dịch hô hấp và đây là cách nó lây truyền từ người sang người. Các giọt đường hô hấp có thể lây lan virus thông qua các hoạt động thường ngày như ho, hắt hơi.
Một người mắc quai bị có thể truyền bệnh cho người khác từ 2 đến 3 ngày trước khi bắt đầu sưng cho đến 5 ngày sau khi hết sưng.
Người mắc quai bị có thể lây virus cho người khác khoảng 2-3 ngày trước khi sưng. Ảnh: Medicalexpress. |
Bạn cũng có thể bị nhiễm virus nếu chạm vào các đồ vật có virus trên đó. Dùng chung cốc, đồ dùng và các đồ vật khác hoặc tiếp xúc gần với người bị quai bị cũng có thể làm tăng khả năng nhiễm bệnh.
Vệ sinh kém, chẳng hạn rửa tay không đúng thời điểm (đi từ ngoài vào nhà, trước, sau khi ăn cơm, sau khi đi vệ sinh...), có thể làm tăng sự lây lan của virus.
Theo thông tin từ Bệnh viện Winchester (Israel), một số yếu tố rủi ro có thể làm tăng nguy cơ mắc quai bị bao gồm sống hoặc đi du lịch đến những nơi có dịch quai bị; tiếp xúc với người bị quai bị; ở trong môi trường đông đúc, chẳng hạn ký túc xá đại học; không có tiền sử chủng ngừa quai bị; có hệ thống miễn dịch suy yếu, ngay cả khi đã được tiêm chủng.
Triệu chứng
Một số người bị nhiễm virus quai bị có thể không có triệu chứng hoặc rất nhẹ. Khi các triệu chứng phát triển, chúng thường xuất hiện khoảng 2-3 tuần sau khi tiếp xúc virus.
Dấu hiệu chính của bệnh quai bị là sưng tuyến nước bọt khiến má phồng lên. Các triệu chứng khác có thể bao gồm đau sưng tuyến nước bọt ở một hoặc cả hai bên mặt; đau khi nhai hoặc nuốt; sốt; đau đầu; đau cơ; thiếu năng lượng, suy nhược và mệt mỏi; ăn mất ngon; viêm họng.
Các biến chứng
Bệnh quai bị hiếm khi gây biến chứng, nhưng một số có khả năng nghiêm trọng. Hầu hết biến chứng của quai bị liên quan đến tình trạng viêm và sưng tấy ở một số bộ phận của cơ thể, bao gồm:
- Tinh hoàn: Người mắc quai bị có thể bị viêm tinh hoàn, khiến một hoặc cả hai tinh hoàn sưng lên. Tình trạng này xảy ra ở nam giới bắt đầu từ tuổi dậy thì. Dấu hiệu viêm tinh hoàn là sốt, buồn nôn và nôn, tinh hoàn to gấp 2-3 lần bình thường. Người bệnh cảm thấy đau khi di chuyển, bìu phù nề, căng, bóng, đỏ. Biến chứng viêm tinh hoàn do quai bị có thể gây teo tinh hoàn, dẫn đến vô sinh.
Quai bị có thể gây viêm tinh hoàn ở nam giới, tăng nguy cơ vô sinh. Ảnh: Thesun. |
- Não bộ: Nhiễm virus như quai bị có thể dẫn đến viêm não. Viêm não có thể gây ra các vấn đề về thần kinh và đe dọa tính mạng. Quai bị cũng gây viêm màng não, có thể xảy ra nếu virus quai bị lây lan qua đường máu để lây nhiễm sang hệ thần kinh trung ương.
- Tuyến tụy: Các dấu hiệu và triệu chứng của tình trạng này, được gọi là viêm tụy, bao gồm đau ở vùng bụng trên, buồn nôn và nôn.
- Mất thính lực: Mất thính lực có thể xảy ra ở một hoặc cả hai tai. Mặc dù hiếm gặp, tình trạng mất thính lực đôi khi là vĩnh viễn.
- Vấn đề về tim: Trường hợp rất hiếm, bệnh quai bị có liên quan đến nhịp tim bất thường và các bệnh về cơ tim.
- Sẩy thai: Bị quai bị khi đang mang thai, đặc biệt là trong giai đoạn đầu của thai kỳ, có thể dẫn đến sẩy thai. Vì vậy, phụ nữ nên tiêm phòng bệnh quai bị trước khi quyết định mang thai.
Cách ngăn ngừa và điều trị
Cách tốt nhất hiện nay để ngăn ngừa bệnh quai bị là tiêm phòng vaccine sởi - quai bị - rubella (MMR). Hầu hết người dân đều có khả năng miễn dịch đối với bệnh quai bị sau khi được tiêm chủng đầy đủ.
Trẻ em nên tiêm mũi vaccine MMR đầu tiên khi được 12-15 tháng tuổi (càng sớm càng tốt trong khoảng thời gian này). Liều thứ hai có thể được tiêm ngay sau liều đầu tiên một tháng. Tuy nhiên, mũi 2 thường được khuyến cáo tiêm cho trẻ từ 4 đến 6 tuổi.
Bất kỳ ai không có khả năng miễn dịch bệnh quai bị nên tiêm ít nhất một liều vaccine MMR. Những người cần tiêm 2 liều vaccine MMR bao gồm nhân viên chăm sóc sức khỏe, sinh viên đại học và khách du lịch quốc tế. Các liều nên được tiêm cách nhau ít nhất 28 ngày.
Hiện chưa có phương pháp điều trị cụ thể cho bệnh quai bị. Vì vậy, trong lúc mắc bệnh, bạn nên nghỉ ngơi nhiều nhất có thể. Bạn có thể làm dịu các triệu chứng bằng cách chườm lạnh và thuốc giảm đau không kê đơn như ibuprofen hay acetaminophen.