Ngày 11/9, vừa mặc xong đồ bảo hộ, Minh Tân (29 tuổi, quê Long An) bắt gặp một gia đình vào tiêm vaccine ở điểm tiêm 116 Cô Giang, quận 1, TP.HCM. Chồng là người Hàn Quốc, vợ là người Việt Nam, họ dẫn theo hai con nhỏ, bé lớn khoảng 4 tuổi và một bé nhỏ ba mẹ phải ẵm.
“Thấy hai vợ chồng vừa trông con vừa check-in khá vất vả nên mình liền bảo họ để hai bé ở ngoài mình giữ hộ, do môi trường khu vực tiêm nhiều vi khuẩn không tốt cho các bé. Mình mới mặc đồ bảo hộ, chưa làm việc hay tiếp xúc với ai khác nên mới dám ẵm bé.
Vậy là ba mẹ vào tiêm, mình trở thành ‘bảo mẫu bất đắc dĩ’. Bé lớn ngồi xem điện thoại và tự chơi, mình ẵm bé nhỏ khoảng 40 phút đến lúc hai vợ chồng tiêm xong và ngồi theo dõi sau tiêm”.
Em bé ngủ ngoan khi được Minh Tân bế. |
Nam tình nguyện viên thích thú khi lần đầu nhận nhiệm vụ trông trẻ. Lúc Tân mới bế, em bé thấy người lạ nên nhìn quanh tìm ba mẹ và hơi mếu máo nhưng sau đó quen và không quấy khóc.
“Bé ngoan và dễ thương lắm. Mình vừa ẵm vừa xoa lưng nhẹ nhàng, khoảng 5 phút sau là em bé ngủ rồi. Sợ bé tỉnh giấc nên mình cũng chỉ đứng im, không dám đi tới lui nhiều”.
Cả người mẩn đỏ, sưng da 2 ngày vì mặc đồ bảo hộ
Hơn một tháng qua, công việc chính tạm dừng, Minh Tân không về quê tránh dịch mà ở lại TP.HCM và đăng ký làm tình nguyện viên tại điểm tiêm chủng ở quận 1.
Nhóm của anh thực hiện “3 tại chỗ”, ban ngày tổ chức tiêm chủng, tối hỗ trợ bốc vác rau củ, gạo từ các tỉnh chuyển về TP.HCM.
Trung bình các xe rau củ, gạo 2-3 ngày về một chuyến lúc 22h, nhóm tập trung bốc dỡ hàng chục tấn hàng hóa, khoảng 1h sáng mới xong.
Những hôm không có hàng xuống, đội sẽ kết thúc ca làm việc lúc 18h, các thành viên chia nhau dọn dẹp và sắp xếp bàn ghế, dụng cụ rồi mới nghỉ ngơi.
Nếu có lịch xét nghiệm buổi tối, Minh Tân và đồng đội sẽ phải làm việc xuyên đêm tới 2h sáng, tùy khu dân cư đông hay ít người.
Nhóm còn hỗ trợ vận chuyển oxy 0 đồng cho các F0 đang điều trị tại nhà. Dù quá nửa đêm, chỉ cần có người gọi xin hỗ trợ, nhóm lập tức lên đường. Vất vả nhất là những khi phải vận chuyển những bình oxy lớn vào hẻm nhỏ. Nhóm phải bê bình oxy đã được bơm đầy, nặng tới 70-80 kg.
“Giữa lúc dịch bệnh căng thẳng, ai ở tuyến đầu cũng sẽ có những khó khăn. Do da mình mẫn cảm, hay dị ứng nên mặc đồ bảo hộ cả ngày có nhiều lúc nổi đỏ cả người, có lần da bị sưng lên 2 ngày mới hết. Khi mặc đồ bảo hộ, tụi mình phải hạn chế việc chạm tay vào khẩu trang nên nhiều khi nắng nóng, rất khát nước nước cũng ít khi dám uống”.
Minh Tân và đồng đội hỗ trợ bốc dỡ rau củ, gạo và vận chuyển oxy miễn phí cho F0. |
Tuy vất vả và nguy hiểm, Minh Tân cảm thấy hạnh phúc khi được làm công việc ý nghĩa.
“Nhiều lúc người dân khó tính, phải đợi lâu nên la mắng, tụi mình ngơ ngác không biết đã làm sai ở đâu. Nhưng cũng có nhiều cô chú, anh chị rất dễ thương, cảm ơn và còn gửi tặng vài chai nước ướp lạnh nữa. Những khi như vậy mình thấy ấm lòng lắm”.
Làm nhiệm vụ ở tuyến đầu, Tân không tránh được lo sợ việc bị lây nhiễm. Tại nhiều điểm test nhanh, có những người là F0 nhưng không biết, khi xét nghiệm ra kết quả dương tính mới bất ngờ vì thấy mình đã nhiễm bệnh.
Vượt qua những lo lắng ban đầu, Minh Tân dần quen với công việc này, tâm lý anh cũng ổn định hơn. Sợ gia đình lo lắng nên anh giấu chuyện đi tình nguyện với ba mẹ.
“Sợ mẹ lo nên nhiều khi ở nhà gọi điện lên mình không dám bắt máy, cố gắng làm tới giờ nghỉ trưa mới dám gọi lại. Lúc mình mới đi được một tuần, gia đình gọi về quê tránh dịch, nhưng nếu ai cũng sợ đi về thì đâu còn ai chống dịch. Dù có cực nhưng mình muốn cố gắng cùng mọi người để Sài Gòn mau khỏe lại”.