Từ ngày 23/07, anh Nguyễn Trọng Hoàng (38 tuổi, phó giám đốc công ty sản xuất bao bì tại TP.HCM) cùng vợ là chị Lưu Ngọc Anh (trưởng phòng kinh doanh cùng công ty) đã tham gia làm tình nguyện viên lên tuyến đầu chống dịch.
Thời gian đầu, hai vợ chồng tham gia lấy mẫu xét nghiệm tại phường Hiệp Bình Phước (TP Thủ Đức), sau đó hỗ trợ tiêm tại nhà thi đấu quận và trạm y tế phường Tân Chánh Hiệp (quận 12).
Hiện tại, không chỉ vợ chồng anh Hoàng mà em gái Nguyễn Thị Hậu (nhân viên phòng công tác sinh viên ĐH FPT) và em gái họ Hồ Thị Quỳnh Như (sinh viên năm cuối ĐH FPT) cũng cùng tham gia hỗ trợ điểm tiêm vaccine tại quận Gò Vấp.
Vợ chồng anh Hoàng tham gia tình nguyện chống dịch tại TP.HCM. |
“Lúc đầu chỉ đi một mình, nhưng sau này thấy dịch bùng phát mạnh, công ty làm ít lại, mấy đứa em đều phải ở nhà mà tuyến đầu rất cần nhân lực, tôi quyết định vận động mọi người đi và được sự đồng ý lập tức. Gia đình ai cũng muốn giúp một tay cho thành phố thân yêu - nơi nuôi dưỡng và giúp tôi có được cuộc sống như bây giờ”, anh Hoàng nói với Zing.
Không chỉ góp sức, anh Hoàng còn đề xuất và thuyết phục Ban giám đốc công ty của mình tài trợ ly giấy, tô giấy, hộp cơm giấy cho nhiều bệnh viện tuyến đầu trên toàn quốc trong thời gian dịch bùng phát từ năm ngoái tới nay.
Gia đình 9 người trở thành F0
Ngày 3/08, trong thời gian hỗ trợ tại quận 12, anh Hoàng nhận được kết quả dương tính với Covid-19. Sau khi làm xét nghiệm, gia đình anh có 9 người nhiễm bệnh, chỉ có 2 con nhỏ của anh có kết quả âm tính.
“Bố mẹ tôi đều lớn tuổi, có nhiều bệnh nền nên được chuyển vào điểm cách ly F0 của quận, 7 người còn lại tự cách ly tại nhà. May mắn, cả gia đình hồi phục nhanh chóng và đến ngày 13/08 đều có kết quả xét nghiệm âm tính.
Ngày 28/07, sau khi hoàn thành tự cách ly và được gỡ phong tỏa, tôi lập tức liên hệ với phường và tiếp tục tham gia tình nguyện. Thời gian trong khu cách ly, bố mẹ tôi được các TNV, bác sĩ chăm sóc chu đáo, đây cũng chính là cách chúng tôi trả ơn. Gặp may mắn lớn nên cả nhà càng có tinh thần hết lòng hỗ trợ chống dịch”.
Sau khi điều trị khỏi bệnh, vợ chồng anh Hoàng để hai con cho ông bà chăm sóc, tiếp tục xung phong lên tuyến đầu. |
Xuất thân là cán bộ Đoàn, từng công tác tại Trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM từ 2007-2019, anh Hoàng đã tham gia nhiều chương trình tình nguyện.
Khi về làm việc cho công ty hiện tại, “lửa nhiệt huyết” của anh trong công tác tình nguyện không hề tắt.
Anh càng có động lực lớn để lên tuyến đầu khi chứng kiến những khó khăn của cả công nhân, người dân khắp thành phố.
“Không biết bao nhiêu gia đình phải đi cách ly là hàng xóm, người cùng tổ dân phố, cả bạn bè thân thiết của tôi. Có những đồng đội từng tham gia tiếp sức mùa thi, người quen của tôi đã mất vì Covid-19. Tôi quyết định đăng ký làm tình nguyện, vận động cả vợ, các em mình cùng chung tay với hy vọng nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh để trở lại cuộc sống bình thường”.
Hỗ trợ cả sức người và sức của
Hiện tại, 4 người trong gia đình anh Hoàng đều hỗ trợ điểm tiêm vaccine của quận Gò Vấp, sáng từ 7h30-11h30, ca chiều từ 13h30 đến lúc hết người dân.
“Hai vợ chồng tôi chia nhau ra, tôi thường đi cả ngày, tối về làm online. Sáng, tôi và 2 em gái đi thì vợ ở nhà điều hành công việc từ xa. Buổi chiều khi hai vợ chồng đi thì 2 em gái ở nhà làm việc và học online.
Vì chỉ đi trong địa bàn phường, nên chúng tôi về trong ngày. Về tới nhà thì 4 người đều tự cách ly riêng để không ảnh hưởng các thành viên còn lại. Vợ chồng tôi có hai con, một bé năm nay lên lớp 5, một bé 6 tuổi đều ở nhà cho ông bà nội chăm”, anh kể.
Những hình ảnh khi 4 thành viên gia đình anh Hoàng tham gia làm tình nguyện viên hỗ trợ điểm tiêm. |
Nhiệm vụ chính của nhóm anh Hoàng là điều phối hỗ trợ, hướng dẫn người dân điền thông tin, đo nhiệt độ.
“Nhóm chúng tôi làm quen rồi nên cũng không quá áp lực. Đôi khi có những cô bác chờ lâu cũng có nổi nóng, chúng tôi giải thích cho họ hiểu. Các TNV tuyệt đối không nói qua lại, cãi cọ với người dân.
Mặc bộ đồ bảo hộ rất nóng, mùa này mưa nắng thất thường nên đôi khi thấy mệt, trong suốt quá trình làm, cả nhóm không dám uống nước và đi vệ sinh vì mất công phải cởi bảo hộ ra”.
Để ý thấy người dân tới tiêm cần uống nước nhưng không có ly uống nước, nên mới đây anh Hoàng đã tặng cho phường 16, quận Gò Vấp 10.000 ly giấy.
Công ty cũng tặng Bệnh viện dã chiến Phước Lộc (Nhà Bè), mới đưa vào hoạt động ngay trong khu công ty hoạt động, 10.000 ly và tô giấy.
Trước đó, khi tỉnh Hải Dương, quê của anh Hoàng bùng dịch, anh cũng đại diện công ty gửi tặng 110.000 ly, tô các loại để hỗ trợ tuyến đầu.
Không chỉ kêu gọi người thân mà anh Hoàng còn khuyến khích nhân viên, đồng nghiệp cùng công ty tham gia chống dịch.
Nhóm bạn của anh hiện có hơn 10 người đang làm tình nguyện viên. Thời gian anh còn hỗ trợ bên quận 12, cứ sáng 7h, cả nhóm bạn hẹn nhau tại một điểm, chụp chung tấm hình rồi mới tản ra đi nhận nhiệm vụ.
“Nhiều người hỏi đi làm tình nguyện như thế này có sợ không. Nếu nói không sợ là không đúng, nhưng nếu ai cũng sợ thì ai sẽ tham gia chống dịch?
Tôi muốn nhắn nhủ với những người đang điều trị, cách ly và cả chiến sĩ tuyến đầu hãy luôn giữ tinh thần lạc quan, bình tĩnh. Nếu không may nhiễm bệnh, hãy nghĩ về điều tích cực, tập thể dục, ăn uống, làm những việc mình thích rồi bệnh sẽ qua đi, giống như gia đình tôi vậy”.