Phi Long (26 tuổi) mới học lập trình website được hơn một tháng. Anh quyết định theo đuổi bộ môn này sau thời gian dài thất nghiệp.
Trước thời điểm dịch bệnh, anh từng suy nghĩ tới việc học lập trình - một sở thích khác ngoài tập gym.
Tuy nhiên, mức lương ổn định từ nghề huấn luyện viên thể hình cùng với quỹ thời gian hạn hẹp khiến anh tạm gác dự định nhiều năm.
Dự kiến, Phi Long sẽ hoàn thành khóa học vào tháng 6. Anh không quá lo lắng về chuyện tìm việc làm sau khi tốt nghiệp. Hiện anh đã nhận được lời mời thực tập từ bạn bè, người quen.
“Tôi không có thu nhập suốt nhiều tháng do công việc PT bị đóng băng. Tôi phải tìm hướng đi mới cho mình. Tôi nhận thấy nghề lập trình viên có nhiều cơ hội rộng mở trong tương lai”, anh chia sẻ.
Sau thời gian dài giãn cách xã hội, phòng gym đóng cửa, các huấn luyện viên thể hình gặp khó khăn duy trì công việc của mình. Nhiều người cố gắng hoạt động cầm chừng bằng cách chuyển sang hình thức dạy online. Một số khác như Phi Long rẽ sang hướng đi hoàn toàn mới.
Sau thời gian dài giãn cách xã hội, phòng gym đóng cửa, các huấn luyện viên thể hình gặp khó khăn để duy trì công việc. Ảnh minh họa: Thạch Thảo. |
Tìm mọi cách xoay sở
Đến tháng 11/2021, Phi Long cảm thấy không thể tiếp tục bám trụ với công việc PT. Thời gian dịch bệnh kéo dài đã gây ảnh hưởng nặng nề đến thu nhập của anh và các đồng nghiệp khác.
Vì là lao động tự do, anh không có khoản hỗ trợ lương trong lúc nghỉ dịch tại nhà. Anh từng nhận thêm công việc chạy xe giao hàng, đồng thời vay mượn đầu tư buôn bán điện thoại với bạn. Tuy nhiên, thu nhập vẫn không thấm vào đâu.
Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, Phi Long quyết định biến công việc PT trở thành nghề tay trái, thay vì là nguồn thu nhập chính. Anh đăng ký một khóa học lập trình PHP kéo dài 5 tháng và chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho chặng đường mới.
Nhiều lần bị gián đoạn công việc vì Covid-19, dẫn đến mất thu nhập, Phi Long quyết định đổi hướng nghề nghiệp. |
“Nếu so sánh khách quan, mức lương của lập trình viên ngang bằng với nghề huấn luyện viên thể hình, nhưng lại ổn định lâu dài hơn”, anh chia sẻ.
Từ chỗ dành phần lớn thời gian hướng dẫn học viên tại phòng gym, Phi Long chuyển sang ngồi ở văn phòng với chiếc máy tính. Tuy nhiên, anh sớm thích nghi được với môi trường mới.
Ngoài ra, anh vẫn hướng dẫn một số lớp thể hình sau giờ học.
“Tôi chỉ nhận vài lớp phù hợp khung giờ và nằm gần địa điểm học lập trình. Nhờ đó, tôi vừa có thêm thu nhập, vừa được luyện tập và xả stress sau giờ học căng thẳng”, anh chia sẻ.
Phạm Cao Tùng (28 tuổi, Hà Nội), huấn luyện viên dạy nhảy, cũng trắng tay trong năm qua.
Sau 6 năm trong nghề, anh chưa từng mường tượng đến cảnh phải đóng băng hoạt động suốt nhiều tháng. Cuối năm 2020, anh thậm chí đặt ra một số mục tiêu trong năm mới với tinh thần phấn khởi vì tin rằng dịch bệnh sẽ ổn thỏa hơn.
“Thế nhưng, công việc của tôi bị trì hoãn tới 7 tháng và chỉ thực sự bắt đầu trong 2 tháng cuối năm. Hiện tôi chưa thể hoạt động hết công suất vì phải giới hạn học viên mỗi lớp và hạn chế tiếp xúc”, anh kể lại.
Cao Tùng thừa nhận nhờ có sự hỗ trợ của gia đình cũng như nguồn thu nhập từ việc đầu tư, anh mới có thể tiếp tục bám trụ với nghề cho đến thời điểm này.
“Tôi cảm thấy mình còn rất may mắn khi vẫn duy trì công việc yêu thích. Tôi biết nhiều huấn luyện viên khác đã phải bỏ nghề, lựa chọn con đường khác để trang trải cuộc sống. Đây là thời điểm khó khăn chung cho tất cả”, anh nói.
Cao Tùng tiếp tục bám trụ với nghề nhờ nguồn thu nhập thụ động và sự hỗ trợ của gia đình. |
Tìm cách thích ứng
Mỗi lần dịch bệnh bùng phát ở TP.HCM, huấn luyện viên Thùy Trâm (30 tuổi) lại gặp một kiểu khó khăn riêng.
Lần đầu tiên, khi Covid-19 mới xuất hiện và chưa có thông tin về vaccine, nhiều khách hàng của Thùy Trâm bỏ ngang hoặc từ chối đến phòng tập.
Lần thứ hai, do thành phố thực hiện giãn cách xã hội suốt nhiều tháng, cô phải tạm dừng công việc. Một số học viên trở thành F0, nên quá trình tập luyện bị gián đoạn để họ tập trung điều trị.
Lần thứ ba, mặc dù phần lớn thành phố đã được phủ vaccine Covid-19, cô vẫn gặp khó khi ít phòng tập mở cửa trở lại. Số lượng khách hàng cũng giảm mạnh, một phần do dịch bệnh ảnh hưởng đến tài chính của họ.
Những đợt gián đoạn liên tục khiến một PT mới vào nghề 3 năm như Thùy Trâm không khỏi mệt mỏi, buộc cô hoặc tìm cách thích ứng, hoặc phải bỏ nghề. Thùy Trâm đã chọn tiếp tục bám trụ.
Ngoài việc chuyển đổi sang mô hình huấn luyện thể hình online và cắt giảm chi tiêu cá nhân, cô cũng kinh doanh thêm trên mạng để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.
Thùy Trâm vừa kinh doanh online, vừa tiếp tục công việc huấn luyện để có thu nhập. |
"Tuy không mang lại thu nhập cao như làm PT, công việc kinh doanh vẫn đủ để tôi duy trì sinh hoạt ở thành phố trong giai đoạn dịch. Việc chuyển sang hình thức dạy online cũng vừa giúp tôi tiết kiệm chi phí, vừa tránh nguy cơ mắc Covid-19", cô chia sẻ.
Tuy nhiên, nếu để lựa chọn, Thùy Trâm vẫn thích hướng dẫn học viên ngoài phòng tập hơn. Cô cảm thấy giữa PT và khách hàng bị giảm liên kết đáng kể do thiếu tương tác trực tiếp, đồng thời khó hỗ trợ kỹ thuật tập luyện.
“Do đó, tôi rất vui khi phòng gym mở cửa trở lại. Ở nhà quá lâu khiến tôi bị căng thẳng, việc tập luyện cũng không thuận lợi”, cô chia sẻ.
Tương tự, Hồng Hạnh (22 tuổi) thừa nhận rằng 2021 có lẽ là năm thử thách nhất trong 4 năm làm PT của cô. Cô chứng kiến một số đồng nghiệp phải đổi nghề, tìm hướng đi khác hoặc chờ đợi hết dịch mới đi làm.
Về phần mình, cô chuyển sang hướng dẫn học viên online, đồng thời bán trang phục thể thao cho nữ giới trên mạng để có thêm thu nhập.
Bên cạnh những điểm cộng như tiết kiệm chi phí và thời gian di chuyển đến phòng tập, Hồng Hạnh cho biết việc tập luyện online không dễ dàng gì cho cả PT lẫn học viên. Chẳng hạn, nếu người hướng dẫn không biết cách tạo cảm hứng, khách hàng rất dễ từ bỏ quá trình tập luyện.
Hồng Hạnh bắt đầu kinh doanh online trong thời điểm Hà Nội giãn cách xã hội. |
“Thời gian đầu, tôi khá chật vật khi trở thành PT online, nhưng giờ đã tìm được cách phối hợp hiệu quả với học viên qua Internet. Khi phòng gym ở Hà Nội mở cửa trở lại, tôi vẫn duy trì cả hai hình thức tập luyện vì sự tiện lợi, cũng như hiệu quả kinh tế mà nó đem lại”, cô chia sẻ.
Tuy nhiên, thu nhập chỉ chiếm một phần nỗi lo lắng của Hồng Hạnh trong thời gian dịch bệnh.
Điều khó khăn nhất đối với nữ PT là không được về thăm gia đình ở Bắc Ninh thường xuyên.
Chia sẻ với Zing, Hồng Hạnh cho biết trước dịch bệnh, cô về quê mỗi cuối tuần để thăm gia đình. Vì mẹ ở nước ngoài, cô muốn phụ bố chăm sóc 2 em nhỏ.
“Tôi đang sắp xếp công việc dần dần để về ăn Tết sớm với gia đình. Dịch bệnh đã khiến tôi không được ở cạnh người thân. Sang năm 2022, tôi chỉ mong gia đình được bình an, dịch bệnh sớm kết thúc để mọi người trở về cuộc sống bình thường”, Hồng Hạnh cho biết.