Suốt 2 tuần nằm điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, Hàn Huy Dũng (giảng viên trường ĐH Bách khoa Hà Nội) vẫn cùng các đồng nghiệp chế tạo máy rửa tay tự động.
Hành động đẹp và ý nghĩa của giảng viên trường Bách khoa khiến nhiều người ngưỡng mộ.
Nghĩ ra ý tưởng khi đang nằm điều trị Covid-19
Dũng là ca nhiễm thứ 109 được ghi nhận tại Việt Nam. Ngày 14/3, sau một khoá học ngắn hạn, anh từ Anh trở về nước. Ngay khi tới sân bay Nội Bài, Dũng được chuyển lên Trường quân sự Sơn Tây để cách ly tập trung.
Bốn ngày sau, anh được đưa đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương cơ sở 2 khi có biểu hiện sốt cao, đau họng. Đến ngày 21/3, Dũng nhận tin mình dương tính SARS-CoV-2.
Nam giảng viên thiết kế máy rửa tay tự động khi đang nằm điều trị Covid-19 ở bệnh viện. |
Chia sẻ với Zing, Dũng kể không biết mình nhiễm bệnh từ đâu bởi trong suốt chuyến công tác anh luôn đeo khẩu trang khi ra đường và rửa tay thường xuyên.
"Việc động chạm vào các đồ dùng công cộng khi ở Anh có thể chính là nguyên nhân khiến tôi lây bệnh", 8X nói.
Ở bệnh viện, các triệu chứng của Dũng mỗi lúc một nặng dần. Ban đầu, anh đau người giống như bệnh cúm, cổ họng ngứa râm ran. Sau đó, cả cơ thể luôn trong trạng thái mỏi nhừ.
Điều khó khăn nhất mà Dũng phải đối mặt trong những ngày bệnh trở nặng là triệu chứng đau đầu. Những cơn đau kéo dài cùng với những trận sốt cao nhiều ngày liền là nỗi ám ảnh mỗi khi anh nhớ lại.
Nhờ tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ, sau một tuần, Dũng hạ sốt và đỡ dần các triệu chứng của bệnh. Cuối tháng 3, anh nhận kết quả âm tính, cơ thể dần khoẻ mạnh.
Trong thời gian ở bệnh viện điều trị Covid-19, Dũng thấy rằng các bác sĩ đều sử dụng chung nước rửa tay khô từ những chai dung dịch đặt sẵn ngoài cửa phòng. Khi đó, anh đã nghĩ đến việc chế tạo một chiếc máy rửa tay tự động để hạn chế lây lan dịch bệnh cho đội ngũ y, bác sĩ.
"Nằm điều trị trong bệnh viện nhưng tôi vẫn muốn làm được điều gì đó giúp cho cộng đồng phòng dịch. Sốt 38 độ mà trong đầu tôi luôn hình dung về một chiếc máy rửa tay tự động với đầy đủ công năng".
Máy rửa tay được chế tạo và đi vào sử dụng
Giảng viên ĐH Bách Khoa cho biết kỹ thuật để làm ra một chiếc máy rửa tay không quá khó. Nhiều học sinh, sinh viên các trường đại học đã chế tạo thành công. Tuy nhiên, anh chưa thấy nơi nào sản xuất quy mô lớn, giá thành phải chăng. Đa số các loại máy được bán trên thị trường hiện nay, đều có giá từ 1,2-1,6 triệu đồng.
Khi chia sẻ ý tưởng với anh Phước Nguyên, giám đốc một doanh nghiệp sản xuất ôtô, Dũng nhận được sự ủng hộ. Ngay lập tức, Dũng cùng Nguyên và các kỹ sư triển khai dự án sản xuất máy rửa tay tự động. Riêng Dũng phụ trách khâu thiết kế và những việc liên quan đến điện tử, chế tạo máy.
Sau khi hoàn thiện bản thiết kế, Dũng, Nguyên cùng những kỹ sư trong nhóm lên phương án sản xuất đại trà.
Anh Nguyên cho biết để sản xuất những chiếc máy rửa tay tự động có giá thành rẻ hơn so với thị trường là một thử thách lớn.
"Những chi tiết lắp ráp trong chiếc máy rửa máy phần lớn phải nhập khẩu. Ban đầu, nhiều đối tác ở Trung Quốc, Ấn Độ đều lắc đầu với mức giá mà tôi đề nghị. Phải mất khá nhiều thời gian chúng tôi mới tìm được phương án tối ưu nhất", anh Nguyên thông tin.
Sau hơn 20 ngày làm việc, chiếc máy mẫu đầu tiên được hoàn thiện. Công ty anh Nguyên sẽ tặng 20 máy đầu tiên cho các bệnh viện và trường học. Sau đó, cứ bán được 10 chiếc sẽ tặng một chiếc cho các nơi thực sự cần.
Các đồng nghiệp của Dũng bắt tay vào chế tạo máy rửa tay tự động. |
"Sắp tới chúng tôi chuẩn bị đưa vào sản xuất 1.000 máy để phục vụ nhu cầu của các trường học, bệnh viện. Tôi biết là nhu cầu máy rửa tay có thể sẽ lớn nhưng chỉ hy vọng dự án này hòa vốn. Điều vui nhất với tôi là cùng những người bạn làm được việc ý nghĩa, góp phần nhỏ vào công cuộc chống dịch", anh Nguyên chia sẻ.
Nằm trên giường bệnh, giảng viên không giấu nổi niềm vui khi thấy sản phẩm của mình giúp ích cho cộng đồng. Bên cạnh dự án máy rửa tay, anh đang tham gia một số dự án về thiết bị y tế khác như máy thở, buồng khử khuẩn dành cho các bệnh viện trong mùa Covid-19.
"Tôi muốn nhanh chóng được xuất viện để có thể xây dựng các bài giảng giúp các em học sinh làm được chiếc máy tương tự và cải tiến được nó. Sắp tới, tôi cũng sẽ thiết kế thêm vài sản phẩm nữa để cùng chiến đấu chống lại dịch Covid-19", Dũng bộc bạch.