NẠN NHÂN BỊ TẠT AXIT: KHI NỖI ĐAU TỘT CÙNG TÌM THẤY NIỀM HY VỌNG
Bị axit phá hủy gương mặt, cơ thể, nhiều bệnh nhân chỉ muốn tìm đến cái chết nhưng nhờ ý chí phi thường, họ đã dần vượt qua cú sốc tâm lý, nỗ lực tìm lại diện mạo để hòa nhập cộng đồng.
Những số phận nghiệt ngã
Giơ chiếc gương soi màu hồng lên cao, chúng vừa đủ lớn để Lê Thị Lan Vy (24 tuổi, Đà Nẵng) có thể nhìn thấy hết khuôn mặt. Cô dùng đôi tay chằng chịt những vết sẹo do bỏng axit khẽ sờ lên nửa khuôn mặt đã bị biến dạng của mình.
Những ngày gần đây, sự việc Lan Vy bị chồng sắp cưới là Nguyễn Trương Nam Hải (24 tuổi, cựu thiếu úy thuộc lực lượng Cảnh sát PCCC tại Đà Nẵng) vì ghen tuông tạt axit, xuất hiện dày đặc trên các mặt báo. Vụ việc diễn ra 6 tháng trước nhưng gần đây mới được nhiều người biết đến.
Nhìn mình trong gương, Lan Vy nhớ lại cảm giác đau rát khủng khiếp khi bị axit đốt cháy da thịt. “Khi đó, tôi không thở nổi, chỉ kêu lên một tiếng thất thanh rồi ôm lấy mặt. Cha tôi hốt hoảng gọi hàng xóm đến cứu giúp, nhưng không ai biết nên làm gì để sơ cứu, giảm bớt tác hại của loại hóa chất cực độc này. Còn Nam Hải, anh ta vẫn bình tĩnh đứng đó, nhìn tôi đau đớn, quằn quại trên sàn nhà”, cô gái 24 tuổi kể lại.
Nằm kế bên giường của Lan Vy, bệnh nhân Đặng Thị Thanh Huyền (34 tuổi, Yên Viên, Gia Lâm, Hà Nội) đang say sưa giảng bài cho một học sinh nam. Trước khi xảy ra biến cố, phải nhập viện điều trị, chị mở một lớp dạy tiếng Anh có rất đông học sinh.
Cách đây hơn một năm, câu chuyện chị bị chồng cũ là Phạm Văn Thông (36 tuổi), vì ghen tuông đã nhẫn tâm tưới axit lên người vợ từng gây xôn xao dư luận. Thời gian qua, Viện Bỏng quốc gia (Hà Nội) như ngôi nhà thứ 2 của chị.
Hàng ngày, niềm vui của chị là đọc sách, nói chuyện với những bệnh nhân cùng phòng, ngắm con gái mỗi tối qua điện thoại. Một tuần nay, chị có thêm niềm vui mới là được dạy học cho một học sinh lớp 10 để đỡ buồn và nhớ nghề.
Trong phòng của Vy và Huyền có 8 giường bệnh, mỗi người một hoàn cảnh riêng. Điểm chung của họ là cơn đau từ những vết bỏng hành hạ. Có người mới điều trị 2-3 tháng, cũng có bệnh nhân gắn bó với nơi này cả thập kỷ.
“Mở cửa ra cho võ sĩ vào phòng nào!”, giọng một người đàn ông vang lên phía cửa phòng bệnh. Cánh cửa mở ra, nằm trên cáng là một người phụ nữ trung tuổi, gầy gò, mặt đen sạm, tóc mọc lởm chởm. Đặc biệt, một bên bàn tay của chị được băng bó rất nhiều lớp. Mọi người trong phòng gọi đó là găng tay của “võ sĩ quyền anh”.
Vừa thực hiện xong ca phẫu thuật mổ tách rời ngón tay, cơ thể còn đau đớn, song chị Nguyễn Thị Lan (42 tuổi, Hải Phòng) vẫn phải bật cười vì câu trêu đùa của mọi người.
Tai nạn đau lòng xảy ra với người phụ nữ nặng hơn 30 kg cách đây gần một năm trước. Ngày chị nhập viện cấp cứu cũng là khi chồng mắc căn bệnh ung thư phúc mạc vùng bụng giai đoạn cuối, con trai lớn phải dừng việc học để chăm sóc cha. Hoàn cảnh gia đình khó khăn khiến chị rơi vào bế tắc, tuyệt vọng. 26 ngày sau khi vợ nhập viện, chồng chị Lan qua đời.
“Lan khổ quá, mọi sự đen đủi như hẹn nhau đến cùng lúc. Nhưng nó chẳng kêu khóc với mẹ, cứ âm thầm tự chịu đựng một mình. Nhìn con nằm đó, tôi đau lòng như đứt từng khúc ruột”, bà Nguyễn Thị Mười (68 tuổi), mẹ chị Lan, vừa xoa bóp cánh tay cho con gái vừa nói.
“Phẫu thuật đau nhưng không buồn bằng cha mẹ già phải chăm con trẻ”
Mỗi ngày, ông Lê Quốc Vũ (bố Lan Vy) đều massage tay cho con gái. Tận mắt chứng kiến cảnh con bị tạt axit ngay trong nhà mình, thậm chí cũng bị chất độc này văng vào người, ông Vũ phần nào cảm nhận được nỗi đau mà con đang phải chịu đựng.
“Tôi chỉ bị một chút axit văng vào người đã rất đau đớn. Vy bị nặng nhưng ít khi kêu than với cha mẹ. Nó càng lì lợm, tôi càng thương con hơn. Làm gì được cho con, tôi đều cố hết sức”, người cha có nước da đen sạm, miệt mài xoa bóp lên từng vết sẹo cho con gái.
"Phẫu thuật rất đau nhưng không khiến tôi buồn bằng việc cha mẹ già, sức yếu phải chăm sóc cho con gái. Là con, tôi chưa phụng dưỡng được cha mẹ mà lại khiến họ vất vả chăm lo cho mình. Tôi phải trả giá quá đắt khi chọn nhầm người”, Vy nhìn lên mái tóc đã điểm hoa râm của cha mình, mắt đỏ hoe.
Người nhà của những bệnh nhân bỏng thường xuyên phải túc trực cùng bệnh nhân. Đa số họ đều bị thương tích rất nhiều trên cơ thể, sẹo co kéo khiến họ đau đớn, không thể vận động, sinh hoạt bình thường. Vì vậy, mọi công việc cá nhân đều phải do người thân giúp đỡ như giặt quần áo, gội đầu, tắm rửa.
Hôm nay, bệnh viện có cơm trưa từ thiện. “Vậy là cả nhà tiết kiệm được 20.000 đồng rồi nhé!”, một người đàn ông trêu đùa khiến cả phòng cười lớn.
“Con Lan chẳng chịu ăn gì cả, hai mẹ con không ăn hết một phần cơm từ thiện. Từ ngày chăm nó vất vả quá, tôi cũng sút mất mấy cân”, bà Mười (mẹ chị Lan) thủ thỉ.
Khi hỏi một mình chăm sóc con gái, chi phí điều trị tốn kém, bà phải xoay xở ra sao. Bà xua tay và nói: “Bu sắp bán nhà rồi, nhất thì hai mẹ con dựng tạm cái chòi để ở. Dù thế nào cũng phải chữa khỏi đôi tay cho nó, bị tật như vậy sau này sao kiếm được cái ăn. Bu già rồi, chỉ sợ Lan khổ thôi”. Gương mặt người mẹ gần 70 tuổi trầm lại, bà chép miệng, thở dài.
Niềm hy vọng của nạn nhân bị tạt axit
Gần trưa, các y, bác sĩ và nhân viên ở Trung tâm Phẫu thuật tạo hình - Thẩm mỹ vẫn miệt mài công việc thay băng, truyền dịch và phẫu thuật cho bệnh nhân.
Trung bình mỗi ngày, các bác sĩ phẫu thuật từ 8-10 ca. Không giống như các loại bệnh tật khác, bệnh nhân bỏng thường phải phẫu thuật rất nhiều lần để điều trị di chứng, có trường hợp từng lên bàn mổ hơn 40 lần.
Bác sĩ Hoàng Thanh Tuấn, Trung tâm Phẫu thuật tạo hình - Thẩm mỹ, cho biết khi tác động lên cơ thể, axit phá hủy cấu trúc mô như da, mỡ, gân, cơ,… theo cơ chế đông đóng vón protein, gây hoại tử từ ngoài vào trong. Phần da tiếp xúc với axit sẽ chết, chuyển sang màu đen và để lại những vết sẹo lớn, biến dạng. Nạn nhân chủ yếu bị tàn phá ở gương mặt khiến việc điều trị khó khăn hơn.
Khi điều trị khỏi vết thương, chúng vẫn để lại sẹo và di chứng như ngón tay bị co quắp, mặt biến dạng, cổ dính vào ngực,... làm ảnh hưởng đến chức năng vận động, thẩm mỹ. Để giải “bài toán” này, các bác sĩ phải mất nhiều thời gian để tìm ra phương pháp điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.
Mỗi ngày, sau khi từ phòng thay băng trở về giường của mình, Lan Vy đều dừng lại trước tấm bảng lớn trưng bày nhiều hình ảnh các bệnh nhân đã điều trị thành công, diện mạo trở lại bình thường. Cô gái quê Đà Nẵng ngắm nhìn họ, khát khao một ngày nào đó cũng lấy lại được gương mặt xinh đẹp như trước đây.