Nạn nhân bị tạt axit: Có những vết bỏng chẳng thể đốt cháy cuộc đời
Không nhốt mình trong im lặng, dằn vặt và tủi hổ, những nạn nhân bị tạt axit đã dần dà làm quen với nỗi đau để bắt đầu lại cuộc đời. Đương nhiên, điều này không hề đơn giản.
Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên gặp Archana Thakur trong một buổi chụp hình nghệ thuật. Đó là một chiều tháng Tư đầy nắng. Cô gái 28 tuổi e ngại cúi gằm mặt, nhìn chằm chằm vào bộ sari màu hồng tuyệt đẹp đang mặc trên người, hai bàn tay đan vào nhau đầy lo lắng.
Đây là lần mặc quần áo đẹp và trang điểm hiếm hoi kể từ khi Thakur bị người hàng xóm tạt axit vào người. Theo lời kể của Thakur, gã trai hàng xóm theo đuổi cô điên cuồng, muốn cưới cô làm vợ nhưng không được đáp lại nên sinh ra căm phẫn.
Ngượng ngùng soi gương, sờ tay lên một bên mắt bị hỏng và những vết sẹo do bỏng hằn sâu trên mặt, Thakur nhớ lại cảm giác đau rát kinh khủng khi axit đốt cháy da thịt mình. Cảm giác như bị thiêu sống, không thể thở, không thể nói, chỉ nằm quằn quại trên sàn nhà.
Thảm hoạ axit
Tấn công bằng axit xảy ra ở khắp nơi trên thế giới nhưng đặc biệt phổ biến ở các quốc gia Nam Á như Ấn Độ, Bangladesh hay Pakistan. Phần lớn nạn nhân là phụ nữ. Kẻ thủ ác thì đôi khi là đàn ông, đôi khi lại là phụ nữ.
Theo nhiều nghiên cứu, nguyên nhân chủ yếu của các vụ tấn công ở Ấn Độ xuất phát từ lề thói gia trưởng, luôn muốn kiểm soát phụ nữ của đàn ông. Nhưng đôi khi, nó cũng do tính đố kỵ gây ra.
Một nạn nhân ở Delhi mà tôi từng gặp là một cựu vũ công với mộng ước được biểu diễn ở Bollywood. Cô bị nữ đồng nghiệp tạt axit một cách dã man chỉ vì ganh ghét với tài năng.
Ngoài ra, ở nhiều nơi trên khắp Ấn Độ, mua axit dễ như mua xăng. Giá 1 lít axit vào khoảng 33 cents (7.600 đồng).
Trong nhiều trường hợp, chính nạn nhân bị tạt axit trở thành đối tượng bị đổ lỗi, bị xã hội đàm tiếu, dị nghị, gièm pha.
Từ xưa, hệ thống luật pháp Ấn Độ gần như không coi tấn công bằng axit là một hành vi bạo lực. Do đó, số liệu thống kê về các vụ tạt axit cũng như nạn nhân và kẻ thủ ác đều rất hạn chế.
Mãi đến tận năm 2014, chính phủ Ấn Độ mới thừa nhận số vụ tấn công bằng axit đã lên đến 309, gấp 3 lần so với tổng số vụ xảy ra ba năm trước đó.
Tuy nhiên, rất nhiều nhà hoạt động xã hội cho rằng số vụ việc thực tế xảy ra còn cao hơn. Đó là do rất nhiều gia đình cố tình giấu nhẹm sự việc, không trình báo với cơ quan chức năng để bảo vệ danh tiếng. Trong nhiều trường hợp, chính nạn nhân bị tạt axit trở thành đối tượng bị đổ lỗi, bị xã hội đàm tiếu, dị nghị, gièm pha.
Trong bối cảnh các vụ tấn công bằng axit xảy ra ngày càng nhiều và theo chiều hướng nghiêm trọng hơn, cộng thêm áp lực từ xã hội, chính phủ Ấn Độ buộc phải sửa đổi Bộ luật Hình sự vào năm 2013.
Theo đó, luật công nhận tấn công axit là một hành vi bạo lực và kẻ thủ ác sẽ phải chịu mức án từ 10 năm tù cho đến chung thân. Ấn Độ cũng tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc mua bán axit đậm đặc. Tất cả khách hàng mua axit đều phải xuất trình giấy tờ tùy thân, trình bày mục đích sử dụng và phải được lưu lại thông tin.
Xoá tội bằng một đám cưới
Thế nhưng, luật dù có nghiêm khắc hơn nhưng vẫn chưa đủ mạnh để khiến những kẻ có ý định tấn công bằng axit phải chùn tay.
Chỉ hai tháng sau khi Luật Hình sự sửa đổi có hiệu lực, Reena Pal, một nữ sinh 19 tuổi, lại bị tấn công bằng axit khi đang trên đường đến trường. Nguyên nhân của vụ tấn công này giống hệt vụ của Thakur: Gã đàn ông trả thù vì bị cô khước từ tình cảm.
Cánh cửa tương lai xán lạn vừa mới hé mở bỗng chốc đóng sầm ngay trước mặt cô gái trẻ. Mắt hỏng. Cổ, ngực, mặt của cô cũng chi chít những vết bỏng. Tài sản gia đình tích cóp bao nhiêu năm đều dồn để chữa bệnh cho Pal. Các em của cô phải nghỉ học. Khoản nợ gia đình ngày một tăng lên.
Từ trong tù, kẻ thủ ác chuyển lời đến Pal và gia đình rằng mình vẫn yêu và sẵn sàng cưới cô. Nếu như gia đình đồng ý cưới và rút đơn tố cáo, mọi chi phí chữa trị của Pal người này sẽ lo liệu. Rút đơn tố cáo đồng nghĩa người tấn công Pal sẽ trắng án và chưa hề có một vụ tạt axit nào xảy ra.
Không ít cô gái sống chung với kẻ tạt axit chính mình. Thế nhưng, những kẻ có tội không thể phủi tay chỉ bằng việc cưới nạn nhân.
Cả Thakur và Pal đều bị tạt axit ở bang Uttar Pradesh, nơi có tỷ lệ tội phạm này cao nhất Ấn Độ, theo số liệu năm 2014.
Thế nhưng trong 66 vụ việc xảy ra ở bang này, không thủ phạm nào bị bắt giữ. Trong 27 vụ tấn công ở thủ đô New Delhi, nhà chức trách cũng chỉ bắt giữ được 7 người.
Luật sửa đổi siết chặt với hành vi tấn công bằng axit nhưng việc thực thi lỏng lẻo dẫn đến việc nhiều kẻ phạm tội vẫn nhởn nhơ. Ngoài ra, dưới gánh nặng về tài chính và áp lực từ lời đàm tiếu của xã hội, một số gia đình “nhắm mắt cho qua” nếu kẻ tạt axit ngỏ lời muốn cưới nạn nhân. Họ đồng ý cho kết hôn rồi rút đơn tố cáo.
Không ít cô gái sống chung với kẻ tạt axit mình. Đây rõ ràng là lỗ hổng trong luật pháp. Nói gì đi chăng nữa thì những kẻ có tội không thể phủi tay chỉ bằng việc cưới nạn nhân.
Yêu lấy vết sẹo đời mình
Các nạn nhân bị tạt axit phải sống chung với những vết sẹo cả đời và trải qua ít nhất 10 cuộc phẫu thuật với thời gian phục hồi có thể kéo dài tới 5-10 năm.
Ngoài nỗi đau về thể xác, họ còn bị giày vò bởi nỗi đau tinh thần khi bao nhiêu ước mơ, hoài bão bỗng đổ sập ngay trước mắt.
Họ phải chiến đấu mỗi ngày với ánh nhìn và lời soi mói từ những người xung quanh và cũng khó khăn hơn để tìm kiếm cơ hội việc làm và hạnh phúc cho mình.
Năm 2016, Ấn Độ thông qua luật dành cho nạn nhân sống sót sau các vụ tấn công bằng axit. Theo đó, những nạn nhân có những đặc quyền như người khuyết tật, được hưởng ưu đãi trong việc tiếp cận với các cơ hội việc làm và giáo dục; đồng thời tránh được ánh mắt gièm pha, soi mói từ cộng đồng.
Những cô gái với vết sẹo bỏng axit tôi tiếp xúc đều cho rằng được hưởng một số đặc quyền cũng tốt nhưng bản thân họ không coi mình là người tàn tật chút nào. Dẫu rằng đã chịu không ít đau đớn, những cô gái này vẫn cần thêm nghị lực phi thường để bước tiếp, vượt qua nghịch cảnh.
Khó, nhưng không phải không làm được.
Thakur, sau 7 năm chung sống với những vết sẹo bỏng loang lổ, đã dần dà trở nên quen và yêu lấy chúng. Giờ đây cô có thể cùng chúng xuất hiện trước ống kính máy ảnh. Còn Pal đang theo đuổi ước mơ trở thành một nhân viên hỗ trợ y tế.
Vết sẹo chỉ là nhân chứng cho một câu chuyện dài và những nạn nhân bị tạt axit đều thấy cần phải tiếp tục sống.
Trong số các nạn nhân khác tôi từng có cơ hội gặp mặt và trò chuyện, người đã trở thành thẩm phán ở Tòa án Tối cao với chỉ một bên mắt. Người thì tự tin sải bước trên sàn catwalk của tuần lễ thời trang New York với đầy những vết sẹo bỏng trên bàn tay, cổ và vai. Người lại tìm được hạnh phúc bên cạnh chính nhà hoạt động xã hội đấu tranh cho quyền lợi của phụ nữ bị tạt axit.
Điểm chung mà những nạn nhân đó chia sẻ với tôi là sau vụ tai nạn, họ không trốn trong chiếc lồng của sự im lặng, dằn vặt và tủi hổ. Họ đã làm quen với nỗi đau. Đương nhiên, điều này không hề đơn giản nhưng cuộc sống vẫn còn những điều tốt đẹp đang chờ đợi ở phía trước.
Vết sẹo giờ đã trở thành một phần cơ thể nhưng không định nghĩa được toàn bộ con người. Chúng chỉ là nhân chứng cho một câu chuyện dài và những nạn nhân bị tạt axit đều thấy cần phải tiếp tục sống.