Hoang mang. Lạc lối. Hối hận không kịp.
Đó là cảm giác của Dania khi tận mắt chứng kiến hình ảnh của mình tràn ngập trên mạng xã hội khoảng 8 năm trước. Những tấm ảnh cho thấy rõ mặt và đường cong cơ thể của cô, đến nay vẫn tiếp tục bị phát tán.
Thủ phạm không ai khác là bạn trai cũ của Dania.
Tệ hơn, bên cạnh hàng chục bài viết nhằm bảo vệ Dania, hàng trăm, hàng nghìn bình luận trực tuyến lại quay sang đổ lỗi cho cô.
Trên thực tế, những bình luận có xu hướng đổ lỗi cho người bị hại trong các vụ lạm dụng, xâm hại tình dục rất phổ biến.
Nạn nhân luôn phải đối mặt với những bình luận khiếm nhã, mà phần lớn đều có xu hướng đổ lỗi ngược cho họ. Ảnh: Opmed. |
Tự ý chia sẻ hình ảnh nhạy cảm là bạo lực tình dục
Theo điều tra vụ việc 13 nhóm chat đồi trụy trên mạng xã hội Telegram ở Singapore gần đây, một nửa số nhóm có hơn 10.000 thành viên. Nhóm nhiều nhất có tới 40.000 người hoạt động.
Một trong 13 nhóm chat này chứa khoảng 9.800 ảnh, video, hơn 250 file và 200 đường link. Nhiều trường hợp thành viên phát tán ảnh chụp lén các cô gái hay hình họ đăng trên trang cá nhân, rồi bàn tán một cách phản cảm.
AWARE, tổ chức chuyên hoạt động về quyền phụ nữ ở Singapore, cho biết việc chia sẻ hình ảnh nhạy cảm của một người mà không có sự cho phép là hành vi bạo lực tình dục.
Thậm chí, khi những hình ảnh này xuất hiện công khai, nạn nhân phải đối mặt với rất nhiều bình phẩm về cơ thể, nét mặt, cùng với hàng nghìn lời đổ lỗi cho chính họ, mà không phải là sự bảo vệ đáng lẽ ra nên có.
Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, phụ nữ luôn là người gánh chịu hậu quả và những lời lẽ miệt thị. Ảnh: Courtsey. |
Theo Channel News Asia, việc phụ nữ say xỉn, chơi thân với đồng nghiệp nam và bố mẹ không kiểm soát là 3 nguyên nhân thường xuyên được lặp lại trong số bình luận về những vụ việc mà phụ nữ và trẻ em là nạn nhân.
Vì thế, trong câu chuyện của Dania, không ai nói rằng người phải chịu trách nhiệm cho danh dự của một cô gái là những kẻ đã phát tán hình ảnh kia. Mọi ý kiến đều cho rằng chính cô và gia đình nên xem lại hành động của mình.
Sợ nói ra sẽ bị đổ lỗi
Việc đổ lỗi cho nạn nhân ngày càng trở nên bình thường và phổ biến trong xã hội.
Theo một nghiên cứu được thực hiện ở Singapore, khoảng 45% trong 1.000 người đồng ý rằng: “Phụ nữ mặc trang phục khiêu gợi nên chấp nhận việc đàn ông bình phẩm về ngoại hình của mình”.
Khi nạn nhân luôn là “tầm ngắm” của đa số ý kiến trái chiều, họ có xu hướng im lặng và tự mình chịu đựng.
AWARE chỉ ra rằng trong số 10 nạn nhân của tấn công tình dục, sẽ có 7 người chọn cách không báo cáo với cảnh sát.
Từ các bình luận đổ lỗi cho nạn nhân, xã hội dần đặt ra những tiêu chuẩn buộc phụ nữ phải tuân theo, chẳng hạn không nên quá ăn diện, kiểm soát nồng độ rượu khi ra ngoài, chỉ ở gần đàn ông khi có nhiều phụ nữ khác ở đó…
Trong khi đó, ai cũng biết chuyện trang phục, làm đẹp hay giao tiếp với ai về cơ bản là sự lựa chọn và quyền quyết định của mỗi cá nhân.
Bên cạnh sự xấu hổ, những nạn nhân của quấy rối tình dục còn chịu đựng nỗi sợ bị đổ lỗi và không ai ủng hộ, rồi từ đó họ chọn cách im lặng và chịu đựng. Ảnh: The LiLy. |
Mặc dù giáo dục về bình đẳng giới được xem là một phần tất yếu trong các chiến dịch phòng chống bạo lực, đến nay nó vẫn chưa thể hiện rõ vai trò trong chương trình học ở trường.
Nhiều tổ chức cho rằng cần vạch ra 2 nội dung cụ thể nhằm giải quyết nạn tấn công phụ nữ và đổ lỗi cho chính nạn nhân.
Thứ nhất, bộ môn giáo dục giới tính, bình đẳng giới nên được triển khai toàn diện ở các trường học, cùng với đó là những biểu hiện và biện pháp chống lại nạn quấy rối tình dục.
Thứ hai, các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quản lý truyền thông, kiểm soát chất lượng và nội dung bài đăng. Ngoài chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng, xã hội rất cần các chiến dịch chống lại định kiến và xem thường cơ thể phụ nữ.