Kể từ khi phong trào nữ quyền #MeToo lan rộng toàn cầu, nhiều vụ án quấy rối và tấn công tình dục đã được đưa ra ánh sáng ở Trung Quốc.
Đại học Bắc Kinh dẫn đầu trong các cơ sở giáo dục đối mặt với khiếu nại quấy rối tình dục. Ảnh: EPA-EFE.
|
Một số cáo buộc có liên quan đến các giáo sư của những trường uy tín như Đại học Bắc Kinh, Đại học Beihang và Đại học Sun Yat-sen. Thậm chí, các nhân vật nổi tiếng trong lĩnh vực từ thiện, giải trí và truyền thông cũng có mặt trong danh sách.
Tháng 11 năm ngoái, Bộ Giáo dục nước này đã ban hành lệnh cấm các mối quan hệ không đúng đắn trong môi trường giáo dục và nêu rõ chính sách không khoan nhượng đối với quấy rối tình dục.
Phong trào #MeToo có sức lan tỏa mạnh mẽ trên toàn thế giới. Ảnh: Duncan.
|
“Chúng tôi sẽ làm việc với sở giáo dục địa phương để cải thiện các cơ chế phòng chống vấn nạn này”, Bộ khẳng định.
Tuy nhiên, nhóm hoạt động vì nữ quyền tại Trung Quốc lập tức chỉ trích biện pháp trên không cụ thể và không thấy thời gian tiến hành rõ ràng.
Nhóm cũng lên án việc Bộ từng đàn áp các hoạt động hợp pháp của sinh viên về phong trào nữ quyền và bắt họ phải giữ im lặng.
“Thật khó để tin tưởng vào cơ chế chống quấy rối tình dục của Bộ Giáo dục khi họ chính là những người phản đối các phong trào hợp pháp đó của sinh viên”, một thành viên của nhóm hoạt động nói.
Li Maizi là một trong những nhà hoạt động nữ quyền bị bắt giữ sau một cuộc biểu tình năm 2015. Ảnh: Simon Song. |
Tuy nhiên cũng có nhiều nhà nữ quyền khác hoan nghênh động thái này của Bộ. Một trong số đó là Li Maizi - người từng bị giam giữ sau cuộc biểu tình phản đối quấy rối tình dục năm 2015.
“Tôi mừng là Bộ Giáo dục đã cởi mở hơn các cơ quan chính phủ khác và sẵn sàng thay đổi”, cô Li chia sẻ.
Cô nói thêm: “Mặc dù vậy, chúng ta cần phải cân nhắc kỹ lưỡng lựa chọn thành viên nòng cốt. Nếu không, việc thành lập các ủy ban chống quấy rối tình dục chỉ là vật trang trí cho một hệ thống quan liêu mà thôi”.
Các sinh viên Trung Quốc ủng hộ phong trào nữ quyền. Ảnh: RFA.
|
Ông Michael Tien Puk-sun, một nhà lập pháp của Hong Kong, cho biết vào tháng 3 tới sẽ đệ trình đề xuất tất cả các cơ sở giáo dục phải thực hiện nghiêm chỉnh chính sách chống quấy rối tình dục và xử lý nhanh chóng các khiếu nại liên quan.
Ông nhấn mạnh: “Tôi thấy phấn khởi khi đề xuất của mình được chấp thuận. Tuy nhiên, chúng ta phải đảm bảo đa số thành phần trong xã hội, đặc biệt là các bạn sinh viên đồng thuận và ủng hộ với chủ trương này”.
Phong trào #MeToo bùng nổ mạnh mẽ tại Trung Hoa đại lục từ năm 2018. Ảnh: Getty Images. |
Theo một khảo sát trên 4.500 người vào tháng 1/2018, 75% phụ nữ được hỏi cho biết họ từng trải qua các vụ quấy rối tình dục.
Kể từ năm 2018, khi phong trào #MeToo đạt được sức hút mạnh mẽ ở Trung Quốc, sinh viên từ hơn 50 trường đại học đã ký thư kêu gọi thực hiện chính sách chống vấn nạn quấy rối trong khuôn viên trường và có mức trừng phạt nặng hơn đối với các phạm nhân.