Gia đình nạn nhân có quyền thưa kiện và đòi tôi phải bồi thường không?
Thanh Tước (Đà Nẵng)
Trả lời:
Điều 202 Bộ luật hình sự quy định về tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ như sau:
1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm
...
Theo đó, hành vi được coi là cấu thành tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ khi có đầy đủ các dấu hiệu sau:
- Thứ nhất: Về hành vi khách quan: phải là hành vi vi phạm về các quy định điều khiển phương tiện giao thông đường bộ được ghi nhận trong Luật giao thông đường bộ năm 2008. Hành vi này có thể là do không chấp hành hiệu lệnh, biển báo, lái xe quá tốc độ, sai làn đường, hoặc sử dụng các chất kích thích khi tham gia giao thông….
- Thứ hai: Về hậu quả hành vi: Hậu quả của hành vi là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm của tội này. Theo đó người điều khiển phương tiện giao thông nếu gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiệm trọng cho sức khỏe, tài sản người khác có thể bị xử lý hình sự.
Theo quy định tại Điều 2 thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC ngày 28/8/2013 thì gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác hoặc gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại khoản 1 Điều 202 Bộ luật hình sự là một trong các trường hợp sau đây:
a) Làm chết một người;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của từ hai người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 31%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 41% đến 100%;
d) Gây tổn hại cho sức khỏe của một người với tỷ lệ thương tật từ 21% đến 30% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới bảy mươi triệu đồng;
đ) Gây tổn hại cho sức khỏe của từ hai người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 21%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 30% đến 40% và còn gây thiệt hại về tài sản với giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới bảy mươi triệu đồng;
e) Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ bảy mươi triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng.
- Thứ ba: Mối quan hệ giữa hậu quả và hành vi phạm tội. Gữa hành vi vi phạm và hậu quả xảy ra phải tồn tại mối quan hệ nhân quả. Hành vi vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ phải xảy ra trước hậu quả và là nguyên nhân trực tiếp khiến phát sinh hậu quả.
Đối chiếu với thông tin bạn đưa ra cho thấy: Người vi phạm điều khiển phương tiện giao thông là nạn nhân chứ không phải bạn. Nạn nhân đã sử dụng rượu trước khi tham gia giao thông đồng thời trong quá trình lưu thông, người này còn lấn chiếm làn đường làm xảy ra va chạm với xe của anh. Đây là hành vi vi phạm điều cấm quy định tại Điều 8 Luật giao thông đường bộ 2008.
Nếu anh có chứng cứ chứng minh anh không có lỗi khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà lỗi xuất phát từ phía nạn nhân thì anh hoàn toàn không phải bồi thường thiệt hại cũng như không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ tại điều 202 Bộ luật hình sự.