Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Cần chú trọng từ bậc CĐ, trung cấp

Để phát triển kinh tế, nhân lực là khâu tiên quyết. Để nguồn nhân lực cứng tay nghề, VN cần nâng cao chất lượng đào tạo không chỉ ở bậc đại học, mà còn là trung cấp, cao đẳng.

Lực lượng lao động nước ta khá dồi dào, có trình độ học vấn căn bản làm cơ sở để đào tạo nghề và tiếp thu khoa học kỹ thuật mới, sẵn sàng tham gia vào hoạt động kinh tế trong nước hoặc xuất khẩu lao động. Nguồn nhân lực chính là yếu tố ban đầu cần thiết để kêu gọi hợp tác đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Tuy nhiên, để nguồn nhân lực đó trở thành nội lực mạnh mẽ, Việt Nam phải đẩy mạnh đào tạo nghề nghiệp cho người lao động.

Nước ta mỗi năm có khoảng có 1,2 triệu lao động mới. Tuy nhiên, phần lớn lao động xuất thân từ nông thôn, chưa qua học nghề bài bản. Theo báo cáo về mức độ sẵn sàng cho nền sản xuất trong tương lai của WEF năm 2018, Việt Nam thuộc nhóm cuối trong bảng xếp hạng lao động có chuyên môn cao (thứ 81/100).

Còn theo số liệu được đưa ra tại diễn đàn quốc gia “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam” trung tuần tháng 11 vừa qua, chỉ 44% lao động có việc làm tại nước ta là chủ cơ sở sản xuất kinh doanh và lao động làm công ăn lương. Số người làm việc trong khu vực phi chính thức chiếm tới 56%. Điều này phần nào cho thấy chất lượng việc làm của lao động Việt Nam còn hạn chế, trình độ cũng chưa cao.

Tong cuc Giao duc nghe nghiep anh 1
Thứ hạng chỉ số lao động có chất lượng của Việt Nam còn thấp (81/100).

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, yếu tố tiên quyết là nâng cao chất lượng đào tạo không chỉ ở đại học, mà còn ở bậc trung cấp và cao đẳng nghề. Những năm qua, chúng ta đang chứng kiến sự chuyển dịch hồ sơ ứng tuyển về các trường trung cấp, cao đẳng nghề. Chính phủ cũng đã nhận thức được xu hướng này và sớm ban hành đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông, giai đoạn 2018-2025”.

Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp, trung cấp (các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%). Và phấn đấu ít nhất 45% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trình độ cao đẳng (các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 35%).

Tong cuc Giao duc nghe nghiep anh 2
Chất lượng giáo dục nghề nghiệp được nâng cao sẽ cải thiện chất lượng nhân lực.

Bên cạnh đẩy mạnh số lượng học sinh chọn học nghề, nhiều chương trình cải thiện chất lượng dạy nghề bậc trung cấp, cao đẳng đã được Bộ LĐ-TB&XH, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp triển khai, trong đó có “Chương trình mục tiêu giáo dục nghề nghiệp - việc làm và an toàn lao động giai đoạn 2016 - 2020” (Quyết định 899/QĐ-TTg).

Điểm sáng của chương trình là 2 dự án “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp”, với mục tiêu đáp ứng nhu cầu thực tiễn và hội nhập với các quốc gia tiên tiến trong ASEAN cũng như thế giới; và dự án“Phát triển thị trường lao động và việc làm”, với mục tiêu nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu lao động, giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp.

Tong cuc Giao duc nghe nghiep anh 3
Gắn kết đào tạo với doanh nghiệp để tăng cường kiến thức thực tế cho học viên.

Còn từ góc độ nhà trường và doanh nghiệp, cần tập trung gắn kết hoạt động đào tạo của nhà trường với hoạt động sản xuất của doanh nghiệp thông qua các mô hình liên kết đào tạo; hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo tại các trường gắn chặt với doanh nghiệp. Ngoài ra, có thể đẩy mạnh việc hình thành các cơ sở đào tạo trong doanh nghiệp để chia sẻ các nguồn lực chung, từ đó hai bên cùng chủ động nắm bắt và đón đầu các nhu cầu của thị trường lao động.

Có thể nói, trình độ lao động hay chất lượng của nguồn nhân lực là yếu tố quyết định nhất cho sự phát triển kinh tế xã hội nói chung và cho doanh nghiệp nói riêng. Việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chính là đầu tư cho phát triển, việc làm hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay và cho lâu dài về sau.

Giang Minh Nguyệt

Bình luận

Bạn có thể quan tâm