Sau Tết, cách xử lý thức ăn thừa luôn là vấn đề nan giải. Nhiều người nội trợ chia sẻ món ăn sáng tạo chế biến từ nguyên liệu có sẵn những ngày Tết.
Cháo bánh chưng
Ngọc Anh
Bánh chưng, gà luộc những loại thực phẩm phổ biến mà các gia đình Việt hay thưởng thức trong Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, sau dịp này nhà tôi còn thừa lại khá nhiều bánh chưng phải đem bảo quản trong tủ lạnh. Thay vì đem chiên bánh hay làm gỏi như mọi năm, tôi thử công thức nấu cháo từ các nguyên liệu này.
Với bánh chưng, thịt gà luộc cộng thêm một ít hành lá, rau mùi thái nhỏ, tiêu, bột ớt, hành phi thơm, tôi đã cho ra mắt món ăn lạ vị, hấp dẫn đãi cả nhà. Cách này vừa giúp giải ngấy vừa xử lý gọn đồ ăn thừa trong tủ lạnh.
Bước 1: Cắt bánh chưng thành lát nhỏ rồi cho vào nồi nước (nếu sử dụng nước luộc gà thì món ăn ngon hơn nữa).
Bước 2: Vừa đun sôi vừa dầm nhuyễn.
Bước 3: Để nồi cháo trên lửa nhỏ, tiếp tục nấu đến khi sánh lại, sền sệt. Bạn chỉ cần nêm nếm lại cho hợp khẩu vị là được.
Bước 4: Phi thơm hành, cắt nhỏ hành lá, xé thịt gà và chuẩn bị một số gia vị như tiêu, ớt bột...
Thành phẩm cháo bánh chưng gần giống món cháo đậu xanh, mùi thơm, phù hợp thưởng thức sau mùa Tết.
Bún thang phiên bản "dọn tủ lạnh"
Lê Phương Anh
Sau Tết, nhiều gia đình có lẽ cũng như tôi, rơi vào tình trạng ê hề cỗ thừa, bỏ đi thì tiếc mà ăn hoài lại ngán. Mỗi nhà đều nghĩ ra cách khác nhau để "tái chế" cỗ Tết thành món lạ miệng hơn. Năm nay, tôi thử làm bún thang, món ăn chứa đựng sự tinh tế, cầu kỳ của người Hà Nội từ nguyên liệu có sẵn tại nhà.
Nguyên liệu:
- Thịt gà đã luộc
- Giò lụa
- Xương gà, lợn
- Gừng, hành tím khô
- Củ cải khô
- 2-3 quả trứng
- Nấm hương
- Tôm nõn khô
- Hành, mùi, rau răm
- Mắm tôm, ớt tươi
Cách làm:
Bước 1: Lọc bỏ xương gà sau đó xé nhỏ.
Bước 2: Xương gà, lợn đem rửa, chần sơ, rửa sạch lần nữa rồi đổ nước ninh trong một giờ. Bạn nêm nếm với chút muối, mắm nêm, mắm cho đậm vị.
Bước 3: Sơ chế các nguyên liệu:
- Nướng gừng đập dập, hành tím bóc vỏ cho thơm.
- Rửa sạch, giã nhỏ tôm nõn.
- Ngâm nấm hương khô trong nước ấm cho nở ra.
- Rửa tép khô với nước ấm, cho vào túi lọc.
- Bó tròn phần râu mực khô.
Cho các nguyên liệu trên vào nồi nước dùng, ninh trên lửa nhỏ trong 60 phút. Khi nước dùng gần sôi, bạn nêm nếm muối, bột canh, cho một cục đường phèn nhỏ nếu thích.
Bước 4: Các món ăn kèm:
- Đánh trứng, tráng mỏng rồi thái sợi nhỏ (chỉ lấy phần lòng đỏ giúp thành phẩm lên màu đẹp hơn).
- Đem củ cải khô ngâm nước ấm cho nở, rửa sạch và cắt khúc 3-4 cm. Bạn pha nước mắm, đường, giấm, tỉ lệ 1:1:1/2, thêm ớt và gừng xay rồi đem đổ vào phần củ cải, trộn đều.
- Hành lá thái nhỏ, phần đầu hành chẻ sợi, rau răm thái rối.
- Giò lụa thái sợi.
- Chần bún, xếp các nguyên liệu vào bát, thêm nước dùng và thưởng thức.
Biến thịt đông đá trong tủ lạnh thành món đút lò
Mai Hoa
Hết Tết, tôi lôi trong ngăn đá tủ lạnh ra chiếc chân giò luộc chừng 4-5 kg còn chưa kịp đụng đến. Lười rã đông, muốn sáng tạo hương vị mới mẻ hơn, tôi dùng giấy bạc bọc kín thịt và cho vào lò nướng ở nhiệt độ 200-250 độ C. Sau khoảng 2 tiếng ướp, nướng, tôi có ngay món thịt đút lò ngon lành, mọng nước và ngon như mới.
Bạn có thể áp dụng linh hoạt cách làm này với các loại thịt cấp đông nguyên khối như sườn, gà, vịt, ngan...
Bước 1: Lấy chân giò nguyên tảng trong tủ lạnh và xối qua nước ấm để tan lớp đá bên ngoài.
Bước 2: Khứa nhẹ lớp da chân giò, xoa đều bằng dầu olive, chanh vàng để khử hẳn mùi hôi. Khâu này giúp lớp da sau khi nướng căng mọng.
Bước 3: Ướp chân giò với các loại thảo mộc, bạn có thể thử với sả, quế, gừng...
Bước 4: Rắc đều một ít muối hạt lên phần thịt. Muối hạt to nên tan khá chậm, dễ ngấm dần đều vào thịt trong quá trình nướng và rã đông.
Lưu ý: Không nên dùng mật ong hay đường trong giai đoạn đầu tiên này vì dễ khiến thịt bị cháy.
Bước 5: Làm nóng lò trên và dưới (hoặc bật chế độ đối lưu) ở mức nhiệt 230-250 độ C trong vòng 15 phút.
Bọc thật kín chân giò trong giấy bạc và cho vào lò nướng. Đầu tiên, bật nhiệt độ ở mức 220 độ C trong vòng 30 phút, sau đó hạ xuống 200 độ C trong 30 phút tiếp theo (thời gian có tăng giảm tùy độ lớn tảng thịt).
Bước 6: Trong quá trình chờ thịt được rã đông và chín trong lò, tôi làm nước sốt. Tôi tận dụng các nguyên liệu có sẵn gồm đường, rượu vang, dâu tây cắt nhỏ.
Bước 7: Sau khoảng một tiếng, tôi mở lò, bỏ lớp giấy bạc, lúc này thịt đã được rã đông từ trong ra ngoài. Trộn nước thịt tiết ra trong quá trình nướng với sốt và rưới đều lên 2 mặt của tảng chân giò.
Bước 8: Tiếp tục bỏ chân giò vào lò nướng nhưng không dùng giấy bạc. Bạn bật chế độ nướng trên, 180-200 độ C. Lật tảng thịt, rưới lại nước sốt sau 15 phút. Sau 30 phút, món ăn đã hoàn thành với 2 mặt thịt sém đều, nước sốt sánh đặc.