Sáng 10/2 (tối mùng 1 Tết Giáp Thìn theo giờ Việt Nam), Phương Nhi - du học sinh tại Đại học Ohio Wesleyan (bang Ohio, Mỹ) - dậy sớm. Sáng nay, nữ sinh sẽ đi siêu thị, mua nguyên liệu để nấu món thịt kho hột vịt.
"Mình sinh ra và lớn lên ở TP.HCM. Hàng năm, cứ mỗi dịp Tết, mẹ đều nấu món này đặt vào mâm cỗ cúng. Thấy thịt kho là thấy Tết. Vậy nên năm nay, mình quyết định nấu món này để đón Tết xa nhà", Phương Nhi (20 tuổi) chia sẻ.
Nấu thịt kho ở Mỹ
Chia sẻ với Tri thức - Znews, Nhi cho hay năm nay là năm thứ 2 cô đón Tết Nguyên đán tại Mỹ. Thời điểm này, Nhi đang trải qua cao điểm thi giữa kỳ.
Hơn nữa, vé máy bay khá đắt, vừa đi học, vừa đi làm để tự chi trả sinh hoạt phí, Nhi khó sắp xếp thời gian và chưa đủ kinh phí để về Việt Nam dịp lễ này.
"Bận thi cử và đi làm, mình không có nhiều thời gian để nghĩ đến Tết. Nhưng mỗi khi gọi về nhà hoặc lướt mạng xã hội, thấy mọi người chuẩn bị Tết, mình cũng rộn rạo trong lòng", Nhi chia sẻ.
Nữ sinh nhớ những ngày Tết tại Việt Nam, khi được giúp bố mẹ dọn dẹp nhà cửa và chuẩn bị mâm cỗ cúng. Trong đó, món thịt kho hột vịt gắn liền với tuổi thơ của Nhi.
Tết năm nào, mẹ Nhi cũng chuẩn bị món ăn này. Trong lúc mẹ nấu ăn, Nhi ở bên cạnh vừa phụ mẹ, vừa trò chuyện, chia sẻ những câu chuyện trong năm cũ và những dự định trong năm mới.
"Sau này, khi đi du học rồi, món thịt kho hột vịt mang một ý nghĩa khác với mình. Hồi nhỏ mình ăn món này vì thấy ngon. Lớn lên, mình ăn thịt kho vì mang hương vị quê nhà và tuổi thơ", Nhi nói.
Phương Nhi nấu món thịt kho hột vịt để cảm nhận hương vị quê nhà. Ảnh: NVCC. |
Sáng thứ bảy, nữ sinh kiểm kê lại gia vị trong nhà, đã có đủ hạt nêm, nước mắm. Nhi đi siêu thị mua thịt ba chỉ, trứng vịt, hành tím, tỏi, ớt tươi, nước dừa và chanh.
Nữ sinh nói những nguyên liệu này được bán với giá rất cao, gấp 2-3 lần so với các thực phẩm khác. Riêng thịt ba chỉ, Nhi phải đi mấy siêu thị mới tìm được. Còn trứng vịt, nữ sinh cũng phải tìm nơi bán trước đó vài ngày, cách nơi ở khoảng 45 phút chạy xe.
Về nhà, Nhi bắt tay ngay vào sơ chế nguyên liệu. Muốn thịt mềm, thấm đẫm gia vị giống như mẹ nấu, nữ sinh phải mất 3 giờ mới hoàn thành. Nấu xong nồi thịt kho cũng là lúc sáng sớm ở Việt Nam. Nhi tranh thủ gọi về nhà, khoe mẹ thành quả một ngày của mình. Nữ sinh nói món thịt kho hột vịt đã giúp cô vơi bớt nỗi nhớ nhà.
"Những du học sinh như mình rất dễ chạnh lòng mỗi khi Tết đến, xuân về. Vì vậy, mình thường tự an ủi bản thân bằng những kỷ niệm Tết khi còn nhỏ. Mình cũng gọi điện về cho ba mẹ nhiều hơn vì Tết là thời gian dành cho gia đình, những người mình yêu thương", Nhi chia sẻ.
Đón Tết sớm cùng đồng hương ở châu Âu
Trong khi đó, đầu tuần này, Ngân Hà (23 tuổi) vừa bay đến Ba Lan theo chương trình học chuyển tiếp. Trước đó, tại Paris (Pháp), Hà đã kịp đón Tết sớm với đồng hương.
Nữ sinh cho hay hàng năm, gia đình cô không gói bánh chưng vì khá phức tạp. Nhưng năm nay, khi ở nước bạn, cô lại được tự tay lắp khuôn, xếp lá và gói những chiếc bánh chưng vuông vắn.
"Ở Paris, chúng mình không có khuôn gỗ nên lắp khuôn bằng lego, không có lạt nên được thay bằng ruy băng. Dù vậy, đây vẫn là một trải nghiệm thú vị đối với mình. Vốn không thích ăn bánh chưng, nhưng chiếc bánh năm nay có hương vị rất khác, đó là hương vị quê nhà", Ngân Hà chia sẻ.
Chiếc bánh chưng do Ngân Hà tự tay gói tại nước Pháp. Ảnh: NVCC. |
Khác với Phương Nhi, năm nay là năm đầu tiên Hà không đón Tết Nguyên đán ở nhà. Nữ sinh nhớ giờ này năm ngoái, bố mẹ cô đã chúc con gái năm 2024 sẽ đón Tết xa nhà - tức giành học bổng du học.
Năm nay, lời chúc đó đã thành hiện thực. Nhưng dù đã chuẩn bị tâm lý từ năm ngoái, khi thấy các bạn du học sinh về quê đón Tết, Hà cũng buồn và nhớ nhà.
"Mình cũng có ý định sẽ về Việt Nam dịp này, nhưng tiếc là thời gian không cho phép do trùng với lịch chuyển tiếp sang Ba Lan theo chương trình học, giá vé thời điểm này cũng đắt. Vậy nên, mình sẽ đón Tết online với bạn cùng nha", Hà nói cũng vì mới chuyển đến, cô chưa thể chuẩn bị mâm cơm Tết chu đáo.
Nữ sinh cũng tiếc vì năm nay, cô không đem theo áo dài. Nếu về nước vào dịp hè, Hà nhất định sẽ sắm áo dài để mặc ở trời Âu, không nhất thiết phải đợi đến Tết.
Đi bảo tàng, triển lãm ở Hàn Quốc
Năm nay cũng là năm đầu tiên Ngọc Anh (27 tuổi) đón Tết Nguyên đán tại Hàn Quốc. Nữ sinh cho hay người Hàn vẫn đón Tết cổ truyền giống Việt Nam, nhưng họ không tổ chức lớn, ít trang trí nên không có không khí Tết như ở quê hương.
Năm đầu tiên không đón Tết ở nhà, Ngọc Anh chia sẻ cô luôn có cảm giác thiếu, trống trải và mơ hồ. Dù vậy, nữ sinh nói rằng ăn Tết online có thể hơi buồn nhưng cũng là một trải nghiệm mới.
"Dù xa nhà, mình vẫn mong đến Tết bởi chỉ cần trái tim hướng về nguồn cội, về truyền thống, về gia đình, Tết đều rất ý nghĩa. Chữ 'Tết' có một ý nghĩa khác là một khởi đầu mới, xuất phát mới. Vậy nên, mình thấy Tết có ý nghĩa rất thiêng liêng", nữ sinh nói.
Du học từ tháng 9/2023, Ngọc Anh cho hay cô đã quen một số bạn người Việt. Tuy nhiên năm nay, các bạn cũng về quê đón Tết do đang kỳ nghỉ đông, có nhiều thời gian rảnh.
Ngọc Anh có kế hoạch đi bảo tàng, triển lãm trong những ngày đầu năm mới. Ảnh: NVCC. |
Ngọc Anh ở lại, đăng ký ca làm thêm vào buổi tối các ngày này để tiếp xúc với mọi người, cảm nhận không khí ngày Tết. Ban ngày, cô quyết định đi thăm bảo tàng và triển lãm tại Hàn Quốc.
"Ngày Tết, các bảo tàng tại Hàn Quốc vẫn mở cửa và tổ chức các buổi triển lãm. Mình có thói quen đi bảo tàng mỗi khi có thời gian rảnh, vừa là sở thích, vừa liên quan đến ngành nghiên cứu. Do vậy, mình tranh thủ đi dịp này để xem cách người Hàn xây dựng nội dung triển lãm trong dịp Tết", Ngọc Anh chia sẻ.
Đi chùa cầu may ở Singapore
Ở Singapore, sáng mùng 1 Tết Giáp Thìn, Nguyễn Xuân Nguyên (22 tuổi, sinh viên Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore) cùng bạn đến chùa Kwan Im Thong Hood Cho để cầu may.
Những năm trước, khi đón Tết ở Việt Nam, Nguyên cũng thường cùng gia đình đi chùa vào ngày mùng 1 Tết.
Nam sinh cho biết chùa Kwan Im Thong Hood nằm ở khu Chinatown, mất khoảng 1 giờ đi tàu. Năm nay, Nguyên đi cùng hội bạn chơi chung, 8h đã có mặt tại chùa. Thời tiết mát mẻ, rất thuận lợi để nhóm du học sinh đi du xuân.
Xuân Nguyên (thứ 2 từ phải sang) cùng nhóm bạn đi chùa Kwan Im Thong Hood tại Singapore. Ảnh: NVCC. |
"Cũng giống Việt Nam, ngày mùng 1 Tết, rất đông người dân Singapore đi chùa. Nhưng ở đây, người ra không rút quẻ đầu năm như nước mình. Vẫn như mọi năm, mình cầu chúc cho gia đình, mọi người được bình an. Mình cũng cầu năm nay sẽ tìm được việc làm trước khi tốt nghiệp vào tháng 6", Nguyên nói sáng mùng 2, cậu cùng hội bạn sẽ tụ tập ăn uống để mừng năm mới.
Năm nay, Nguyên đã đón cái Tết thứ 3 tại Singapore. Nam sinh cũng đã quen dần với cảm giác nhớ nhà, xa gia đình. Dù vẫn ăn Tết Nguyên đán nhưng theo Nguyên, ngày Tết ở Singapore vẫn giống như ngày lễ bình thường, người dân chỉ được nghỉ 1 ngày. Do vậy, Nguyên không thể sắp xếp về Việt Nam.
Bù lại, cậu thường về thăm nhà vào kỳ nghỉ hè và nghỉ đông. Nhờ vậy, Nguyên cũng vơi bớt nỗi nhớ nhà. Tối 30 Tết, cậu đã cùng hội bạn đi ăn lẩu, thay cho mâm cơm tất niên.
Trước đó, Nguyên đã cùng Hội sinh viên Việt Nam tại Singapore tổ chức sự kiện đón Tết với hơn 100 học sinh, sinh viên tham dự. Các bạn được tham gia làm mứt dừa và gói bánh chưng, đón Tết sớm ngay tại nước bạn.
Sách về nghề giáo
Nếu độc giả có hứng thú với nghề giáo - một nghề nghiệp đặc biệt và đang trải qua những biến động lớn, mục Giáo dục giới thiệu một số lựa chọn:
Xin được nói thẳng (GS Hoàng Tụy) và Ước vọng cho học đường (GS Huỳnh Như Phương): Cuốn sách của hai nhà giáo tiên phong tại Việt Nam với nhiều suy nghĩ và những trăn trở của hai ông về tương lai nền giáo dục nước nhà.
Nghề giáo qua các tác phẩm thiếu nhi nổi tiếng: Tình thầy trò trong các tác phẩm văn chương nổi tiếng khiến độc giả cảm động bởi các nhân vật đã làm được những việc lớn lao, vượt xa chức trách của một giáo viên.