Cách đây vài ngày, chồng tôi ăn bún mắm ốc cua vào buổi trưa và bị đau bụng, tiêu lỏng, sốt, nôn ói. Sau ba ngày nhập viện và điều trị, chồng tôi đã khỏi bệnh. Bác sĩ giải thích nguyên nhân có thể là nắng nóng khiến đồ ăn dễ ôi thiu, vi khuẩn gây bệnh xâm nhập nếu bảo quản không đúng cách. Sau khi ngộ độc thực phẩm, tôi nên cho chồng ăn uống như thế nào để đẩy nhanh tốc độ hồi phục thưa bác sĩ?
Độc giả Thùy Minh, TP.HCM
ThS.BS Huỳnh Hoài Phương - Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM
Trong hầu hết trường hợp, cách tốt nhất để hồi phục sau khi ngộ độc thực phẩm là ngăn ngừa tình trạng mất nước bằng cách bổ sung chất lỏng, chất điện giải. Chất lỏng và thức ăn giúp cơ thể sớm hồi phục sức lực.
Dù cảm giác thèm ăn có thể chưa quay lại, việc ăn uống đúng loại thực phẩm sẽ giúp cơ thể hồi phục nhanh hơn. Lúc này, do nôn mửa và tiêu chảy, cơ thể mất nhiều chất lỏng, dinh dưỡng lẫn chất điện giải.
Một số thực phẩm bổ sung có thể giúp người bệnh lấy lại cảm giác thèm ăn, hồi phục sức lực là nước dừa không thêm đường (vẫn cần ưu tiên nước lọc); các loại trà khử caffeine với thành phần tự nhiên như bạc hà, gừng, hoa cúc… làm dịu dạ dày, giảm viêm và buồn nôn, cấp nước cho cơ thể. Có thể bổ sung pedialyte (nhóm chất điện giải dextrose) để giúp cơ thể hoạt động bình thường, tránh mất nước.
Ngoài ra, bạn có thể thêm vào thực đơn món súp và nước dùng. Nhóm thực phẩm này tốt cho quá trình hydrat hóa của cơ thể. Việc bổ sung các loại thảo mộc chứa chất chống oxy hóa tự nhiên, chống viêm như gừng, thì là, bạc hà, rễ cam thảo… có thể làm dịu dạ dày, hỗ trợ tiêu hóa.
Bên cạnh đó, những loại bánh quy lạt rất thân thiện với dạ dày, đồng thời cung cấp muối giúp cơ thể giữ nước. Người bệnh cũng nên dùng muối sau khi bắt đầu ăn lại.
Chế độ ăn kiêng BRAT (gồm chuối, cơm, táo và bánh mì nướng) góp phần giảm triệu chứng buồn nôn và nôn, đau bụng, tiêu chảy, thúc đẩy cơ thể phục hồi nhanh sau ngộ độc. Những thực phẩm này có vị nhạt và dễ tiêu hóa, hàm lượng tinh bột cao, tăng khả năng kết dính phân, giảm các đợt tiêu chảy kéo dài. Thực phẩm BRAT cũng ít chất cặn, bã nên ở trong dạ dày thời gian ngắn.
Bác sĩ Huỳnh Hoài Phương khám cho người bệnh tại phòng khám Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM. |
Bạn cũng nên lưu ý nhóm thực phẩm cần tránh sau khi ngộ độc, gồm thức ăn cay và béo (khiến dạ dày khó tiêu hóa), thận trọng với sản phẩm từ sữa, men vi sinh; tránh thức ăn mùi nồng vì có thể gây cảm giác buồn nôn hoặc nôn. Người bệnh nên bắt đầu với bữa ăn nhỏ để theo dõi tình trạng dạ dày xử lý thức ăn.
Quan trọng nhất, bạn nên lắng nghe cơ thể, phản ứng của dạ dày để biết thực phẩm nào không nên ăn và điều chỉnh. Mỗi người bệnh sẽ có phản ứng khác nhau với thức ăn. Việc tạm thời chán ăn khi ngộ độc thực phẩm là bình thường. Người bệnh nên ăn trở lại khi cảm thấy thèm ăn, cả lúc tình trạng tiêu chảy vẫn diễn ra; tránh nhịn ăn hoặc tuân theo chế độ ăn kiêng.
Ngộ độc xảy ra do tiêu thụ thực phẩm hoặc nước nhiễm vi khuẩn, virus, ký sinh trùng hay do độc tố từ những sinh vật này. Một số chất gây ô nhiễm phổ biến gồm vi khuẩn salmonella (khi ăn trứng sống), E.coli (do ăn bột mì nhiễm khuẩn E.coli), campylobacter, virus noro, rotavirus, listeria và viêm gan A.
Bạn cũng có thể bị ngộ độc thực phẩm nếu ăn gia cầm, thịt, hải sản chưa nấu chín, uống sữa tươi hay cơm chiên để lâu. Vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm có thể đến từ người xử lý thực phẩm bị nhiễm bệnh, nguồn nước, dao, mặt bàn hoặc thớt. Các triệu chứng ngộ độc thực phẩm phổ biến gồm buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng, nhức đầu hoặc sốt nhẹ, đau cơ.