Theo Sohu, sự việc xảy ra tại Thành phố Tây An, Tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Trong ngày đầu tiên của năm mới, các bác sĩ của ca trực cấp cứu ở Bệnh viện số 1 thuộc Đại học Y khoa Tây An tiếp nhận ca bệnh xuất huyết tiêu hóa rất nặng. Đó là một người đàn ông trung niên với tiền sử xuất huyết tiêu hóa và xơ gan.
Khi vào viện, ông nôn ra máu ồ ạt, mạch nhanh, huyết áp tụt, ý thức lơ mơ và không biểu đạt được gì. Ngay lập tức, bác sĩ trực lãnh đạo hôm đó là Hạ Na chỉ đạo cấp cứu, truyền máu khẩn cấp và duy trì đến khi cầm máu. Bác sĩ cũng cho dùng thuốc cầm máu và chống đông máu kết hợp theo dõi chặt chẽ.
Bác sĩ Hạ cho biết tình trạng bệnh nhân khi đó đã rất nặng, mặc dù tạm thời giữ được tính mạng. Vị trí xuất huyết có kích cỡ khá lớn nên tình trạng chảy máu vẫn diễn ra, dù ít hơn lúc nhập viện. Trong khoảng thời gian sau đó, bệnh nhân còn xuất hiện ngừng tim gián đoạn, bác sĩ phải liên tục túc trực để đối phó.
Bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa hôn mê khi vào viện. Ảnh: Sohu. |
Sau 4 ngày cấp cứu, tình trạng xuất huyết trở nên nặng hơn, dù bệnh nhân không nôn, phân bài tiết ra ngoài có màu đen. Đội ngũ bác sĩ quyết định dùng phương pháp cầm máu qua dụng cụ soi dạ dày. Đây là thủ thuật khó, bệnh nhân hôn mê nên quá trình gây mê cũng tiềm ẩn nhiều biến chứng.
Khi máu đã cầm được, bệnh nhân lại chuyển qua sốt cao, nhiễm khuẩn toàn thân và có dấu hiệu liệt chân trái, tăng áp suất não và khó thở. Mọi triệu chứng cứ dồn vào một lúc bắt buộc sự can thiệp bằng máy thở nội khí quản.
Sáng 5/1, bệnh nhân rơi vào hôn mê sâu, huyết áp và nhịp tim tụt dần và dừng hẳn. Đứng ngoài phòng bệnh, người vợ cùng con gái đau buồn trong nước mắt.
Khi bác sĩ Hạ bước ra khỏi phòng cấp cứu, một giọng nói phụ nữ cất lên: “Bác sĩ, chúng tôi muốn hiến tặng cơ quan...”. Đó là giọng nói vủa vợ người đàn ông vừa mất. Ánh mắt chứa đầy đau thương mất mát nhưng cũng đầy kiên định.
Bác sĩ Hạ ôm nhẹ vai người phụ nữ rồi trả lời: “Được, thay mặt bệnh viện và những người được cứu sau này, cảm ơn nghĩa cử cao đẹp của ông bà, và gia đình. Cảm ơn đã đồng hành và tin tưởng y bác sĩ chúng tôi chiến đấu suốt bốn ngày qua”.
Bệnh viện là nơi kết thúc của nhiều sinh mệnh nhưng cũng là nơi khởi đầu của nhiều cuộc hồi sinh. Nghĩa cử của bệnh nhân và người vợ đáng được trân trọng và tuyên dương.