Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

#FORMAT

Nên dùng thu nhập nhàn rỗi để đầu tư sinh lãi hay trả bớt nợ?

Để chọn giữa việc trả nợ và đầu tư, bạn cần xem xét rất nhiều khía cạnh khác nhau.

nen dau tu hay tra no anh 1nen dau tu hay tra no anh 2

Cách đây nhiều năm, tôi có khoản vay mua nhà ở Anh và đã đối diện với câu hỏi tương tự khi sở hữu thu nhập nhàn rỗi. Tôi tin nhiều người cũng từng phân vân vấn đề này, đặc biệt là người vay tiền mua nhà, mua xe trả góp hay có số dư nợ thẻ tín dụng lớn.

Lúc đó, tôi có 3 lựa chọn: Dùng tiền mua nhà cho thuê, đầu tư cổ phiếu hoặc trả bớt nợ ngân hàng. Tôi đã đưa ra quyết định dựa trên các yếu tố sau:


Yếu tố 1: Bài toán kinh tế - trả nợ hay đầu tư

Yếu tố đầu tiên là lựa chọn trả nợ có lợi hơn hay dùng tiền đầu tư có lợi hơn.

Có nhiều cách tiếp cận để giải quyết bài toán tài chính này, một trong số đó là tính toán chi phí cơ hội.

Giả sử, bạn vay nợ 1 tỷ đồng để mua nhà và trả trong vòng 15 năm, tổng tiền lãi và vốn phải trả trong năm sắp tới là 150 triệu đồng. Nếu đột nhiên bạn nhận được 100 triệu đồng tiền thưởng cuối năm ở công ty, thì bạn có thể cân nhắc:

Thứ nhất, hãy liên hệ ngân hàng để tìm hiểu phương án trả nợ mới, cụ thể bạn sẽ tiết kiệm được bao nhiêu mỗi năm nếu trả sớm 100 triệu đồng này.

Vì mỗi hợp đồng vay mỗi khác, tùy vào phương thức trả vốn gốc như thế nào, cách xác định lãi suất cho vay cố định bao nhiêu năm, lãi suất giai đoạn thả nổi tính ra sao,... nên không có con số duy nhất cho tất cả.

Thứ hai, khi đã xác định số tiền mình tiết kiệm được, ví dụ bạn trả ít hơn 62 triệu đồng trong suốt thời gian trả nợ còn lại (14 năm), bạn có thể tính ra chi phí cơ hội của việc trả sớm.

62 triệu đồng trong 14 năm tương đương việc đầu tư 100 triệu đồng với lãi suất kép xấp xỉ 3,5%/năm.

Như vậy, nếu khoản đầu tư của bạn sinh lợi ít hơn 3,5%/năm, thì bạn nên dùng 100 triệu đồng để trả nợ. Ngược lại, nếu tỷ suất sinh lợi của khoản đầu tư chắc chắn trên 3,5%/năm (trái phiếu chính phủ hoặc lợi nhuận gửi ngân hàng), thì bạn nên đầu tư.

Tuy nhiên, không phải lúc nào trái phiếu chính phủ hay tiền lãi ngân hàng cũng có thể cao hơn mức này.

Một số cơ hội đầu tư khác như cổ phiếu, mua nhà cho thuê,... thường có tỷ suất sinh lợi kỳ vọng cao hơn khá nhiều, bù lại chúng có rủi ro. Nếu thua lỗ, thì bạn có thể mất cả 100 triệu đồng tiền gốc của mình.

Đến đây, vấn đề không còn phụ thuộc vào bài toán kinh tế nữa mà nằm ở tính cách mỗi người.


Yếu tố 2: Lựa chọn cá nhân - ngủ ngon hay dấn thân?

Tôi từng có nhiều buổi nói chuyện với người làm kinh doanh, luật sư, bác sĩ về chủ đề này. Dù câu trả lời không hoàn toàn nghiêng về bên nào, điều đáng ngạc nhiên là không ít người làm kinh doanh lại chọn trả nợ sớm.

"Làm sao anh biết tuần sau, tháng sau, anh không bị bệnh và còn tỉnh táo quản lý khoản đầu tư của mình?", họ giải thích.

Với những người đó, sớm trả nợ là cách giúp họ giảm một mối lo, bởi họ đã đủ bận tâm cho công việc kinh doanh chính.

Tất nhiên, không phải ông chủ nào cũng vậy. Có người đã trả lời rằng có nhiều cơ hội kinh doanh sinh lợi lớn hơn so với phần tiết kiệm lãi suất. Do đó, họ sẵn sàng dấn thân.

Vấn đề là một số rủi ro như Covid-19 hay khủng hoảng nhà năm 2007-2009 nằm ngoài dự liệu đó.

Khi đợt trợ cấp cho người nghỉ giãn việc của chính phủ hoàn toàn kết thúc vào tháng 9, nhiều người cho thuê nhà ở Anh đang lo ngại rằng thị trường nhà sẽ bị ảnh hưởng. Chủ nhà sẽ tổn thất nặng nếu người thuê không còn khả năng trả tiền nhà.

Trả bớt nợ phần nào cho bạn giấc ngủ ngon, nhưng đầu tư, dù có rủi ro, có thể cho bạn "tiền đẻ ra tiền". Quyết định là của bạn.


Yếu tố 3: Bạn đang ở giai đoạn nào của cuộc đời?

Ngoài yếu tố tính cách, một điều tôi học được từ cặp vợ chồng luật sư về hưu ở Anh là ta nên xem xét lứa tuổi và hoàn cảnh của mình.

Người trẻ muốn phấn đấu để tích lũy cho tương lai thường có xu hướng chọn con đường có rủi ro cao. Trong khi đó, người gần nghỉ hưu thường cân nhắc quyết định có tính an toàn, chú trọng bảo toàn đồng vốn để tâm trí thảnh thơi.

Hoặc, nếu bạn có một sự nghiệp ổn định, có chiều hướng phát triển và còn nhiều khoản tiền nhàn rỗi khác bù đắp khi thua lỗ, thì bạn có điều kiện thuận lợi để chọn các quyết định mạo hiểm hơn một chút.

Về cơ bản, kinh nghiệm ở Việt Nam và nhiều nước cho thấy luôn tồn tại những cơ hội đầu tư sinh lợi tốt, và phần tiết kiệm được từ việc trả sớm nợ gốc thường không lớn như nhiều người tưởng.

Dù vậy, các cơ hội trên luôn đi kèm rủi ro và có thể không suôn sẻ như bạn tính. Điều quan trọng là bạn hiểu bản thân mình đến mức nào để chọn mà không hối hận. Một người bản chất muốn bình yên rất khó để dấn thân mạo hiểm và ngược lại.

Thiên Hân

Đồ họa: Yến Nhi

Bạn có thể quan tâm