Báo cáo từ Daxue Consulting cho thấy nhiều người hiện trì hoãn kế hoạch kết hôn và sinh con vì sự bất ổn do đại dịch đem lại. Trong khi đó, tỷ lệ ly dị lại gia tăng vào thời điểm lệnh phong tỏa kéo dài, gây rạn nứt mối quan hệ trong gia đình.
Số lượng các cặp đăng ký kết hôn ở xứ tỷ dân đã xuống mức thấp kỷ lục vào năm ngoái, với 7,63 triệu đôi. Tỷ suất sinh ở nước này cũng chạm mốc thấp kỷ lục năm 2021 với khoảng 10,62 trẻ ra đời, giảm 11,5% so với năm 2020, theo SCMP.
Trước tình hình này, nhiều doanh nghiệp đã thay đổi định hướng, coi nhóm người độc thân, không muốn kết hôn như khách hàng mục tiêu của mình.
Một số ngành dịch vụ như du lịch, giao đồ ăn, chăm sóc vật nuôi... đang coi những người độc thân như đối tượng khách hàng chủ yếu của mình. Ảnh: Stringer. |
Các dịch vụ giao đồ ăn, ứng dụng hẹn hò, hoạt động liên quan tới sức khỏe được dự báo sẽ hưởng lợi từ sự thay đổi này. Ngoài ra, ngành công nghiệp vật nuôi dự kiến sẽ phát triển mạnh mẽ do ngày càng nhiều người chọn nuôi chó, mèo thay vì sinh con.
Bên cạnh đó, các phương tiện di chuyển và chương trình du lịch cũng ưu tiên cho những khách hàng độc thân hơn.
"Thị trường tiêu dùng sẽ có sự phân khúc sâu sắc, các sản phẩm và dịch vụ ngày càng cá nhân hóa và giá thành hợp lý hơn", Pan Wang, giảng viên về nghiên cứu Trung Quốc và Châu Á của ĐH New South Wales, nói với công ty tư vấn Sensing Asia.
Cô cho biết thêm rằng Trung Quốc sẽ đi theo định hướng tương tự Nhật Bản, bao gồm việc phát triển các chatbot AI cho người độc thân để giảm bớt sự cô đơn của họ.
Báo cáo của Daxue Consulting cũng nhấn mạnh rằng phụ nữ độc thân được xem là động lực chính của nền kinh tế do họ có xu hướng chi tiêu nhiều hơn cho mình.
Hơn thế, họ cũng giảm hứng thú với việc kết hôn, sinh con để tập trung phát triển sự nghiệp.
Phụ nữ trẻ ở xứ tỷ dân ngày càng chi nhiều tiền hơn cho bản thân. Ảnh: Thomas Peter. |
Số liệu từ website việc làm Zhaopin chỉ ra thu nhập trung bình hàng tháng của nữ giới đã tăng 30% so với 5 năm trước, cao hơn 8% so với nam giới.
Những sản phẩm được khách hàng nữ ưa chuộng trên các nền tảng thương mại điện tử tính đến tháng 1/2022 thuộc các danh mục chăm sóc da, thiết bị nhà bếp, đồ ăn nhẹ và nấu sẵn.
"Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy phụ nữ đang thay đổi quan điểm sống, thiên về việc chăm sóc bản thân và độc lập tài chính. Họ thường chi tiêu cho mình hay bố mẹ, bởi điều này giúp họ nâng cao tinh thần và hài lòng với lối sống độc thân", Liu Chi-ling, giảng viên tại ĐH Lancaster, chia sẻ với The Conversation.
Nhà xã hội học Mu Zheng không ngạc nhiên trước sự gia tăng của xu hướng này.
“Phụ nữ muốn khẳng định sự tự túc, độc lập để chứng tỏ rằng hạnh phúc và chất lượng cuộc sống không cần phụ thuộc vào hôn nhân hay bất kỳ ai khác. ‘Khoe’ là cách hữu hiệu để họ khẳng định lập trường và thái độ của mình”.