Dù con bạn mới 5 hay 15 tuổi, sẽ có những lúc các con không muốn đến trường do lười học, lo lắng hoặc cảm thấy kiệt sức. Nếu chuyện này chỉ xảy ra một vài lần, đó chỉ là phản ứng bình thường. Nhưng nếu con bạn liên tục né tránh chuyện đi học, hoặc cứ nhắc đến chuyện đi học là lại khóc, có thể con đang gặp vấn đề nghiêm trọng hơn. Theo bác sĩ Jenn Mann, việc con né tránh trường học có thể là do con gặp vấn đề về cảm xúc, giao tiếp xã hội hoặc bị bắt nạt. Dưới đây là một số lưu ý dành cho cha mẹ nếu con phản ứng dữ dội với việc đi học. Ảnh minh họa: Duy Hiệu. |
1. Tôn trọng cảm xúc của con: Trẻ nhỏ cũng giống như người lớn, sẽ phải trải qua những ngày tồi tệ. Nếu con liên tục phàn nàn về trường học và khóc khi phải tới lớp, bạn không nên xem nhẹ, cũng không nên quát mắng con. Việc con né tránh trường học có thể do nhiều yếu tố như cảm thấy lo lắng vì thay đổi môi trường học, không bắt kịp chương trình trên lớp, mất kết nối với bạn bè, giáo viên... Dù lý do là gì, bạn cũng cần quan tâm những phản ứng và tôn trọng cảm xúc của con, từ đó tìm hướng giải quyết. Ảnh minh họa: Duy Hiệu. |
2. Nhận biết nỗi sợ của con: Người lớn vẫn thường cho rằng đi học là chuyện nhẹ nhàng, nhưng với trẻ, học tập ở trường là thử thách và đôi khi là ác mộng. Vì vậy, nếu con bạn vừa kết thúc kỳ nghỉ và cảm thấy khủng hoảng khi nhắc đến chuyện đi học, bạn nên trò chuyện với con để biết con sợ điều gì, vì sao con không muốn tới trường. Ảnh minh họa: Khương Nguyễn. |
3. Đánh giá tình hình: Con bạn có thể đang lo lắng về một vấn đề cụ thể nào đó, nhưng lại không thể hiểu hoặc không diễn đạt được điều đó. Trong trường hợp này, nhiệm vụ của cha mẹ là quan sát, trò chuyện để dẫn dắt con nói ra vấn đề của bản thân. Bạn có thể dẫn dắt bằng cách liên kết với các sự kiện ở trường, đồng thời tạo cho con cảm giác là mình đang được lắng nghe để con thoải mái nói ra mọi vấn đề. Ảnh minh họa: Duy Hiệu. |
4. Cùng con giải quyết vấn đề: Sau khi biết nguyên nhân con không muốn đến trường, bạn nên xử lý ngay lập tức. Trong trường hợp con gặp khó khăn với việc học, bạn nên hỗ trợ con ôn lại bài và tránh ép con làm quá nhiều bài tập. Nếu con khóc, không muốn đi học vì nhớ bố mẹ, bạn có thể cho con mang theo ảnh chụp gia đình hoặc một món đồ của bố mẹ để con cảm thấy yên tâm hơn. Giả sử con bị bắt nạt, bạn cần trao đổi ngay với giáo viên để có hướng xử lý tận gốc, tránh để lại bóng ma tâm lý cho con. Ảnh minh họa: Duy Hiệu. |
5. Trao đổi với giáo viên của con: Ngoài việc cùng con xử lý vấn đề, cha mẹ cũng nên trao đổi rõ ràng với giáo viên chủ nhiệm để biết con ở lớp như thế nào, có hành vi nào đáng chú ý hay không. Bạn cũng có thể nhờ giáo viên gợi ý một số phương pháp phù hợp vì giáo viên là người tiếp xúc với con thường xuyên, cũng rất hiểu tâm lý trẻ nên có thể đưa ra những lời khuyên hữu ích, giúp con hòa nhập với lớp học trở lại. Ảnh minh họa: Khương Nguyễn. |
Nếu con vẫn liên tục từ chối đi học, không ngừng khóc hoặc có những biểu hiện lạ, bạn nên liên hệ với bác sĩ nhi khoa hoặc chuyên viên tư vấn tâm lý để được hỗ trợ. Theo Parents, Học viện Tâm thần Trẻ em và Thanh thiếu niên tại Mỹ đề xuất bạn nên tìm đến chuyên gia nếu con có một trong các biểu hiện như: Thường xuyên gặp ác mộng, bị điểm kém dù sức học tốt, có thái độ chống đối, thường xuyên phàn nàn về việc bị thương, bất ngờ nổi giận, từ chối tham gia các hoạt động yêu thích... Ảnh minh họa: Khương Nguyễn. |
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0.
Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.
TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.