Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Nên thông cảm việc quán bắt khách gọi thêm đồ vì ngồi lâu'

Với một quốc gia có văn hóa "uống cà phê ngồi lâu" như Việt Nam, nhiều quan điểm cho rằng các quán nên áp dụng thêm những quy định về thời gian.

Gần đây, câu chuyện một quán cà phê yêu cầu khách gọi thêm đồ sau khoảng một giờ ngồi làm việc đã gây nhiều chú ý trên mạng xã hội. Khi cuộc tranh cãi nổ ra, dân mạng đã chia làm 2 luồng dư luận.

Một phía nhận xét khách hàng nên chú ý về thời gian ngồi cũng như số lượng đồ uống đã gọi để tránh "gọi quá ít nhưng ngồi quá lâu". Số khác lại nghĩ khi khách hàng đã gọi đồ, họ xứng đáng nhận được sự phục vụ tận tâm bất chấp thời gian.

Văn hóa ngồi lâu

Trả lời Zing, blogger Nguyễn Lan Uyên, tác giả cuốn Hậu duệ Pharaon, Aokigahara - Biển cây thinh lặng, nhận xét thói quen uống cà phê ở Việt Nam có thể chia làm nhiều dạng như ngồi cà phê đọc báo sáng, ngồi cà phê làm việc, ngồi cà phê lướt web...

Tùy mục đích, những buổi ngồi cà phê có thể kéo dài từ 30-40 phút cho tới vài giờ.

"Tôi nghĩ điều các chủ quán sợ nhất là khi khách mở laptop và xin cắm nhờ dây điện. Ngày nay, nhiều quán cà phê workshop mở ra để phục vụ nhu cầu làm việc của khách hàng. Cũng từ đó, thời gian ngồi cà phê của người Việt cũng lâu hơn, có khi kéo dài tới 3-4 giờ", Lan Uyên chia sẻ.

highlands duoi khach anh 1

Blogger Lan Uyên nói ngồi cà phê lâu là nét văn hóa đặc trưng của Việt Nam. Ảnh: NVCC.

Tác giả này nói đó là một nét "rất Việt Nam" - một đất nước mà danh tiếng của cà phê đã phủ khắp thế giới.

Tuy nhiên, nét đặc trưng này đôi khi khiến nhiều quán cảm thấy khó xử. Cô dẫn chứng vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, các quán cà phê (đặc biệt ở những thành phố lớn và trang bị điều hòa) luôn đông đúc, không có chỗ ngồi.

"Mọi thứ quán đều phải chi trả bằng tiền, từ điện, nước, mặt bằng, nhân viên, thuế, phí và dĩ nhiên cả chỗ ngồi. Do đó, tôi nghĩ phương án yêu cầu gọi thêm đồ uống nếu ngồi quá lâu là cần thiết.

Một số người sẽ vui vẻ chấp nhận. Nhưng chắc chắn sẽ có những khách nhanh chóng tẩy chay, đánh giá 1 sao và tìm quán cà phê khác", Lan Uyên cho hay.

Vì đã đi qua nhiều quốc gia, Lan Uyên cho biết cô thấy văn hóa cà phê ngồi lâu không hiếm. Tuy nhiên, cô thừa nhận việc ngồi 3-4 giờ bên cốc cà phê chỉ để tán gẫu có lẽ chỉ xuất hiện ở Việt Nam. Lý do bởi ở các quốc gia khác, họ không có văn hóa "trà đá miễn phí".

highlands duoi khach anh 2

Người Việt thích làm đủ thứ ở không gian như quán cà phê. Ảnh: Phạm Thắng.

"Tôi nghĩ ít nơi có nét văn hóa cà phê đặc biệt như Việt Nam. Một người có thể uống nhiều cốc cà phê mỗi ngày. Chúng ta làm gì cũng bên cốc cà phê, thậm chí kể cả khi không làm gì. Nhưng làm gì thì làm, người Việt luôn chọn những không gian đậm chất quán cà phê.

Điều này khác ở nước ngoài. Họ ít có thói quen thế. Người nước ngoài thường chọn uống cà phê để làm việc trong không gian riêng tư, yên tĩnh, dễ tập trung như ở nhà, nơi làm việc. Tôi nghĩ các khách hàng hiện đại cũng nên thông cảm cho quán, đặc biệt ở thời điểm khó khăn như lúc này", Lan Uyên nói.

Câu chuyện từ nước ngoài

Lý Thành Cơ, blogger du lịch, nhận xét việc ngồi cà phê 3-4 giờ không lạ ở Việt Nam. Bản thân anh cũng từng ngồi cà phê làm việc 6-8 giờ. Blogger này cho biết vấn đề quy định thời gian không phải chuyện lớn nhưng còn tùy vào cách hành xử với khách hàng.

Anh kể với Zing câu chuyện từng gặp khi ở Paris. Đó là khi anh cùng nhóm bạn dùng bữa tại một nhà hàng đồ ăn nhẹ trên đại lộ Haussmann.

"Quán khi ấy không đông nhưng nhân viên phục vụ báo trước chỉ được ngồi tối đa 2 giờ. Nếu muốn ngồi lâu hơn, khách hàng sẽ phải gọi thêm", anh chia sẻ.

highlands duoi khach anh 3

Blogger Lý Thành Cơ cũng là người thích làm việc ở những quán cà phê. Ảnh: NVCC.

Theo quan điểm của blogger này, việc quy định thời gian trong giờ cao điểm có thể áp dụng ở Việt Nam. Tuy nhiên, quán cần báo trước cho khách. Việc không quy định rõ mà bắt khách gọi đồ thêm không hợp lý.

"Chẳng khác nào quán đang bảo khách hàng không được chào đón ở đây", anh nói.

Phóng viên cũng đã trò chuyện thêm với một số người Việt ở nước ngoài về vấn đề quy định thời gian ngồi cà phê. Đa số chia sẻ ở nước ngoài không có quy định về thời gian. Tuy nhiên, ý thức khách hàng cũng rất quan trọng.

Nguyễn Hoàng Thiện Khang, du học sinh Australia, cho biết cà phê ở nước này không phổ biến như Việt Nam. Tuy nhiên, họ cũng có văn hóa hàng quán cà phê kết hợp hàng quán ăn trưa khá thịnh hành.

Người dân thường dùng cà phê xong sẽ đi luôn chứ không có xu hướng la cà. Trong trường hợp khách ngồi quá lâu và quán thiếu bàn, nhân viên sẽ lịch sự ra ngỏ ý.

"Bản thân mình luôn chú ý gọi thêm đồ nếu ngồi quá lâu nhưng không phải khách nào cũng như vậy. Dưới góc độ chủ quán, doanh nghiệp, mình hiểu tại sao họ phải giới hạn thời gian. Tuy nhiên, họ nên thực hiện khéo léo, không làm mất lòng khách", Khang cho biết.

highlands duoi khach anh 4

Nhiều nơi ở nước ngoài không quy định thời gian ngồi của khách uống cà phê. Ảnh: UNY.

Trần Diệu Linh, du học sinh Nhật hiện sống ở Fukui, nhận xét người dân xứ anh đào rất lịch sự. Do đó, không có việc họ yêu cầu khách phải mua thêm đồ hay rời khỏi quán nếu ngồi lâu.

Cô nói: "Nhiều người cũng ra quán cà phê làm việc khá lâu nhưng cũng không có chuyện bị đuổi khéo. Trong trường hợp quán chỉ cho khách ngồi một giờ rồi nhắc khéo, tôi thấy không ổn".

Trong khi đó, Phạm Thị Diệu Linh, hiện làm việc ở Vancouver (Canada), nói cô không thấy người dân tại nước này có văn hóa ngồi lâu như Việt Nam. Dù không giới hạn thời gian, đa số đều có ý thức tự rời đi chứ ít người ngồi tới 2-4 giờ.

"Tôi cũng từng mở quán cà phê và muốn giới hạn thời gian. Quán mình nhỏ nên khách nào ngồi từ sáng tới chiều còn ai vào nữa. Tuy nhiên, với những cửa hàng thuộc chuỗi lớn thì không nên", cô nêu quan điểm.

Ăn hết 38 USD, 'boa' cho nhân viên 16.000 USD

Nhân viên phục vụ bất ngờ khi nhận được số tiền tip khổng lồ từ vị khách bí ẩn.

Lâm Đồng có gì ngoài Đà Lạt?

Rời trung tâm Đà Lạt, du khách có thể trải nghiệm nhiều cảnh quan hoang sơ và các hoạt động thú vị khác của Lâm Đồng.

Anh Tú

Bạn có thể quan tâm