Những món ăn vẫn theo chân chúng ta vào mỗi buổi sáng trước khi vào lớp hay đi làm tưởng chừng quá thân thuộc và không lấy gì làm đặc biệt lại đang góp phần không nhỏ tạo nên văn hóa đa dạng cho ẩm thực Sài thành.
Sài Gòn và những bữa sáng “ba miền”
Là trung tâm văn hóa và dịch vụ của cả nước, thành phố “sinh sau đẻ muộn” Hồ Chí Minh có đặc trưng là quy tụ mọi tinh anh của văn hóa ba miền, và ẩm thực là một ví dụ điển hình.
Từ lâu, người Sài thành đã có cho mình nhiều sự lựa chọn tùy vào điều kiện làm việc, kinh tế lẫn khẩu vị cho bữa ăn quan trọng nhất trong ngày – bữa sáng.
Ngoài những đặc sản gắn chặt với miền Nam sông nước, hình ảnh các hàng bún phở theo phong cách miền Bắc hay bánh nậm, bánh bèo đậm chất Trung Bộ chuyên phục vụ bữa sáng cũng dần trở nên quen thuộc với người dân Sài Gòn.
Có thể nói, lượn một vòng các món ăn sáng ở Sài Gòn, ta phần nào nắm được đặc trưng của ẩm thực khắp ba miền Bắc – Trung – Nam.
Người Sài Gòn vốn bận rộn, nên món ăn cũng gọn nhẹ để tiện cho vào hộp giấy đem đi. Các món khô như xôi, cơm, bánh mì… gắn liền với hình ảnh học sinh hay công nhân viên trước giờ đi học, đi làm.
Thế nhưng không phải ở Sài Gòn không có những bữa sáng chậm rãi và đầy phong vị “trà dư hậu tửu”. Với một số người thuộc cơ quan nhà nước hay tư nhân có giờ vào làm muộn, hoặc với bộ phận kinh doanh tư nhân không bị bó buộc giờ giấc, việc “cà phê cà pháo” sau bữa sáng là chuyện khá quen thuộc. Cùng nhau lai rai chuyện đầu ngày bên phin cà phê thơm nức sau bữa sáng thịnh soạn là phong các sinh hoạt gắn bó với không ít người dân Sài Gòn.
Cơm tấm
Cơm tấm là đặc sản chính gốc miền Nam, ngày nay đã lan rộng và “thống lĩnh” khắp ba miền cho tới hải ngoại. Tuy nhiên, chỉ ở Sài Gòn, cơm tấm mới giữ nguyên mùi vị đặc trưng nhất của mình. Cái chính của món cơm là gạo tấm giòn giòn khô khô còn được gọi là gạo bể, vốn là gạo thứ phẩm rớt vãi sau khi sàng, nhưng khi kết hợp với các nguyên liệu khác nhau thì lại tạo ra món ăn nhà nghèo ngon tuyệt.
Nhắc đến món cơm giản dị này, người ta hay nhớ đến cơm tấm ăn với sườn bì hay bì chả, song cái ngon đặc trưng có lẽ chính là nước mắm và mỡ hành. Nước mắm chua ngọt cay đặc sắc cùng chút tóp mỡ phi hành thơm giòn beo béo đã làm dậy mùi cho gạo tấm. Thịt heo, nước gia vị, chả trứng, bì heo cùng dưa leo, đồ chua là bước cuối cùng để hoàn tất một đĩa cơm tấm hấp dẫn.
Cơm tấm hội tụ đầy đủ chất bột, đạm, xơ cần thiết cho một bữa ăn đầu ngày. Hương vị đa dạng chua cay mặn ngọt cộng với màu sắc rực rỡ từ rau và thịt làm món cơm này trở thành lựa chọn hàng đầu cho bữa sáng của người Sài Gòn.
Ngày nay, cơm tấm có nhiều biến thể như gạo tấm với chả chiên, nem lụi, thịt kho… nhưng đặc sắc có lẽ vẫn là đĩa cơm tấm truyền thống cùng công thức nước mắm, mỡ hành, thịt, chả, đặc biệt với một quả trứng ốp la vừa chín tới lại càng tuyệt vời.
Bánh mì thịt
Du nhập vào Sài Gòn từ năm 1958, có lẽ chiếc bánh mì “ngoại lai” baguette của Pháp không ngờ rằng mình sẽ trở thành một trong những món ăn đậm chất Việt Nam như hiện nay. Có phần vỏ kiểu châu Âu đi cùng nguyên liệu cũng phương Tây không kém như bơ, pa tê, thịt nguội, thịt hun khói… nhưng bánh mì Sài Gòn còn có thêm chả lụa và đặc biệt là đồ chua mang hương vị Á Đông đặc trưng.
Vị chua chua ngọt ngọt, thoảng chút cay nồng từ đồ chua là sự cân bằng hoàn hảo với lượng thịt mỡ màng bên trong bánh, khiến bánh mì kẹp thịt vẫn được xem là món ăn vừa giản tiện lại vừa bổ dưỡng cho bữa sáng.
Ở Sài Gòn, ngoài bánh mì kẹp thịt chả thường thấy, còn có đủ loại bánh mì kẹp khác mà thú vị nhất có lẽ là bánh mì bì. Bì heo giòn thái nhuyễn cùng thịt nạc cắt lát tạo cảm giác thanh nhẹ hơn pate, thịt nguội, nguyên liệu đơn giản cho giá thành rẻ và phù hợp với tầng lớp lao động bình dân. Dù vậy, vị thơm ngon lạ miệng của bánh mì bì vẫn hấp dẫn đủ mọi tầng lớp, và đặc biệt là được “cộp mác” bữa sáng Sài thành không nhầm lẫn với bất cứ đâu.
Bún bò
Vốn xuất thân từ miền Trung, bún bò mau chóng được người Sài Gòn ưa chuộng bởi cùng chia sẻ đặc trưng hương vị đậm đà của ẩm thực nơi đây. Bún bò Huế được ăn khắp ba bữa trong ngày, nhưng bữa sáng và trưa là phổ biến hơn cả.
Sau khi được du nhập vào miền Nam, nước lèo của bún được giảm bớt độ cay và tăng thêm độ ngọt, đặc biệt hơn cả là thành phần giò heo được thêm vào làm tăng độ “thịnh soạn” cho món ăn cũng như chút béo ngọt ưa thích trong khẩu vị miền Nam.
Bò kho
Thoạt nhìn, bò kho khá giống với các món ragu hay cà ri của phương Tây, nhưng thực chất món ăn sáng gần gũi này lại có phong cách hoàn toàn khác.
Đặc trưng của bò kho là sự nhẹ nhàng hơn hẳn cà ri về kết cấu lẫn mùi vị. Nước bò kho trong, lỏng hơn cà ri, gia vị nêm nếm cũng giảm lượng đi nhiều. Mùi thơm của bò kho được tạo ra từ những nguyên liệu rất Việt Nam cùng hương điều ngọt ngọt đúng khẩu vị miền Nam, khiến món ăn đậm đà vừa đủ để quyến rũ người dân Sài thành.
Vì nước bò kho khá lỏng nên ngoài ăn kèm với bánh mì, bò kho còn dùng để ăn với cơm hoặc chan với bún. Bún bò kho chính là phiên bản bún bò miền Trung được Sài Gòn hóa một cách độc đáo, thú vị.
Bánh ướt, bánh cuốn
Bữa sáng Sài Gòn không chỉ có âm hưởng miền Trung mà còn cả phong vị xứ Bắc. Ngoài phở là món ăn “quốc hồn quốc túy” quá quen thuộc, phải kể đến dĩa bánh ướt, bánh cuốn du nhập từ phương Bắc đã được người Sài Gòn biến tấu mới lạ vô cùng.
Khác với bánh cuốn, bánh ướt ngoài Bắc thường tráng mỏng, bên trong có nhân thịt ăn kèm với ít hành phi và chả quế, bánh cuốn và bánh ướt Sài Gòn ít nhiều ảnh hưởng từ công thức của cộng đồng người Hoa tại đây. Bánh không dát mỏng mà tạo thành khối vuông nhỏ, nước mắm cà cuống được thay bằng nước mắm chua ngọt cùng ớt tươi. Ngoài giò chả quen thuộc còn có thêm nhân nem chua và bánh đậu đặc trưng, với phần nhân khoai môn và vỏ ngoài rán giòn vàng ươm.
Chúng ta có lẽ đều quá quen tai với câu nói bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày, nhưng ngoài giá trị dinh dưỡng, bữa sáng ở Sài Gòn nói riêng và mọi miền nói chung đều còn có vai trò giữ gìn những đặc trưng ẩm thực của từng vùng đất. Bởi có lẽ không dịp nào thích hợp để thể hiện những tinh hoa ẩm thực hơn là một bữa sáng thơm ngon.