Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nếu có thêm một lần để sống, mẹ còn muốn là mẹ của con?

"Mẹ à, nếu được sống thêm một lần, mẹ còn muốn là mẹ của con? Một đứa con trai không thể đi lại, vệ sinh cá nhân cũng phải đợi mẹ", chàng nhạc sĩ bại não viết.

ngay quoc te phu nu anh 1

 

V

ũ Quốc Hùng (24 tuổi, nghệ danh Thiên Ngôn) được nhiều người biết đến như chàng nhạc sĩ bại não giàu nghị lực. 9X Hà thành từng muốn biến mất khỏi cuộc đời vì khiếm khuyết từ nhỏ.

Thế nhưng, nhờ có tình yêu thương, những bài học của mẹ, anh đã sống có ích với lời dạy: "Dù không thể đi bằng đôi chân co quắp của mình, con còn đôi mắt sáng để nhìn về nơi mình muốn đến".

Mẹ luôn là người phụ nữ tuyệt vời nhất, yêu thương, hy sinh vô điều kiện cho con cái. Với những người bình thường, họ có thể phụng dưỡng cha mẹ theo nhiều cách bình thường, đơn giản mà họ muốn.

Song với Quốc Hùng, anh không thể đi đứng hay tự mua hoa tặng mẹ như bao người. Chàng trai chỉ có thể gửi gắm tình cảm của mình vào lá thư nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3.

ngay quoc te phu nu anh 2
 

"Ngày ước mơ, tháng giá như, năm mong chờ…

Chiều nay, con thấy cậu bạn nhà bên tay ôm một bó hoa rất đẹp. Con chợt biết tháng 3 đã tới, một cách thật ý tứ, như để mẹ khỏi tủi thân trước những vạt nắng đầy.

Con trai nhà người ta, có thể chạy đi mua hoa, có thể ôm chầm lấy mẹ. Con thì không! Mẹ à, mẹ có mệt lắm không?

24 năm qua, năm nay, và thêm cả nhiều năm sau này nữa, mẹ sẽ vẫn tiếp tục cho con ăn, cho con tắm, mắc màn cho con ngủ. Mọi bà mẹ đều đang tận hưởng cuộc sống, còn mẹ thì duy trì nó.

Con nhà người ta trưởng thành, giàu có, phụng dưỡng mẹ cha, bôn ba tứ phương rồi trở về nhổ ngọn tóc sâu, nắn đôi chân trần của mẹ. Con thì không…

Thật khó để tưởng tượng, 24 năm trước, khi con chào đời, mẹ đã thất vọng và đau lòng đến thế nào. Chẳng phải mẹ rất thích công việc kế toán ở công ty đó sao?

Nghỉ làm để chăm bẵm đứa con trai mắc chứng bại não bẩm sinh, mẹ có nuối tiếc nhiều không? Con trai nhà người ta đào hoa, tương lai xán lạn, tuổi trẻ nỗ lực chạm đến vinh quang. Con thì không…

Mẹ ơi! Nếu có thể mẹ đừng vĩ đại như thế có được không? Con chưa bao giờ thích thú nhìn những tấm hình hồi nhỏ, chúng chỉ gợi nhắc lại thời điểm con biết mình khác thường. Còn mẹ thì luôn mỉm cười khi ngắm nghía chúng.

Người ta nhìn con cảm thấy thương hại cỡ nào, mẹ cũng nói một câu rất tự hào: “Hùng nhìn vậy thôi, nhanh trí lắm, có thể ngồi vững và chơi đàn giỏi, với mẹ thế là tốt lắm rồi!”.

Con từng rất muốn biến mất, bởi phía trước chỉ toàn màu đen xám. Mẹ là người giáo viên duy nhất trong đời dạy con ý nghĩa của sự sống, rằng có mặt trên Trái Đất này, được thấy mây xanh nắng vàng, đó chính là cơ hội, rằng con không thể đi bằng đôi chân co quắp của mình, nhưng con còn đôi mắt sáng để nhìn về nơi mình muốn đến.

Mẹ dạy con bài học về sự lựa chọn. Con không được phép chọn giữa sống và tồn tại, con phải có ích. Con không được phép chọn giữa tiếp tục hay buông xuôi, con phải hết mình. Con cũng không được phép chọn giữa sự thật hay giả dối, con phải chân thành.

Có lần, lúc con mặc cảm nhất, con đã nghĩ đằng nào chẳng chết, chỉ là sớm hay muộn, sao lại phải ăn cơm tối, sao phải vì một cuộc tình mà chết đi sống lại, sao phải đấu tranh đến mệt nhoài đòi vinh hoa.

Sau này, có âm nhạc rồi, có bạn bè gần xa, con mới hiểu vì sao mẹ và cha luôn kiên trì chữa chạy cho con đến vậy.

Con bây giờ rất đam mê sáng tác, nuôi một hạt mầm hy vọng để gieo vào nốt trầm nốt bổng, bán dăm ba tình khúc góp mấy đồng. Bao năm nay, nỗ lực của con có thấm thoát gì những dãi dầu và can trường của mẹ.

Mẹ à, nếu được sống thêm một lần nữa, mẹ còn muốn là mẹ của con không? Một đứa con trai không thể đi lại, ngay cả việc ăn uống, vệ sinh cá nhân cũng phải đợi mẹ.

Mẹ à, nếu thời gian quay ngược, mẹ còn muốn là mẹ của con không? Cậu bé cứ lết từng mét vuông gạch, chưa bao giờ có thể hát cho mẹ nghe, vỗ về tấm lưng của mẹ. Hôm qua, hôm nay và cả những năm dài tháng rộng phía trước... đều không thể làm gì cho mẹ.

Mẹ ơi, nếu mẹ từ chối, chắc con sẽ bơ vơ lắm đấy. Con sẽ lớn lên và ngủ ở đâu nhỉ?

Ai sẽ thay mẹ thương con, hả mẹ? Nhưng con không giận đâu. Nhìn mẹ tảo tần, tim con thắt nghẹt! Mẹ yêu! Con có một trái tim không tật nguyền. Nó lành lặn hơn cơ thể thiếu sót của con.

Ở trái tim đó, có mẹ, trìu mến và vĩnh hằng!".

ngay quoc te phu nu anh 3
Từ nhỏ, Quốc Hùng đã mắc chứng bại não, không được bình thường như bạn bè đồng trang lứa.

Bức thư Quốc Hùng tặng mẹ chất chứa nhiều tình cảm mà ngày thường anh không nói thành lời với mẹ. Đó là sự biết ơn của người con không lành lặn với sự hy sinh to lớn của người mẹ vĩ đại.

Hùng cho hay từ nhỏ, mọi việc 9X đều phụ thuộc vào mẹ, từ ăn uống đến vệ sinh cá nhân.

“Sau khi thấy mình mắc bệnh, mẹ đã nghỉ việc và ở nhà chăm sóc, chạy chữa cho mình từ đó cho đến giờ. Mẹ chưa bao giờ tỏ ra buồn phiền trước mặt mình. Mình rất biết ơn vì đã được sinh ra làm con của mẹ”, chàng nhạc sĩ bại não tâm sự.

Thiên Ngôn là chủ nhân hàng loạt ca khúc như Đừng bắt em phải quên, Em muốn quên (Miu Lê), Dù không là định mệnh (Minh Vương M4U), Hạnh phúc của anh (Tăng Nhật Tuệ), Người đứng sau em, Anh vẫn quen có em (Hồng Dương M4U), Nụ cười hạnh phúc (Vũ Duy Khánh)...

Để tạo nên các bản tình ca ngọt ngào ấy, chàng nhạc sĩ đã phải gồng mình, dùng hết sức nâng những ngón tay, ngón chân, rồi chật vật, đầm đìa mồ hôi với phím đàn.

Quốc Hùng cho biết mẹ chính là nguồn động viên to lớn giúp anh có cảm hứng sáng tác, vươn lên trong cuộc sống.

Điều ước của chàng nhạc sĩ bại não Thiên Ngôn đã vượt qua nghịch cảnh, chiến thắng sự nghiệt ngã của số phận để hiện thực hóa ước mơ trở thành nhạc sĩ tài ba.

Chuyện tình của vợ chồng câm điếc bẩm sinh

Gặp nhau tại lớp học nghề, Vân Anh và Xuân Tùng thấu hiểu hoàn cảnh đôi bên và nảy sinh tình cảm. Chuyện tình của họ khiến nhiều người ngưỡng mộ.

Hàn Triệt

Đồ họa: Phượng Nguyễn

Bạn có thể quan tâm