Thay vì thuê kiến trúc sư (KTS) hoặc đơn vị thiết kế chuyên nghiệp, nhiều người trẻ lựa chọn tự chỉnh sửa và trang trí nơi ở của mình.
Theo họ, đây là cách tiết kiệm hơn để có được căn nhà như ý muốn. Ngoài ra, một số thích trải nghiệm cảm giác tự tay chăm chút cho nhà cửa, thỏa sức sức sáng tạo trong không gian sống.
Tuy vậy, quá trình tự tay làm nhà không chỉ có thuận lợi. Không ít người vướng khó khăn về ý tưởng, cách thức thi công và chi phí.
Zing trò chuyện cùng 4 người trẻ để lắng nghe câu chuyện, bài học của mỗi người khi tự mình chỉnh trang căn nhà mơ ước.
Tự bắt tay vào sửa nhà
Đạt Bùi (28 tuổi, Hà Nội): Năm 2021, tôi bắt tay vào thiết kế, sửa chữa lại căn chung cư rộng 90 m2 mà cha mẹ mua cách đây 10 năm. Căn hộ này xuống cấp khá trầm trọng, đồ nội thất cũng cũ kỹ, hư hỏng. Tôi xác định làm mới toàn bộ không gian.
Thú thực, ngân sách không có nhiều, tôi không tìm KTS mà tự thuê thợ để làm theo ý tưởng cá nhân. Sau cùng, tôi tiêu tốn khoảng 300 triệu đồng để có được căn nhà theo phong cách Hàn Quốc. Tôi cho đây là mức giá khá tiết kiệm.
Căn hộ cũ của gia đình được Đạt làm mới theo phong cách Hàn Quốc. |
Quyên Trần (28 tuổi, quận Phú Nhuận, TP.HCM): Vợ chồng tôi mua căn chung cư rộng 75 m2, nơi này mới chỉ có khung thô, chưa gồm nội thất. Đầu năm 2022, chúng tôi bàn nhau tự trang trí lại căn nhà, một phần nhằm tiết kiệm chi phí, phần khác muốn thỏa sức sáng tạo những gì mình muốn.
Chúng tôi pha trộn phong cách Minimalism (tối giản) và Modern Farmhouse (đồng quê châu Âu). Hai đứa tìm tòi từng món nội thất, tính toán bố cục, màu sắc, ánh sáng và từng chi tiết nhỏ nhất như chiếc khung tranh, cây xanh bày trí...
Vợ chồng tôi thích nấu ăn nên ưu tiên phần lớn không gian cho khu bếp rộng, có đảo bếp, vừa đủ cho ít nhất 2 người cùng nấu nướng với nhau.
Trần Nam (30 tuổi, Hà Nội): Năm 2015, tôi thuê thợ đập thông khu nhà cũ của gia đình và cải tạo thành "chung cư mặt đất".
Tất nhiên, tôi muốn thuê KTS để có được kết quả ổn định, đẹp mắt nhất. Nhưng vì chi phí có hạn, tôi lại tự mày mò và thiết kế toàn bộ không gian. Số tiền tiết kiệm được, tôi sẽ đầu cho cho phần nội thất gỗ, lựa chọn loại tốt để dùng lâu bền.
Trần Nam tự cải tạo khu nhà cũ theo tiêu chí đơn giản, tiết kiệm. |
Nguyễn Tiến Dũng (34 tuổi, Hà Nội): Vài năm trước, vợ chồng tôi xây ngôi nhà một trệt, một lửng với tổng diện tích sử dụng khoảng 100 m2. Chúng tôi chỉ tiêu tốn khoảng một tỷ đồng cho cả việc xây dựng và hoàn thiện nội thất, ai cũng nói là tiết kiệm.
Căn nhà của hai vợ chồng được xây dựng kiểu cơ bản, chúng tôi không cần thuê KTS. Đến công đoạn sơn nhà, chọn vật liệu và lắp đặt nội thất, hai đứa lại tự mày mò. Một phần, tôi và vợ muốn tiết kiệm chi phí nhất có thể. Phần lớn hơn, cả hai yêu thích việc tự tay trang trí, sắp xếp mọi thứ trong căn nhà của mình.
Thay vì mua nội thất bằng gỗ cao cấp, chúng tôi chỉ chọn loại bình dân. Sau nhiều năm, đa số đồ đạc vẫn còn bền và sử dụng tốt.
Vừa làm vừa học
Đạt Bùi: Không có chuyên môn và kinh nghiệm trong lĩnh vực kiến trúc, xây dựng, tôi mất nhiều công sức, thời gian để truyền đạt ý tưởng của mình đến đơn vị thi công.
Ví dụ, tôi mong muốn cửa bếp có hình vòm cong. Nhưng các chú thợ xây không hiểu ý tôi, họ làm phần vòm rất nhỏ, không đạt độ cong như tôi kỳ vọng.
Tôi tiếp tục phải bàn bạc và nhờ làm lại chi tiết này, mất thời gian, công sức của đôi bên.
Ngoài ra, tôi còn gặp khó khăn khi theo đuổi một phong cách thiết kế đến cùng. Khi làm nhà, ai cũng tham khảo nhiều nguồn, thích thú với nhiều mẫu mã khác nhau. Nhưng nếu tham lam, ôm đồm nhiều phong cách, chúng ta sẽ khiến không gian trở nên rối rắm. Tôi nhiều lần phải tự trấn tĩnh mình chỉ lựa chọn màu sắc, nội thất như dự tính ban đầu, tránh để sức sáng tạo đi quá xa.
Quyên Trần: Sau khi đơn vị thi công cải tạo lại phần thô của căn nhà, vợ chồng tôi đau đầu tìm mua nội thất. Lúc này, ngân sách không còn dư dả, chúng tôi chi phần lớn cho các món đồ điện máy thiết yếu.
Số dư ít ỏi còn lại, hai đứa phải cân đối để mua được những món đồ phù hợp với giá hời. Nếu điều kiện dư dả hơn, tôi nghĩ mình sẽ thuê KTS để có được thành quả chính xác gu mình muốn và đỡ đau đầu tính toán, tìm kiếm nội thất.
Vợ chồng Quyên Trần chi trả khoảng 500 triệu đồng để cải tạo, thiết kế lại căn chung cư. |
Trần Nam: Tôi có trải nghiệm "thấm thía" với chủ thầu xây dựng. Trong 2 tháng cải tạo nhà cho tôi, họ điều đến 3 đội thợ khác nhau. Mỗi đội có cách làm việc riêng, gây khó khăn cho tôi trong việc giám sát, trao đổi ý tưởng của mình.
Tôi không có chút kiến thức nào về xây dựng hay kiến trúc, làm đến đâu phải lên mạng mày mò, tìm hiểu đến đấy. Trước đó, tôi còn không lường trước được rằng khu nhà cũ của gia đình tôi đã khá yếu, không thể đổ bê tông mái và mở cửa sổ to. Tôi chỉ được phép đập thông các tường vách, bịt cửa ra vào cũ, không giống lắm với ý tưởng ban đầu.
Theo tôi, việc tự cải tạo nhà chỉ phù hợp với những không gian nhỏ. Còn nếu sửa chữa nhà lớn, nhiều tầng, chúng ta hoàn toàn phải tìm đến KTS để được tính toán cột trụ, trọng tải chịu lực, cầu thang, hệ thống điện, nước thông các tầng… Không có kiến thức chuyên môn, chúng ta không thể tính toán mọi thứ phù hợp và an toàn nhất.
Tiến Dũng: Khó khăn lớn nhất của tôi đó chính là bàn bạc nguyện vọng cùng đội thợ thi công. Tôi có những ý tưởng mà trước đây họ chưa từng thực hiện. Ví dụ đối với chiếc cầu thang, tôi mong muốn làm hoàn toàn bằng gỗ tần bì, chịu lực bằng bức tường ở tầng trệt, không cần đệm bê tông.
Mất nửa tháng làm việc và tranh luận, đội thợ mới có thể làm cầu thang thành hình.
Tiến Dũng mất nhiều thời gian để có được chiếc cầu thang đúng với ý tưởng sáng tạo. Anh cũng mong muốn phá cách không gian với những mái vòm có độ cong khác nhau. |
Lời khuyên từ KTS
Việc tự cải tạo, trang trí nhà không chỉ tiêu tốn tiền bạc, thời gian mà còn cả công sức của người chủ. Không có sự tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng, chúng ta khó có thể sở hữu một không gian sống đẹp, tiện nghi như ý muốn.
Chia sẻ với Zing, KTS Đoàn Mạnh, nhà sáng lập Combo Home, đưa ra một số lời khuyên dành cho những người trẻ lần đầu tự mình thiết kế nơi ở.
Tính toán kỹ trước khi thi công
Trước khi cải tạo, thiết kế, gia chủ cần tự đánh giá về ngôi nhà của mình. Bạn có thể đặt ra một số câu hỏi như: Căn nhà này cũ hay nhà mới? Có vấn đề gì và phương án khắc phục ra sao? Nên chọn vật liệu gì cho phù hợp? Và gọi nhà thầu thi công nào?
Làm việc với đơn vị thi công
Các gia chủ cần cân nhắc xem nên gọi lẻ từng nhà thầu để tự quản lý hay gọi đơn vị tổng thầu thi công. Sau khi chọn lựa, hãy liệt kê từng vấn đề và nhờ nhà thầu đưa ra phương án cho từng hạng mục trong công trình.
Trong quá trình làm việc, đầu tiên, bạn nên lập bản kế hoạch đi kèm với đầu mục thợ, công việc, thời gian cho quá trình xây, sửa. Hãy chú ý giám sát thi công những phần quan trọng và có thể gây hệ lụy lớn như chống thấm hoặc chi tiết nằm bên trong tường. Các phần này nếu hư hại sẽ khó sửa chữa, gây mất công và thiệt hại nhiều.
Áp dụng nguyên tắc màu sắc 60-30-10
Một căn nhà đẹp, thẩm mỹ tốt thể hiện rất nhiều thông qua màu sắc. Bạn hãy áp dụng nguyên tắc màu sắc 60-30-10.
Trong đó, 60% màu sắc chủ đạo của căn phòng như màu tường, sàn, thảm trải sàn hay màu của những món đồ nội thất lớn.
30% màu sắc trong phòng đến từ đồ nội thất nhỏ hay đèn chiếu sáng. Bạn nên chọn tông màu hài hòa với màu sắc chủ đạo.
10% màu sắc còn lại cho phép bạn tự lựa chọn, thử sức với các gam màu độc đáo. Bạn có thể tạo điểm nhấn với một món đồ nội thất màu nổi hoặc kết hợp đồ gỗ với các chi tiết kim loại. Tất nhiên, bạn không nhất thiết phải tuân thủ tuyệt đối, có thể bỏ qua tỷ lệ này.
Căn bếp mở với đảo bếp của gia đình Quyên Trần. |
Tính toán đồ nội thất
Khi mua sắm đồ nội thất, bạn phải ưu tiên những món đồ bắt buộc cần có trong nhà. Hãy phân tích không gian, ví dụ vị trí cửa ra vào cần có tủ giày, phòng bếp cần có tủ bếp, kệ để bát, phòng ngủ cần giường, tủ quần áo, bàn làm việc hoặc phòng khách cần sofa, bàn trà...
Sau đó, bạn nên tính toán kích thước để tránh mua sai. Hãy kiểm tra kỹ lưỡng từng chi tiết của nội thất.
Ví dụ, đối với ghế, bạn cần kiểm tra độ ngả, độ êm và miếng cao su dưới chân ghế để tránh xước sàn. Đối với đèn, hãy xem sản phẩm này có đủ sáng không và ánh sáng của nó màu trắng hay vàng. Ngoài ra, các kệ, tủ chứa đồ cũng phải phù hợp với nhu cầu của gia đình ở hiện tại và 3-5 năm tới.