Làm thế nào để sau khi tốt nghiệp có thể tìm được việc tốt, thu nhập cao? Đó là băn khoăn của gần 2,2 triệu sinh viên Việt Nam đang ngồi trên giảng đường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ).
Để giúp bạn trẻ có thêm thông tin, trong hai ngày 19 và 20/12, tại ĐH Bách khoa Hà Nội, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam tổ chức sự kiện việc làm và cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên (JOB FAIR 2015). Tại đây, các bạn trẻ được nghe diễn giả chia sẻ bí quyết thành công, cũng như tiếp nhận lời khuyên của chính những người sử dụng lao động.
Sinh viên đăng ký tìm việc làm. Ảnh: Phan Lê. |
Học mọi lúc, mọi nơi
Từng là sinh viên, anh Đỗ Huy Hiệu, Giám đốc Công ty TNHH Bransons, cho biết, cách đây 7 năm, anh đi phỏng vấn xin việc và bị đuổi từ vòng gửi xe, vì không biết công việc đó là gì. Do đó, các bạn trẻ phải tìm hiểu kỹ về công việc muốn làm, công ty muốn gắn bó. “Chìa khóa” thành công của vị giám đốc trẻ là tập trung, mục tiêu (biết mình muốn gì), học hỏi, chuyên nghiệp, đam mê, hành động.
Theo anh Hiệu, 4 năm sinh viên là thời gian vàng, nên các bạn trẻ ngủ ít thôi, dành nhiều thời gian để học. “7 năm trước, tôi ngủ 3 tiếng một ngày, bây giờ ngủ 11 tiếng. Các bạn nên ngủ ít hơn để nghĩ đến tương lai của mình. Việc học mọi lúc mọi nơi sẽ giúp người trẻ được nhiều thứ trong tương lai”, anh Hiệu khuyên.
Trong khi đó, anh Vũ Anh Long, Chủ tịch CLB Hãy cùng hát vang cho rằng, biết lắng nghe và học hỏi là một trong những điều giúp bạn trẻ thành công. Còn theo bà Nguyễn Thị Huế, Giám đốc Công ty EZ, cựu sinh viên ĐH Ngoại thương Hà Nội, hãy khát khao, kiên nhẫn và "điên cuồng" tạo khác biệt, thành công sẽ đến với bạn.
Hãy xách ba lô lên đi tìm việc
Đứng ở vị trí nhà tuyển dụng, các diễn giả đưa ra những yêu cầu cụ thể đối với lao động. Bà Nguyễn Thị Huế cho biết, ưu tiên tuyển dụng lao động theo tiêu chí sức trẻ, nhiệt huyết, khát vọng làm giàu. "Câu hỏi tôi đặt ra với bạn trẻ là có mong muốn bán hàng, kiếm tiền và thành công không?... Bạn có dám thức khuya dậy sớm, làm cả chủ nhật không?", nữ giám đốc nói.
Còn anh Đỗ Huy Hiệu lại đánh giá cao những người cầu tiến. “Nếu có hai người, một có bằng xuất sắc nhưng chưa có kinh nghiệm, một giàu kinh nghiệm nhưng bằng không giỏi đến xin việc, tôi sẽ chọn người cầu tiến. Tôi không muốn tuyển những người mà phải giám sát, không biết tự tìm việc khi không được chỉ dẫn... Bạn nào mang cái tôi quá cao, không có mục tiêu học hỏi thì dù có bằng tốt nghiệp loại giỏi, tôi cũng không nhận”, anh Hiệu nêu quan điểm.
Anh cũng khuyên sinh viên, nếu muốn ra trường có việc làm tốt thì ngay từ thời điểm này hãy xách ba lô lên và đi tìm việc. “Hãy làm bất cứ công việc gì ở nơi bạn muốn gắn bó sau khi ra trường. Có thể đó chỉ là lao công hay không lương. Tôi từng làm lao công ở công ty sau này tôi làm việc. Các bạn hãy xác định không phải kiếm được gì mà học được gì từ công việc đó”, giám đốc này nói.
Mặt khác, anh Hiệu cũng khuyên các bạn trẻ hãy học ĐH cho giỏi. Doanh nghiệp nào cũng cần người giỏi. “Đừng nghĩ bằng ĐH không có ý nghĩa. Hãy bỏ tư duy bỏ học để đi làm, chỉ nên làm thêm thôi”.
Ở góc độ khác, anh Vũ Anh Long chia sẻ, ngoài việc học, sinh viên hãy tham gia hoạt động xã hội để tích luỹ mối quan hệ, biết nhiều kỹ năng, giúp cho công việc sau này.
Về vấn đề đi làm khi còn là sinh viên, bà Nguyễn Thị Huế khẳng định, đây là thời gian vàng để thử mà chưa cần quan tâm nhiều đến thành công hay thất bại. Nữ giám đốc cũng cho biết thêm, mỗi năm công ty của bà tuyển khoảng 200 nhân viên. Đó cũng là cơ hội cho những sinh viên mới ra trường có thể thử sức.
JOB FAIR 2015 cung cấp cho sinh viên và người lao động thông tin tuyển dụng của gần 200 doanh nghiệp, nhà tuyển dụng trên địa bàn Hà Nội ở nhiều lĩnh vực. Tổng số vị trí ứng tuyển là 3.027. Các lĩnh vực nổi bật như: Marketing, công nghệ thông tin, thương mại điện tử, khách sạn, nhà hàng, bất động sản, viễn thông, thời trang, tổ chức sự kiện, giáo dục…