Sơn Tùng là một "ca hiếm" của Vpop. Mỗi lần xuất hiện, anh đều "quăng" ra cho khán giả một sản phẩm nhìn chung là hấp dẫn nhưng không ít những ngờ vực, tranh cãi. MV mới của anh mang tên Chúng ta không thuộc về nhau nhanh chóng trở thành tâm điểm. Khó mà nói được nghi án đạo nhạc mới nhất này là tai tiếng bởi nam ca sĩ này đã không ít lần “dính bẫy” như vậy trước đây.
Khán giả vùi dập
Tuy chuyện sản phẩm mới của Tùng bị nghi ngờ đạo nhạc nhưng trong nghi án này vẫn có nét mới. Nói cách khác, có thể là một sự "sáng tạo" của Sơn Tùng. Bình thường anh chỉ bị dư luận mổ xẻ chuyện đạo nghệ sĩ Hàn Quốc, Nhật Bản nhưng lần này đã vươn ra tới Mỹ. Mọi tranh luận chỉ làm cho bài hát của nam ca sĩ Gương mặt đáng thương thêm nổi tiếng. Bằng chứng đầu tiên là lượt xem MV trên YouTube không ngừng tăng lên chóng mặt. Nói không quá là khán giả đã “mắc bẫy” của Sơn Tùng?
Nhưng rất may mắn là Sơn Tùng M-TP đang sinh sống và hoạt động tại Việt Nam, nơi mà những tiếng nói tranh luận dường như chỉ làm cho anh chàng nổi tiếng hơn. Nếu đặt Sơn Tùng vào bộ máy giải trí Kpop, liệu nam ca sĩ có thể sống với nghề được bao lâu? Đó là một giả thiết thú vị vì Sơn Tùng, hơn ai hết, là một nghệ sĩ vừa thần tượng, vừa học hỏi rất nhiều từ Kpop – theo như những gì anh thừa nhận.
Nam ca sĩ Sơn Tùng M-TP. |
Kpop là thị trường âm nhạc đang lên. Đó là một bộ máy hoàn hảo, chuyên sản xuất ra các sản phẩm âm nhạc có công thức tương tự nhau và theo trào lưu. Nhiều ca sĩ, nhóm nhạc có thể lựa chọn chung một hình tượng nhưng không ai giống ai. Chuyện đạo nhạc hay đạo phong cách ở Kpop là điều cấm kỵ. Có lẽ vì thế, các nghệ sĩ phải luôn dè chừng để mình đừng giống một ai đó.
Mặt khác, tiếng nói của người hâm mộ Kpop "có gang có thép". Để chấm điểm giọng hát và phân trình cao thấp, Mr.Removed - phần mềm kiểm tra giọng hát live của ca sĩ trên sân khấu, ra đời. Và để hiểu được cảm giác ê chề khi cư dân mạng ném đá một giọng hát nào đó là không khó vì nó xuất hiện nhan nhản trên mạng. Hiếm có một thị trường âm nhạc nào mà người hâm mộ có thể “soi kỹ” từng đôi dày, kiểu váy áo của các nghệ sĩ thần tượng để kết luật: ai đạo phong cách của ai như Kpop.
Những cái tên lớn, nhỏ của Kpop như Lee Hyori, G-Dragon, SNSD, IU, T-Ara… từng khốn đốn vì tin đồn đạo nhạc. Một trong số họ đã thừa nhận, một số bay biến chối tội và số khác lựa chọn cách “im lặng là vàng”.
Nổi tiếng và tài năng như G-Dragon cũng từng bị tố cáo đạo nhạc. |
Tuy vậy, khán giả Kpop sẽ khó mà quên được và họ vẫn âm thầm chờ đợi, và “ném đá” khi một nghi án nhạc mới lại nổi lên. Khi bị phát giác, sự nghiệp của họ bị chững lại hoặc ngừng hoạt động và lánh xa showbiz. Nếu tiếp tục hoạt động, họ chỉ càng khiến cho người hâm mộ phẫn nộ và thành công là điều không thể. Đó là cái giá phải trả cho những nghệ sĩ đạo nhạc.
Với tần xuất bị nghi đạo nhạc như Sơn Tùng, đừng nói đến chuyện anh sẽ nổi tiếng như tại Việt Nam mà còn có thể mãi không ngóc đầu lên được.
Luật pháp ra tay
Bên cạnh sức mạnh của người hâm mộ, luật pháp tại Hàn Quốc cũng sẽ xử lý công bằng nếu có nghi án đạo nhạc xảy ra. Scandal đạo nhạc ầm ĩ nhất làng nhạc Kpop phải kể đến cái tên Lee Hyori và album thành công của cô H.Logic cách đây 6 năm. Không phải 1 mà là 6 ca khúc trong đĩa nhạc này dính nghi án đạo nhạc.
Dưới sức ép của dư luận lẫn các đồng nghiệp quốc tế dọa sẽ đưa các vụ đạo nhạc ra tòa, Lee Hyori đã phải thú nhận hành vi đạo nhạc của mình. Tuy nhiên, cô đổ hết mọi tội lỗi cho người sáng tác, chủ nhân của những bản hit "dởm".
Cuối cùng, tác giả Bahnus Vacuum đã bị tống giam 1 năm 6 tháng vì hành vi đạo nhạc. Lee Hyori "thoát tội" nhưng để lại vết chàm khó gột rửa trong sự nghiệp. Và phải rất lâu sau Hyori mới dám quay trở lại làng âm nhạc và khán giả đã nguôi ngoai cơn tức giận với hành vi gian lận của cô ca sĩ này.
Lee Hyori từng phải thừa nhận hành vi đạo nhạc. |
Ngôi sao G-Dragon, trưởng ban nhạc Big Bang cũng từng dính vào nghi án đạo nhạc. Từ bìa album đến bài hát, anh đều được khép tội “ăn cắp”. Thập chí, chàng rapper da màu Flo Rida đã lên án việc G-Dragon đạo hit Right Round của anh trong ca khúc Heart Breaker. Flo Rida cũng từng có ý định kiện ra tòa vụ án này. Sau sự kiện này, G-Dragon cũng mất đi uy tín đáng kể trong mắt người nghe nhạc.
Một trường hợp khác về chuyện đạo nhái ở Kpop là EXO. Nhóm nhạc này từng không được khán giả ủng hộ từ lúc chưa ra mắt vì có tin đồn là phiên bản 2 của Super Junior. Chỉ riêng việc na ná về mặt số lượng thành viên, phong cách của đàn anh đã bị người hâm mộ phản đối kịch liệt. EXO bị ghẻ lạnh đến hơn 1 năm và sau sản phẩm âm nhạc Growl mới khá khẩm hơn
Vậy Sơn Tùng hoạt động tại Kpop, liệu anh có thể thành công như hiện tại? Hay sẽ trở thành một Lee Hyori hay G-Dragon bị đồng nghiệp lên án, luật pháp nhúng tay vào?
Một tờ báo đương thời từng viết về vụ việc đạo nhạc của Lee Hyori: "Chúng ta có thể mắng nhiếc cô ấy nhưng chúng ta không biết bắt đầu tư đâu. Dù sao đi nữa, nạn nhân chính của vụ bê bối đạo nhạc này không phải là Lee Hyori mà là chính chúng ta".
Liệu khán giả Việt có thấy mình là nạn nhân trong các nghi án đạo nhạc của Sơn Tùng?