Cuộc sống về đêm được xem là bản sắc của thành phố New York. Ảnh: Dina Litovsky/Redux. |
New York được mệnh danh là “thành phố không bao giờ ngủ”, hoặc không còn nữa.
Các nhà hàng thiếu nhân viên đang đóng cửa sớm hơn, những quán bar, phòng gym và câu lạc bộ mở đến đêm cũng ít phong phú như trước đây, theo The Guardian.
Trong bối cảnh căng thẳng kinh tế, làn sóng trở lại văn phòng, tội phạm cùng các vấn đề khác về chất lượng cuộc sống mà đô thị phải đối mặt, Thị trưởng Eric Adams và Văn phòng Cuộc sống về đêm New York đang cố gắng đưa người dân trở lại sàn nhảy.
“Khi New York phục hồi sau đại dịch toàn cầu, nhiều người tự hỏi liệu danh tiếng của ‘thành phố 24 giờ’ có đang bị đe dọa hay không”, New York Times băn khoăn vào tuần trước.
Ánh đèn rực rỡ của Quảng trường Thời đại vẫn thu hút đám đông vào ban đêm ở thành phố New York. Ảnh: Frank Nowikowski/Alamy. |
Mất mát
Paul Sevigny, người điều hành loạt hộp đêm, nhận định: “Thật đáng buồn khi phải mua một miếng bánh pizza sau 22h, nhưng tôi nghĩ New York sẽ sớm trở lại là ‘thành phố không ngủ’. Các nhà chức trách hiểu rằng sẽ mất mát thế nào nếu mất đi tên gọi này”.
Sevigny cho biết nhu cầu về cuộc sống về đêm trong thành phố đang quay trở lại với các hộp đêm lớn nhỏ và câu lạc bộ dành riêng cho giới tinh hoa.
Một phần của động lực mở cửa 24 giờ/ngày, 7 ngày/tuần là tiền thuê nhà.
“Chúng tôi phải trả cái giá cao ngất ngưởng, vậy tại sao không tiếp tục mở?”, ông nói.
Du khách có thể tận hưởng buổi tối ngoài trời tại phòng phục vụ cocktail Paul's Baby Grand ở New York. Ảnh: Dave Kotinsky. |
Han Jiang, làm DJ ở các câu lạc bộ của Sevigny, cho biết thành phố đang “nghiêng về phía mọi người sẽ không ngủ lại”. Cô nói ở hiện tại, khi cuộc sống về đêm trở lại, khách hàng có tâm trạng hoài cổ, giống như phần lớn văn hóa, và đang yêu thích Abba, Michael Jackson hay tìm kiếm thứ gì đó mới mẻ.
Báo cáo năm 2019 từ Văn phòng Cuộc sống về đêm New York ước tính nền kinh tế hoạt động vào ban đêm đã hỗ trợ 299.000 việc làm với 13,1 tỷ USD tiền lương cho nhân viên và 35,1 tỷ USD tổng sản lượng. Trong suốt lịch sử lâu dài, cuộc sống về đêm là trung tâm của bản sắc thành phố New York.
“Thành phố không bao giờ ngủ” là điểm đến cho những người mộng mơ, sành đi chơi và là tâm điểm của sự sáng tạo.
Tuy nhiên, vấn đề hậu đại dịch là New York phục hồi chậm. Các nhà tuyển dụng đang đấu tranh để đưa nhân viên trở lại văn phòng, trong khi thành phố đã mất 176.000 việc làm. Những vị trí còn tồn tại, thường là vào đêm khuya hoặc trả lương thấp và dựa vào tiền boa, tỏ ra khó lấp đầy.
Tình trạng thiếu lao động, sự gia tăng của tội phạm đường phố cùng người vô gia cư khiến cư dân trên toàn thành phố lo lắng.
Vẫn đang phục hồi
Ariel Palitz, Giám đốc điều hành của Văn phòng Cuộc sống về đêm, nói rằng thành phố vẫn đang trong quá trình phục hồi.
“Covid-19 là đòn chí mạng đối với tính cách của thành phố. Chúng tôi đang trong quá trình hồi phục và cải thiện”, ông nói.
Văn phòng của Palitz đã thực hiện một số cải cách, bao gồm giới thiệu cơ chế giải quyết tranh chấp giữa các câu lạc bộ và hội đồng cộng đồng, chăm sóc sức khỏe tâm thần cho những người làm trong ngành nightlife và chiến dịch Narcan Behind Every Bar nhằm đảm bảo các hộp đêm có bộ dụng cụ giúp đối phó với loại ma túy bị pha trộn với fentanyl.
Palitz nói những người trẻ tuổi vẫn có ham muốn mạnh mẽ để ra ngoài vui chơi, buông thả, uống rượu và khiêu vũ.
“Bây giờ, chúng tôi có cơ hội để xây dựng mọi thứ trở lại tốt hơn”, ông nói.
Câu lạc bộ đêm Manhattan Studio 54 vào năm 1978, khi New York nổi tiếng là “thành phố không bao giờ ngủ”. Ảnh: Antoinette Norcia/Sygma. |
Thị trưởng New York Eric Adams thường được thấy lui tới Osteria La Baia, nhà hàng Italy ở khu trung tâm, hoặc câu lạc bộ tư nhân Zero Bond.
“Việc mọi người ra ngoài vào ban đêm sẽ giúp giảm tội phạm. Điều này cũng thu hút khách du lịch”, ông từng nói.
Palitz cho hay: “Thị trưởng Adams cũng hiểu rằng New York là ‘thành phố không ngủ’. Ông nhìn nhận thành phố không chỉ có Phố Wall, văn hóa ‘9-to-5’, làn sóng thu hút mọi người trở lại văn phòng. Bởi vậy, việc đưa mọi người trở lại các hộp đêm, người lao động đứng sau quầy bar, chơi DJ và trở lại để giải trí cũng rất quan trọng”.
Jiang cảnh báo rằng trong khi mọi người đi chơi trở lại, cuộc sống về đêm đã có ít nhiều thay đổi.
“Mọi người từng có thể ‘xõa’ trong hộp đêm và cảm thấy an toàn, nhưng mạng xã hội đã thay đổi điều đó. Họ lo lắng mọi người có thể rút máy ảnh ra”, cô nói.
Tại các câu lạc bộ của Sevigny, khách hàng có thể không ngại bị chụp ảnh ở lối vào, nhưng khi đã có mặt bên trong, chính sách cấm máy ảnh được tuân thủ.
“Nhiều địa danh tạo được danh tiếng nhờ những cái tên táo bạo, nhưng bạn sẽ không thấy nơi đó làm được điều mà New York có thể”, ông nói.