Paulne Ang (trái) và Olivia Chen là nhà sáng lập thương hiệu trà sữa Twrl, cả hai vừa nhận được lời mời đầu tư của diễn viên Simu Liu. Ảnh: Bristol Farms. |
Olivia Chen và Pauline Ang là bạn thân đồng thời là đối tác kinh doanh thương hiệu trà sữa trân châu Twrl. Cả hai từng cố gắng gọi vốn 3 lần trên Dragon’s Den (Shark Tank phiên bản Canada) nhưng đều thất bại.
Ở một diễn biến không ai ngờ, thương hiệu trà sữa có trụ sở ở San Francisco vừa nhận được lời mời đầu tư từ diễn viên, doanh nhân Simu Liu. Trước đó, bộ đôi sáng lập Twrl đăng video TikTok ủng hộ Simu Liu khi ông cáo buộc thương hiệu trà sữa Bobba “chiếm dụng văn hóa”. Bằng cách nào đó, video đến tai Liu và anh yêu cầu Twrl gửi đề xuất đến quỹ đầu tư mạo hiểm do anh là người đại diện.
“Thành thật mà nói, tôi vẫn chưa tin một thương hiệu có thể chiếm dụng văn hóa đến thế”, Chen cho biết. “Tôi quyết định làm video giới thiệu trà sữa của Twrl để mọi người hiểu vẫn có những sản phẩm tôn trọng văn hóa trên thị trường”.
“Hủy hoại món trà sữa trân châu”
Nhiều người chỉ trích thương hiệu trà sữa đóng lon Bobba xuất hiện trong tập phát sóng ngày 10/10 của chương trình Dragon’s Den. Ở đó, diễn viên, nhà đầu tư khách mời Simu Liu cáo buộc thương hiệu này “chiếm dụng văn hóa” khi tuyên bố “cải tiến món trà sữa trân châu được yêu thích thành thức uống tiện lợi và lành mạnh hơn”.
Liu lo ngại Bobba sẽ “hủy hoại món trà sữa trân châu”, “đang lấy thứ gì đó rất châu Á rồi tự nhận là làm cho nó tốt hơn”. Sản phẩm chính của Bobba là trà sữa đóng lon có cồn, một số được pha với nước trái cây để “cải tiến trà sữa trân châu” thành thức uống “lành mạnh và tiện lợi hơn”.
Diễn viên người Canada gốc Hoa Simu Liu là nhà đầu tư khách mời trong tập phát sóng ngày 10/10 của Dragon's Den. Ảnh: ABC. |
“Thật điên rồ khi những công ty lớn nghĩ họ có thể thu hút người tiêu dùng bằng sản phẩm chiếm dụng văn hóa”, Juily Phun, phó giáo sư chuyên nghiên cứu người Mỹ gốc Á tại Cal State LA, chia sẻ. “Không chỉ về tính xác thực. Điều tôi nhận thấy là thế hệ trẻ đang sử dụng tiền rất thông minh”.
Phó giáo sư Phun từng mở triển lãm về nguồn gốc của món trà sữa trân châu của Đài Loan (Trung Quốc). Theo ông, những viên trân châu, thành phần chính là bột sắn dây, có thể bắt nguồn từ Nam Mỹ. Các quốc gia này mang sắn dây vào Thái Bình Dương, châu Á trong quá trình trao đổi hàng hóa.
Đến thập niên 1980, trà sữa trân châu được khai sinh khi có người thêm trái cây, siro, khoai lang tẩm đường và trân châu vào trà sữa. Một ly trà sữa trân châu rất dễ nhận ra vì người uống cần ống hút thật to để hút trân châu. Các cửa hàng trà sữa đầu tiên của Mỹ bắt đầu hoạt động vào thập niên 1990.
Phó giáo sư lưu ý có nghiên cứu phản biện cho thấy bột sắn xuất phát từ vùng vịnh San Francisco hoặc Nam California.
Khai thác câu chuyện cá nhân
Olivia Chen là người Mỹ gốc Hoa. Cô chú ý đến thương hiệu Bobba khi mạng xã hội thảo luận về hai người Canada đang “hủy hoại món trà sữa trân châu”. Chen cho rằng người sáng lập Bobba quan tâm đến trà sữa vì đây là thức uống phổ biến khắp thế giới.
“Anh ấy kinh doanh trà sữa vì thấy cơ hội thị trường, tôi đồng ý nhưng ý tưởng kinh doanh cũng nên xuất phát từ suy nghĩ: ‘Tôi thực sự thích trà sữa trân châu’”, cô nói. “Tôi ước anh ấy sẽ nghiên cứu kỹ, công nhận hoặc có câu chuyện thực sự với trà sữa”.
Megan Ruan là người phụ trách quỹ đầu tư mạo hiểm Gold House Ventures - quỹ đầu tư dành cho công ty khởi nghiệp có người sáng lập gốc Á và Thái Bình Dương. Theo cô, để tăng cơ hội được đầu tư và không gây tranh cãi, nhà khởi nghiệp nên bắt đầu bằng “xuất thân và kinh nghiệm”.
Ruan khuyên các doanh nhân nên thẳng thắn và thành thật khi kêu gọi đầu tư. “Hoạt động tiếp thị hiệu quả nhất hiện nay là tiếp thị bằng câu chuyện cá nhân. Vì vậy, trải nghiệm của người sáng lập là rất quan trọng”.
Chen và Ang là hai người Mỹ gốc Hoa và phát triển thương hiệu trà sữa Twrl gần 4 năm. Ảnh: Bristol Farms. |
Chen và Ang, người Mỹ gốc Hoa, phát triển thương hiệu trà sữa Twrl gần 4 năm. Họ làm việc với các vườn trà gia đình ở Nhật Bản và Trung Quốc. Lớp phủ trân châu của Twrl được sản xuất tại Đài Loan (Trung Quốc) và ghi rõ trong bao bì. Họ thậm chí hợp tác với nhiều nghệ sĩ châu Á để thiết kế lon trà sữa của thương hiệu.
Twrl vừa ra mắt 2 sản phẩm là trà sữa khoai mỡ và trà xanh gạo rang Nhật Bản. Sản phẩm của họ được ưu chuộng tại siêu thị và cửa hàng tiện lợi khắp nước Mỹ.
Một khoản đầu tư đáng kể từ diễn viên Simu Liu sắp được rót vào Twrl. Danh tiếng của thương hiệu cũng được nhiều người biết đến sau lùm xùm của Bobba tại Dragon’s Den.
Người sáng lập thương hiệu trà sữa đóng lon Bobba đăng bài xin lỗi vào ngày 14/10. Ảnh: Instagram. |
Hãng trà sữa Bobba do người Canada sáng lập chịu ảnh hưởng đáng kể sau các cáo buộc chiếm dụng văn hóa. Người sáng lập thương hiệu đăng bài xin lỗi vào ngày 14/10. Nhà đầu tư Manjit Minhas tuyên bố rút khoản đầu tư 1 triệu USD sau hàng loạt lời chỉ trích. Diễn viên Liu phải đăng bài kêu gọi cộng đồng mạng ngừng quấy rối và đe dọa Bobba.
Chen nói hành vi và thái độ cực đoan của cộng đồng với hai nhà sáng lập Bobba là chưa hợp lý.
“Có những tín hiệu tích cực sau sự việc lần này”, cô nói. “Những chủ đề này xuất hiện vào tạo ra nhận thức sâu sắc về chiếm dụng văn hóa. Người tiêu dùng ngày càng tôn trọng các giá trị truyền thống, bản địa. Ngược lại, các doanh nhân cũng có ý thức lồng ghép câu chuyện cá nhân vào sản phẩm. Thương hiệu của tôi là ví dụ điển hình”.
Vị trí của cà phê Việt Nam trên bản đồ thế giới
Theo sách Bản đồ thế giới cà phê của James Hoffmann, sản lượng cà phê lớn ở Việt Nam từ thập niên 1990 đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến ngành công nghiệp cà phê toàn cầu. Sản lượng cà phê Việt Nam tăng gấp đôi trong giai đoạn 1996-2000, tác động lớn đến giá cà phê thế giới. Đến nay, Việt Nam vẫn là quốc gia sản xuất cà phê lớn thứ hai trên thế giới. Dù vậy, tác giả James Hoffmann cho rằng chất không đi với lượng ở thị trường tiềm năng này.